Tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí đã có mấy phiên khởi sắc sau quyết định giảm sản lượng của OPEC, giá dầu cũng đã ghi mốc cao nhất trong 16 tháng trở lại đây. Ông nhìn nhận như thế nào về nhóm cổ phiếu dầu khí từ nay đến cuối năm?
Đạt được thỏa thuận này là một nỗ lực vô cùng lớn của OPEC và các quốc gia nằm ngoài OPEC như Nga, Braxin.
Với thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ mức 33,7 triệu thùng/ngày xuống 32,5 triệu thùng/ngày là 1,2 triệu thùng/ngày phần nào giảm bớt lượng cung dư thừa khoảng 2 triệu thùng hiện tại. Tuy nhiên, với dầu mỏ, phía trước vẫn còn nhiều thách thức như:
Thứ nhất, sản lượng OPEC chỉ chiếm 40% sản lượng toàn cầu, nên việc cắt giảm này sẽ mang đến cơ hội cho những quốc gia khác không thuộc OPEC như Veluzuela, Bahrain... những quốc gia đang rất cần tiền và phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu dầu mỏ.
Thứ hai, nếu giá dầu vượt 50 USD và tiền đến 60 USD/thùng thì sẽ có nhiều công ty khai thác dầu hồi sinh, đặc biệt là dầu đá phiến.
Thứ ba, nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc giảm cung sẽ giúp giá dầu thế giới tích cực hơn. Nếu như giá dầu duy trì tích cực vùng 50-60 USD/thùng trước mắt sẽ giúp cho tình hình tài chính của chung ta tốt hơn bởi giá thành khai thác tại Việt Nam khoảng 45 USD/thùng.
Tuy nhiên, không hẳn tất cả các công ty dầu khi niêm yết trên sàn đều hưởng lợi bởi tác động nay chưa lan tỏa. Ví du như PVD, nếu giá dầu thấp hơn 60 USD/thùng, thì khả năng đối tác thuê giàn là không cao, nhưng những công ty như PVT, PVS, GAS sẽ hưởng nhiều lợi thế.
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán
Tính đến thời điểm này, giá dầu Brent đã leo lên mức cao hơn 54 USD/thùng, tức là mức đỉnh của cả năm 2016, cao gấp 2 lần mức đáy của năm nay và ngang bằng mức giá hồi tháng 9 năm ngoái.
Không loại trừ giá dầu còn có thể tăng thêm, nếu các thành viên OPEC thực thi đúng cam kết của mình và các quốc gia dầu mỏ lớn ngoài OPEC không “nhân cơ hội” mà tăng cung. Điều này cũng sẽ giúp cho triển vọng của các công ty dầu khí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sáng sủa hơn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, triển vọng của các công ty dầu khí Việt Nam sẽ chỉ rõ hơn sau vài tháng nữa, tức là sau Tết Âm lịch. Bởi vì, hoạt động của hầu hết các công ty này là loanh quanh nội địa và chịu sự phân công công việc khá lớn từ tập đoàn mẹ. Các dự án lớn nếu triển khai mạnh hơn, có lẽ cũng phải chờ qua Tết mới có thêm thông tin.
Ông Lê Anh Minh, Trưởng bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS)
OPEC đã đạt được thỏa thuận cắt giảm 1,17 triệu thùng dầu/ngày một cách đầy ngạc nhiên sau nỗ lực đàm phán của các thành viên chủ chốt của nhóm như Ả rập Xê út, Iran, Iraq. OPEC sắp tới cũng sẽ đàm phán chính thức với Nga nhằm thuyết phục Nga đạt mức cắt giảm sản lượng dầu ở mức dự kiến là 300.000 thùng/ngày. Giá dầu đã phản ứng rất tích cực và tăng gần 15% trong vòng 4 ngày qua.
Ông Lê Anh Minh
Thứ nhất, sản lượng cắt còn khá nhỏ, chỉ 4% sản lượng hiện tại của OPEC, nên lương cung tăng tại các nước khác ngoài OPEC dễ dàng bù đắp khoảng trống này.
Thứ hai, số lượng giàn khoan đá phiến của Mỹ có thể tăng nhanh trong tương lai gần nếu giá dầu tăng cao nữa và tiệm cận mức 60 USD/thùng.
Thứ ba, 2 quốc gia trong OPEC được miễn tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng (do điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, bị chiến sự tàn phá) là Liby và Nigeria, có thể tăng thêm sản lượng ngày tổng cộng lên tới 1 triệu thùng dầu nữa trong năm 2017, khiến cho nỗ lực cắt giảm của OPEC giảm tác dụng.
Tất cả yếu tố nêu trên khiến đà tăng của giá dầu có thể không vững vàng như kỳ vọng. Nhóm dầu khí vì vậy đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn về mặt cơ bản và kết quả kinh doanh dự kiến còn kém tích cực đến giữa 2017.
Có thể quan sát trên thị trường 2 phiên cuối tuần là mặc dù các cổ phiếu dầu khí tăng mạnh, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhóm này cũng khá quyết liệt, đặc biệt là PVD, PVS.
Dòng vốn trên thị trường thường có những diễn biến rất khó đoán định, đặc biệt là việc bán ròng liên tục của khối ngoại. Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng dòng vốn trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Khối ngoại bán ròng cuối năm và quay trở lại và những tháng đầu năm đã thành chu kỳ và nó không quá lạ. Cái đang quan tâm ở đây là quy mô lớn hơn nhiều so với mọi năm và ắt hẳn nó liên quan tới 2 sự kiện là cuộc bầu của cử Tổng thống Mỹ và FED tăng lãi suất.
Tuy nhiên, có 2 dấu hiệu đang lưu tâm là TTCK Mỹ đã ổn định trở lại sau cuộc bầu cử Tổng thống và dòng tiền rút ra khỏi các nước mới nổi tuần qua đã giảm mạnh sơ với đầu tháng 11. Dù vậy, những nhà đầu tư vẫn còn lo lắng trước khi chính sách ông Donald Trump được ký thành văn bản khi nhậm chức, đồng nghĩa dòng vốn này sẽ còn biến động cho đến hết tháng 1/2017 và tùy theo tình hình thực tế.
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán
Tôi cho rằng, có thể chia khối ngoại thành 2 bên, bên bán liên tục không ngơi nghỉ trong thời gian qua chủ yếu là ETFs và bên mua là các quỹ ở Việt Nam. Việc chỉ số VN-Index giảm trong tuần qua nguyên nhân chủ yếu chính là yếu tố bên bán này.
Vấn đề ở đây là bên bán liên tục trên các mã vốn hóa lớn, bao gồm cả mã của công ty kinh doanh tốt lẫn xấu và kéo dài không biết đến khi nào thì có thể ngừng. Cái này phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố bên ngoài Việt Nam. Bên mua thì không “lỳ” như bên bán, mà thường chờ giá giảm mới mua và cũng hiếm khi mua nhiều hơn lượng bán ra.
Một điều khá bất ngờ trong 2 phiên cuối tuần vừa qua là phản ứng của khối ngoại trước tin giá dầu tăng. Ngay trong phiên thứ Năm, khi mà nhóm dầu khí tăng rất mạnh, nhiều mã luôn duy trì vị thế dư trần, thì khối ngoại lại chỉ có tăng mua đáng kể ở PVD, hay vẫn duy trì mua đều đặn ở PPT. Các mã lớn khác như PVS, GAS thậm chí còn giảm mua và bán nhiều hơn “ngày thường”. PVC và PVB còn không có lệnh mua.
Điều này cho thấy, khối ngoại (bên mua) vẫn tỏ ra rất thận trọng với triển vọng giá dầu và tôi đoán rằng, cũng có thể họ cho rằng, vẫn chưa đến lúc giải ngân (đầu tư). Xin lưu ý rằng, nhóm dầu khí chiếm tỷ trọng khá lớn trong rổ tính chỉ số, cũng như được khối ngoại luôn quan tâm chú ý, nên ngay cả khi có thông tin tốt mà họ không tăng mua, thì có thể coi như index đã mất một cơ hội tăng điểm.
Do đó, trong thời gian ngắn tới, tôi cho rằng, khối ngoại sẽ còn bán ròng và có thể khiến chỉ số giảm thêm.
Ông Lê Anh Minh, Trưởng bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS)
Bất chấp việc nhiều cổ phiếu bluechip bị bán trong thời gian cuối năm 2016, tôi nghĩ rằng, nhiều mã có kết quả kinh doanh tốt và dự kiến tiếp tục tốt trong năm 2017 vẫn nhận được sự quan tâm của dòng tiền như các cổ phiếu trong ngành thép (HSG, HPG), ngành cảng biển (GMD), ngành xây dựng xây lắp (CII), ngành thủy sản (VHC)…
Thêm đó nữa, các cổ phiếu “hot” mới lên sàn (BHN, ACV) hoặc chuẩn bị lên sàn (SAB, VEAM, Vietnam Airlines, Vietjet, Novaland) chắc chắn sẽ hút một lượng tiền cực lớn của thị trường vì tiềm năng tăng trưởng lớn, quy mô nổi bật và vị thế đầu ngành. Thêm đó, các cổ phiếu penny có câu chuyện hay cũng sẽ hút một phần lượng tiền của thị trường sau khi lượng tiền này rút khỏi các mã bluechip đang bị nước ngoài bán ròng liên tục.
Với việc thị trường nhiều khả năng sẽ có diễn biến phân hóa và nhịp hồi phục sẽ khó kéo dài. Theo ông, cần những yếu tố nào để tăng sức cầu cho thị trường trong bối cảnh hiện tại?
Tôi cho rằng, thị trường đang chịu nhiều sức ép cùng một lúc như hiện nay là: (1) Donal Trump’s Presidentcies (chính sách mang tên Donal Trump); (2) Tỷ giá VND/USD đang tăng quá mạnh; (3) Khối ngoại bán ròng quá lớn và liên tục; (4) quá nhiều cổ phiếu NY trên các sàn hiện tại khiến dòng tiền bị pha loãng; (5) sự kiện trưng cầu nước Ý... Tuy nhiên, chúng ta đều thấy rất rõ thị trường đang cố gắng trụ vững tại từng ngưỡng hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hữu Bình
Thực tế, theo chúng tôi thống kê, thì hàng loạt các cổ phiếu trụ cột đều điều chỉnh mạnh so với đỉnh trung bình ở mức 15-20%, cá biệt có cổ phiếu giảm 30% khi VN-Index đạt mức 690 điểm.
Chúng tôi tính toán, nếu không có cổ phiếu ROS thì VN-Index đang ở mức 630 điểm, rõ ràng đây là vùng khá thấp. Tuy nhiên, có 5 điểm sau đây tôi cho rằng vùng đáy của thị trường đang hình thành.
Thứ nhất lịch sử khi các tháng cuối năm luôn là chuỗi suy giảm.
Thứ hai, VN-Index không có ROS đã ở mức rất thấp.
Thứ ba, mức điều chỉnh của những cổ phiếu hàng đầu (Bluechips) khá mạnh.
Thứ tư, là P/E của VN-Index hiện tại 15.48 lần, thấp hơn đáng kể so với mức 16,6 trước đây.
Thứ Năm là thanh khoản nhiều cổ phiếu đã cạn kiệt cho thấy sức ép từ bên bán cũng đã hạn chế.
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán
Tháng 12 trong 2 năm gần đây, giá cổ phiếu nói chung có xu hướng tăng nhờ “sóng chính sách”, tức là nhà đầu tư kỳ vọng vào những chỉ tiêu phát triển kinh tế được Chính phủ công bố.
Năm nay, các chỉ tiêu kinh tế của năm 2017 đã được công bố, như vậy nhà đầu tư sẽ phải chờ xem kế hoạch triển khai chi tiết ở các bộ ngành sẽ như thế nào. Điều này hơi khó dự đoán.
