Bộ phận phân tích của MBS đã thống kê các lần giảm của giá dầu trong lịch sử và nhận thấy, giá dầu suy giảm cực kỳ mạnh tại các thời điểm chiến tranh vùng Vịnh (1991), OECD suy thoái (1992-1994), khủng hoảng kinh tế châu Á và sản lượng khai thác của OPEC dư thừa (1996-1998), suy thoái kinh tế ở EU và Mỹ (2001); khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2008) thì giá dầu suy giảm trung bình 54% và giảm tới 71% so với mức đỉnh đã thiết lập trước đó.
Xu hướng giá dầu giảm từ 2014 đến nay mới ở mức 39%, chưa bằng mức giảm trung bình của các thời điểm trước đó. Điểm khác biệt của sự suy giảm giá dầu lần này là do dư cung dầu đá phiến, khiến cung dầu mỏ toàn thế giới gia tăng. Các nước xuất khẩu dầu mỏ có chi phí thấp đẩy mạnh xuất khẩu để giữ thị phần cạnh tranh với dầu đá phiến của Mỹ.
Ở một số nước xuất khẩu dầu mỏ, chi phí khai thác trong nội địa chỉ khoảng 10-12 USD/thùng. Nếu bán dưới 20 USD thì họ vẫn có tỷ suất lợi nhuận tốt, nên họ sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu để duy trì ảnh hưởng trên thị trường thế giới.
Khi giá dầu giảm, đương nhiên kế hoạch thăm dò, khai thác mới của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ chững lại, nên nguồn công việc của các công ty trong Tập đoàn phụ thuộc vào hoạt động của Tập đoàn cũng sẽ chững lại.
Đương nhiên, nếu khối lượng công việc giảm thì doanh thu lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành như PVD, PXS… cũng kém khả quan hơn, biên lợi nhuận có thể giảm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu nhà đầu tư nào nắm bắt được thời điểm phục hồi của giá dầu thì có thể quan tâm tới cổ phiếu dầu khí.
Theo IEA, dự báo giá dầu phải trở về mức cân bằng trên 60 USD/thùng vào năm 2020 để đảm bảo mức IRR kỳ vọng trên 10%. Dù vậy, trong 2 năm tới, giá dầu khó về 60 USD/thùng.
Nhận định của MBS cũng trùng với nỗi lo của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí hiện nay. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm chi phí tối đa bao gồm cả lương thu nhập của người lao động để đối phó với kịch bản giá dầu.
Theo thống kê, các công ty dầu khí trên thế giới phản ứng trước việc giảm giá dầu bằng cắt giảm chỉ tiêu đầu tư và cắt giảm chi phí hoạt động. Xu hướng tăng cường các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí liên tục tăng trưởng mạnh từ mức hơn 250 tỷ USD năm 2000, lên mức 850 tỷ USD trong năm 2014. Chi phí hoạt động tăng nhanh trong 10 năm qua, từ mức dưới 4 USD/thùng năm 2003 lên gần 14 USD/thùng năm 2014.