Cổ phiếu dược duy nhất sản xuất thuốc ung thư được khuyến nghị mua, upside 38%

(ĐTCK) DBD hiện đang giao dịch tại P/E là 11.9x, cao hơn một chút so với mức trung bình kể từ khi niêm yết là 11.4x và thấp hơn P/E trung bình toàn ngành dược phẩm là 22.6x. Chứng khoán Phú Hưng đưa ra khuyến nghị “mua” đối với DBD tại giá hợp lý là 68.000 VND/cổ phiếu, tương ứng tiềm năng tăng giá là 38%
Cổ phiếu dược duy nhất sản xuất thuốc ung thư được khuyến nghị mua, upside 38%

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng, Bidiphar sẽ ghi nhận tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai nhờ mở rộng tệp khách hàng thông qua kênh đấu thầu, sở hữu sức khỏe tài chính vững mạnh so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Thị phần số 1 thuốc ung thư kênh đấu thầu ETC, dẫn đầu về R&D

Theo dữ liệu từ BMI (Fitch Solutions), tổng doanh số dược phẩm Việt Nam tăng trưởng 9% trong năm 2023, đạt khoảng 142.000 tỷ đồng, chiếm 1,38% GDP và 27,2% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe. Ngành dược trong nước được dự báo triển vọng tăng trưởng tích cực nhờ dân số giá hoá, mức thu nhập bình quân đầu người tăng và ý thức về sức khỏe ngày càng cao của người dân sẽ thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn cho thuốc và dịch vụ y tế.

BMI dự báo đến năm 2033, tổng doanh số của ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt khoảng 297.000 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng kép 10 năm ước đạt 7,7%/năm. Sự gia tăng này cũng phản ánh triển vọng kinh doanh sáng sủa cho các công ty dược trong nước, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp về sản xuất, phân phối và cải tiến sản phẩm, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Theo Chứng khoán Phú Hưng, tại Việt Nam, việc sản xuất thuốc điều trị ung thư đang đặt ra những rào cản đáng kể cho các công ty dược phẩm nội địa do cần nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng với chi phí R&D rất cao.

Hiện tại, CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar, mã DBD) – doanh nghiệp dược sản xuất thuốc ung thư niêm yết duy nhất trên sàn - đang sản xuất gần 400 sản phẩm phân thành 19 nhóm thuốc điều trị, được phân phối rộng rãi trên khắp Việt Nam với sự có mặt tại 99% bệnh viện và hơn 20.000 nhà thuốc trong nước.

Trong đó, DBD chiếm thị phần thuốc chống ung thư cao nhất trong cơ cấu đấu thầu thuốc kênh bệnh viện ETC, đạt 62% trong thuốc chống ung thư nhóm 4, 5 sản xuất tại Việt Nam trong năm 2023.

DBD đang sử dụng 16 hoạt chất cho 40 sản phẩm với 2 dạng bào chế, nhiều nhất trong số các công ty đang niêm yết có sản xuất thuốc chống ung thư. Khi xét toàn bộ nhóm thuốc chống ung thư đấu thầu kênh ETC, DBD chiếm thị phần khoảng 11% do thuốc của Bidiphar đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, chủ yếu tham gia đấu thầu nhóm 4, 5.

DBD là doanh nghiệp đầu ngành về R&D với nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới, trở thành doanhnghiệp dược đầu tiên sản xuất thành công thuốc kháng sinh dạng tiêm (năm 1992), dung dịch tiêm truyền kháng sinh, vitamin, axit amin (năm 1997) và thuốc điều trị ung thư (năm 2010). Trong giai đoạn 2018 – 2023, DBD đã phát triển gần 100 sản phẩm mới và dự kiến sẽ được cấp thêm vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025 trong lĩnh vực thuốc điều trị ung thư nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao và nâng cao vị thế cạnh tranh. Qua đó, DBD góp phần quan trọng vào sự ổn định giá thuốc trên thị trường, nâng cao năng lực ngành dược phẩm quốc gia.

Danh mục sản phẩm hấp dẫn, nhà máy mới đạt tiêu chuẩn EU-GMP tạo lợi thế bền vững

Theo PHS, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư và dung dịch thẩm phân là 3 nhóm thuốc điều trị chính của DBD, đóng góp khoảng 65% tổng doanh thu và 51% lợi nhuận gộp của công ty trong 9 tháng 2024.

Đối với thuốc kháng sinh, DBD hiện đang sử dụng đến 37 hoạt chất sản xuất 82 sản phẩm cho 4 dạng bào chế. Các sản phẩm thuốc kháng sinh của DBD đã được hơn 100 cơ sở y tế tuyến trung ương tin dùng như Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Phổi TW, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội...

Thị trường thuốc kháng sinh tại Việt Nam là thị trường rất phân mảnh, tồn đọng rủi ro cạnh tranh khá cao với hơn 30 doanh nghiệp tham gia đấu thầu kênh bệnh viện tại nhóm 3, 4, do đây là dòng thuốc dễ bào chế. Dù vậy, mảng thuốc kháng sinh của Bidiphar vẫn ghi nhận mức tăng trưởng CARG đạt 8%/năm trong giai đoạn 2019 – 2023, nhờ 70% thuốc kháng sinh được bào chế ở dạng thuốc tiêm phục vụ kênh bệnh viện.

Trong khi đó, dòng sản phẩm dung dịch thẩm phân có mức độ cạnh tranh trong ngành khá thấp. DBD hiện đang đứng thứ 3 trong 5 doanh nghiệp tham gia sản xuất và phân phối, với thị phần chiếm 24% tại kênh ETC trong năm 2023. Chưa kể, sản phẩm của DBD có mức giá thấp hơn 2 – 5 lần so với các sản phẩm ngoại nhập, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho công ty.

Tháng 7/2024, Bidiphar đã ký kết biên bản ghi nhớ với Crearene AG, Thụy Sĩ, để phát triển các giải pháp điều trị bằng creatine cho bệnh nhân chạy thận với mục tiêu tiến tới ký hợp đồng chuyển giao bản quyền, mang lại những bước tiến mới trong việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân chạy thận. Theo đó, DBD sẽ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam và khu vực có công nghệ này, tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực điều trị chạy thận tại Việt Nam

Hiện tại, Bidiphar đang vận hành 2 nhà máy với 6 phân xưởng sản xuất thuốc gồm 15 dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín, đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế WHO-GMP.

Trong những năm gần đây, công ty đang tập trung đầu tư để nâng cao công suất và công nghệ sản xuất bằng việc thực hiện đầu tư các dự án nhà máy theo tiêu chuẩn EU-GMP cho Nhà máy thuốc điều trị ung thư (hoạt động năm 2023), 2 Nhà máy sản xuất thuốc rắn dạng uống (OSD) Non-Betalactam và Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ (dự kiến năm 2024 – 2029). Đến hiện tại, công ty đang trong quá trình làm hồ sơ đánh giá nâng cấp lên tiêu chuẩn EU-GMP cho dây chuyền thuốc tiêm và thuốc viên chống ung thư, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026.

Nếu hoàn tất, các sản phẩm thuốc chống ung thư sẽ được tham gia đấu thầu thuốc điều trị ung thư ở nhóm 1, 2 có giá bán cao hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh trong phân khúc thuốc điều trị ung thư ngoại nhập từ năm 2026.

Trong giai đoạn 2024 – 2028, DBD có kế hoạch đầu tư xây dựng 2 nhà máy mới đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, gồm nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ và nhà máy sản xuất thuốc rắn dạng uống (OSD) Non-Betalactam.

Chứng khoán Phú hưng kỳ vọng, cùng với các chính sách khơi thông quy định đấu thầu thuốc và ưu tiên sử dụng thuốc nội địa tại kênh ETC của Chính phủ, việc nâng cấp dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP sẽ giúp DBD nâng cao khả năng cạnh tranh, tham gia đấu thầu ở nhóm cao, từ đó hỗ trợ chiến lược mở rộng thị phần trong nước thông qua kênh ETC.

Năm 2024 – 2025, PHS dự phóng doanh thu thuần của DBD lần lượt đạt 1.802 tỷ đồng và 1.979 tỷ đồng. Trong đó, hầu hết các dòng sản phẩm trong cơ cấu hàng tự sản xuất ghi nhận mức tăng trưởng kép CAGR đạt 9,55%/năm trong giai đoạn 2023 – 2033. Biên lợi nhuận gộp năm 2025 dự kiến cải thiện lên mức 48,1% dựa trên kỳ vọng gia tăng tỷ trọng của các dòng sản phẩm có biên lợi nhuận gộp cao như thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh tiêm, dung dịch thẩm phân và vitamin.

Do đó, lợi nhuận sau thuế trong năm 2024 - 2025 DBD lần lượt được dự báo tăng 4% lên 280 tỷ đồng, sau đó tăng 21% lên 339 tỷ đồng.

(Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tham khảo. Bài viết không mang tính chất mời chào hay bán bất kỳ chứng khoán nào, nhà đầu tư nên có nhận định độc lập về thông tin trong bài viết này).

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục