Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4, chỉ số CSI 300 giảm gần 5% và đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, xóa sạch mức tăng nhờ vào cam kết sâu rộng của các quan chức để hỗ trợ nền kinh tế trong tháng 3. Đồng nhân dân tệ trong nước giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng do lo ngại về dòng vốn chảy ra ngoài gia tăng và giá dầu giảm xuống dưới 100 USD/thùng do lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc.
Một đợt bùng phát Covid khiến phần lớn Thượng Hải đóng cửa dường như trở nên tồi tệ hơn vào cuối tuần sau khi Trung Quốc ra lệnh kiểm tra bắt buộc tại một quận của Bắc Kinh và đóng cửa một số khu vực của Thủ đô hơn 20 triệu dân.
Các quan chức đã cảnh báo về nhiều trường hợp lây nhiễm hơn trong những ngày tới. Tin tức này ảnh hưởng khắp các thị trường toàn cầu khi chứng khoán và hợp đồng tương lai cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh và các thiên đường trú ẩn như đồng đô la và trái phiếu kho bạc tăng giá.
Kevin Li, Giám đốc danh mục đầu tư của GF Asset Management cho biết: “Có những lo ngại về tình hình Covid ở Bắc Kinh đang diễn ra sẽ giống như những gì đã xảy ra ở Thượng Hải với một số đợt đóng cửa kéo dài gây ảnh hưởng đến nền kinh tế”.
Giới đầu tư đang chùn bước trước tác động tiềm tàng của các biện pháp hạn chế để kiểm soát Covid đối với tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đã có dấu hiệu chậm lại do khủng hoảng tài sản và quy định gia tăng. Những lo ngại về tăng trưởng suy yếu xuất hiện trong bối cảnh kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất nhanh chóng, điều này có thể thúc đẩy dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc và đè nặng lên đồng nhân dân tệ.
Đợt bán tháo mới diễn ra khi các nhà đầu tư cảm thấy chán nản về việc không tuân thủ các hứa hẹn về chính sách vào tháng trước để thúc đẩy tăng trưởng và ổn định thị trường. Các thị trường đã không tin tưởng vào cam kết chính sách mới nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào tuần qua để đảm bảo sự ổn định, điều mà các bình luận đã lặp đi lặp lại trong tháng qua.
Các nhà phân tích đã bắt đầu hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống dưới mục tiêu 5,5% của Chính phủ do các đợt ngừng hoạt động, sau khi một số nhà sản xuất và chế tạo ô tô nêu rõ sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trên thị trường chứng khoán, đường hỗ trợ được theo dõi chặt chẽ của chỉ số Shanghai Composite đã bị phá vỡ. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa dưới mức 3.000 điểm quan trọng về mặt tâm lý sau khi sụt giảm 5,1% trong ngày 25/4. Chỉ số chứng khoán công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông cũng giảm 4,9% cùng ngày.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 45 tỷ nhân dân tệ (7 tỷ USD) cổ phiếu trong tháng 3, mức bán ròng lớn nhất trong gần 2 năm trong khi các quỹ toàn cầu cắt giảm lượng trái phiếu Trung Quốc nắm giữ nhiều nhất trong tháng đó.
Tác động hàng hóa
Sự tuân thủ nghiêm ngặt của Trung Quốc đối với chính sách Zero Covid cũng đang quét qua các thị trường hàng hóa, trong đó quốc gia này đang hứng chịu cú sốc nhu cầu dầu lớn nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch.
Trong khi đó, quặng sắt giảm gần 12% tại Singapore trong ngày 25/4 trước khi thu hẹp khoảng một nửa mức giảm.
Chen Wen Guang, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu thông tin thép Lange ở Bắc Kinh cho biết: “Giá giảm mạnh chủ yếu là do tác động của Covid đang lây lan. Với nhiều khu vực bị ảnh hưởng, mọi người bắt đầu lo lắng về nhu cầu”.