Dòng tiền đang thu hẹp
Nhìn nhận về xu hướng dòng tiền từ nay đến cuối năm 2016, ông Nguyễn Nhật Cường, Trưởng phòng đầu tư, Công ty Chứng khoán Vietinbank (VietinbankSC) cho biết, dòng tiền thị trường chung đang có xu hướng giảm, xuất phát từ hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, dòng tiền hỗ trợ từ ngân hàng cho thị trường chứng khoán có xu hướng giảm do các nhà băng rút tiền về phục vụ nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp.
Thứ hai, khối ngoại liên tục bán ròng. Việc khối ngoại bán ròng cuối năm và thường quay trở lại vào những tháng đầu năm đã trở thành chu kỳ, do đó không gây bất ngờ với giới đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường có sự quan tâm đặc biệt bởi quy mô bán ròng đang diễn ra lớn hơn nhiều so với mọi năm. Điều này một phần được lý giải bởi mối liên hệ với 2 sự kiện là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa xảy ra và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất trong phiên họp sắp tới.
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán cho rằng, có thể chia khối ngoại thành hai nhóm. Đó là bên bán liên tục không ngơi nghỉ trong thời gian qua, mà chủ yếu là các quỹ ETF và bên mua là các quỹ ở Việt Nam. Việc chỉ số VN-Index giảm trong thời gian qua có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bên bán.
Diễn biến trên thị trường hiện nay cho thấy, bên bán liên tục bán ra các mã vốn hóa lớn, bao gồm cả cổ phiếu của công ty kinh doanh tốt lẫn xấu và bán trong thời gian dài, chưa có tín hiệu ngừng lại. Trong khi đó, bên mua thường chờ giá giảm để mua vào và hiếm khi mua nhiều hơn lượng bán ra. Do đó, “trong thời gian tới, khối ngoại sẽ còn bán ròng và có thể khiến chỉ số giảm thêm”, ông Lân nhận định.
Hiện thị trường đang ở tháng cuối cùng của năm 2016 và dự báo sẽ không có nhiều sự thay đổi bất ngờ, đặc biệt trong tháng này, khi mọi sự quan tâm đang hướng về việc Sabeco, Novaland lên sàn. Việc đấu giá cổ phiếu VNM sẽ hút dòng tiền nên thị trường tháng 12 sẽ không nhiều đột biến, thậm chí có thể giảm điểm so với tháng 11.
Ngoài yếu tố trong nước, các yếu tố như nhiều khả năng Fed tăng lãi suất, việc từ chức của Thủ tướng Ý, New Zealand vừa diễn ra; USD tăng mạnh đẩy các đồng tiền khác giảm cùng yếu tố tỷ giá sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư càng cẩn trọng hơn nữa.
Chuyển hướng sang cổ phiếu đầu cơ
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, dòng tiền đã có xu hướng chuyển sang nhóm penny, đầu cơ trong khoảng 1 tháng qua. Nhóm này luôn có sự hấp dẫn khó cưỡng đối với nhà đầu cơ, nhà đầu tư khi lợi nhuận thường tính bằng lần, không tính bằng phần trăm như các cổ phiếu blue chips truyền thống, chưa kể có thời gian đầu tư nhanh, lãi lớn... Rủi ro lớn nhất của nhóm này là khi dòng tiền rút đi thì giá cũng rơi tự do, gây thua lỗ khủng cho các nhà đầu tư vào sau.
Về mặt giao dịch, nhiều cổ phiếu đầu cơ đã chứng tỏ “đẳng cấp” với thanh khoản cao, khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày đạt hơn 1 triệu cổ phiếu, chẳng hạn KLF, FIT... Tuy vậy, các công ty chứng khoán lưu ý nhà đầu tư về nhóm cổ phiếu có lượng giao dịch tăng bất thường mà nền tảng tài chính không vững chắc bởi có khả năng giá sẽ giảm mạnh và nếu không vào đúng “sóng” có thể “thoát” không kịp.
“Trong bối cảnh dòng tiền yếu, nguồn tiền có xu hướng đẩy vào các cổ phiếu đầu cơ và mệnh giá nhỏ. Các cổ phiếu này có giá trị giao dịch/phiên thấp nên tăng giá nhanh và mạnh, mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, rủi ro của các cổ phiếu này là dễ mất thanh khoản khi không còn được nhà tạo lập hỗ trợ. Nhà đầu tư khi mua các cổ phiếu này nên có kịch bản (chốt lãi, cắt lỗ) và hành động dứt khoát, bởi biến động của các cổ phiếu này rất nhanh”, ông Cường chia sẻ.
Trên thực tế, “cuộc chơi” về các mã đầu cơ giúp thị trường trở nên sôi động và cơ hội thu lời cũng lớn hơn. Nhưng đi kèm với cơ hội thu lời lớn luôn là rủi ro, nhất là khi nhà đầu tư không tự định hình được mình đang là nhà đầu tư hay nhà đầu cơ.