Tuy nhiên, tháng 12 năm nay lại có 1 con sóng khác, đó là sóng lên sàn của nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn, kể cả doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa lẫn tư nhân. Nhất là loại doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, khi lên sàn là cũng mang theo kỳ vọng nhà nước thoái bớt vốn, cho nên giá sẽ được kỳ vọng đẩy lên ở mức cao. Trường hợp BHN đã lên sàn UPCoM và SAB lên sàn HOSE vào tuần sau sẽ là những ví dụ như thế.
Sau đó, nếu các tên tuổi lớn khác cũng lên sàn HOSE thì sẽ góp phần nâng đỡ chỉ số VN-Index. Chỉ số tăng sẽ mang lại hiệu ứng lan tỏa, dẫn đến tăng cầu, tăng thanh khoản ở những mã khác. Cho nên, điều mà tôi mong đợi là danh sách các tên tuổi lớn sẽ lên sàn HOSE sau SAB, chứ không phải lên UPCoM.
Cổ phiếu KLF đã có mức tăng ngoạn mục chỉ trong một thời gian ngắn. Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội cũng như rủi ro đối với KLF, cũng như nhóm cổ phiếu đầu cơ trong giai đoạn hiện tại?
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán
Ngay ở câu hỏi, có lẽ báo Đầu tư Chứng khoán đã cho rằng KLF là 1 cổ phiếu đầu cơ. Tôi cũng cho rằng KLF là 1 cổ phiếu đầu cơ, trên nền tảng tài chính cơ bản có vấn đề, nên đến thời điểm này, khi mà giá đã tăng trần 10 phiên liên tiếp, thì cơ hội là ít và rủi ro là cao. Tại sao?
Ông Hoàng Thạch Lân
Trước hết, tình hình hoạt động và nhất là cấu trúc tài chính của KLF đến quý III năm nay dẫn tới nhiều vấn đề, chẳng hạn như doanh thu và lợi nhuận suy giảm, tài sản ngắn hạn chủ yếu là phải thu, tài sản dài hạn cũng chủ yếu là phải thu và đầu tư tài chính, tồn kho luôn thấp nhưng phần trả nợ người bán luôn cao hơn gấp nhiều lần (bất hợp lý), tiền mặt ít nhưng dòng tiền thì chạy lòng vòng…
Những vấn đề này đều liên quan đến yếu tố rủi ro và không được giải trình thỏa đáng. Tuy nhiên, về mặt giao dịch, KLF lại luôn chứng tỏ thuộc “đẳng cấp” thanh khoản cao, khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày đều hơn 1 triệu cổ phiếu. Đặc biệt là từ khi bắt đầu tăng trần đến nay, lượng giao dịch đều cao hơn hẳn trước đó.
Như vậy có thể thấy, KLF rất hấp dẫn dân đầu cơ thích mạo hiểm. Tuy nhiên, sóng nào cũng có đỉnh, nhất là khi tình hình thị trường nói chung chưa có tín hiệu tăng trưởng bền vững. Một khi qua đỉnh, cổ phiếu không có nền tảng tài chính vững chắc thì sẽ có khả năng là giá sẽ giảm mạnh. Nhà đầu tư phải hết sức lưu ý, nhất là những phiên có lượng giao dịch tăng bất thường.
Ông Lê Anh Minh, Trưởng bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS)
Với đà bán ròng liên tục của khối ngoại dư kiến tiếp tục đến cuối năm, giá của nhiều cổ phiếu bluechip dự sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nên dòng tiền hoàn toàn có thể chuyển sang dòng cổ phiếu đầu cơ có câu chuyện hấp dẫn mà thị giá đang nhỏ, nên tiềm năng tăng giá có thể vượt trội.
Tuy vậy, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ bản chất của từng “câu chuyện” để tìm ra được mã chứng khoán đầu tư hợp lý, tránh thua lỗ do tin theo những tin tức thiêu căn cứ được một số “đội lái” chủ động tung ra hoặc chọn chuẩn mã chứng khoán nhưng lại vào/ra sai nhịp.