Cổ phiếu Dầu khí An Pha (ASP) thờ ơ với “sóng” ngành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi hầu hết cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí đều nổi sóng thời gian gần đây, mã ASP của Công ty cổ phần Tập đoàn Dầu khí An Pha lại lình xình đi ngang.
Hiện giá dầu thô đạt 64 USD/thùng, trong khi trung bình năm 2020 là 43,8 USD/thùng. Hiện giá dầu thô đạt 64 USD/thùng, trong khi trung bình năm 2020 là 43,8 USD/thùng.

Giá dầu và giá gas thế giới tăng mạnh kể từ cuối năm 2020 đến nay. Bên cạnh đó, triển vọng ngành dầu khí trong trung và dài hạn trở nên sáng hơn khi kinh tế thế giới dần hồi phục, nhất là vắc-xin Covid-19 đang được tiêm chủng… Các yếu tố này khiến dòng tiền ồ ạt chảy vào nhóm cổ phiếu dầu khí, giúp giá và thanh khoản tăng cao.

Tính riêng trong tháng 2/2021, cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam và PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí có giá tăng khoảng 30%, PGS của Công ty cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam tăng trên 20%, GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP tăng 18%...

Tuy nhiên, một số cổ phiếu ngành này nằm ngoài sóng tăng, dù phân khúc hoạt động cũng có cơ hội hưởng lợi từ xu hướng tích cực của ngành.

ASP tiền thân là Công ty cổ phần Dầu khí Anpha S.G, thành lập năm 2002, có vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng. Tính đến năm 2014, doanh nghiệp tăng vốn lên hơn 373 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho cổ đông ngoại và duy trì mức vốn này cho đến nay, với hoạt động chính trong lĩnh vực mua bán, phân phối, nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG).

Cổ phiếu ASP được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM từ ngày 15/22008, giá giao dịch phiên chào sàn là 43.500 đồng/cổ phiếu, bằng giá tham chiếu, sau đó có diễn biến giảm dần.

Từ đó đến nay, giá ASP có một số đợt trồi sụt, nhưng đều thấp xa mức chào sàn, dù kết quả kinh doanh nhìn chung có lãi và chi trả cổ tức ổn định.

Trong 2 tháng qua, ASP dao động quanh mức giá 7.000 đồng/cổ phiếu, không tính đến yếu tố điều chỉnh kỹ thuật do các yếu tố như nhận cổ tức... thì thị giá hiện tại vẫn cách xa mức giá cách đây 13 năm.

Tính đến ngày 31/12/2020, ASP có 2 cổ đông lớn là Saisan Joint Stock Company của Nhật Bản (sở hữu 48,2%) và ông Trần Minh Loan, Tổng giám đốc Công ty (sở hữu 5,86%). Sau khi cổ đông lớn Nhật Bản rót vốn vào ASP năm 2014, Công ty ghi nhận mức lỗ ròng hơn 17 tỷ đồng năm 2015. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, ASP liên tục thực hiện chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp nhỏ lẻ cùng ngành nhằm chiếm lĩnh thị phần gas dân dụng, kết quả kinh doanh từ đó khởi sắc hơn.

Giai đoạn 2008 - 2020, tổng lợi nhuận sau thuế của ASP đạt 257,9 tỷ đồng (đã trừ 26,1 tỷ đồng thua lỗ năm 2011 và 2015), trong đó 4 năm gần nhất lãi từ 33,5 - 56,9 tỷ đồng/năm.

Tính riêng năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận 2.705 tỷ đồng doanh thu và 32 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 5,7% và giảm 25% so với năm 2019. Lợi nhuận giảm nhưng vẫn tích cực so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp cùng ngành.

Theo thống kê, trong năm 2020, 27 doanh nghiệp dầu khí niêm yết tạo ra 232.200 tỷ đồng doanh thu và 10.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 24% và 42% so với năm 2019. Mức giảm bình quân này lớn hơn nhiều mức giảm của ASP.

Tính đến cuối năm 2020, ASP có tổng nợ phải trả 1.546 tỷ đồng, tăng khoảng 27% so với đầu năm và chiếm 76% tổng nguồn vốn, chủ yếu là nợ vay, với nợ vay ngắn hạn 597 tỷ đồng và nợ vay dài hạn 222 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của ASP trong năm qua ghi nhận âm 12,8 tỷ đồng, trong khi năm trước đó dương 268 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu đến từ biến động các khoản phải trả và chi phí trả trước. Dòng tiền hoạt động đầu tư của Công ty âm gần 139 tỷ đồng do chi để mua sắm tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp có khoản tiền thu từ đi vay hơn 2.000 tỷ đồng nên lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận dương 13 tỷ đồng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục