Thị trường giao dịch của công ty đại chúng (UPCoM) hiện có trên 300 mã cổ phiếu được giao dịch. Do điều kiện đưa cổ phiếu lên sàn và quy định về công bố thông tin của các DN này rất đơn giản (là DN đại chúng), nên giao dịch cổ phiếu tại đây dễ phát sinh những yếu tố bất thường. Bên cạnh những mã tốt đắt hàng, UPCoM tồn tại những hàng tạp, hàng kém chất lượng nhưng dễ “sốt ảo”, nhà đầu tư phải thận trọng hơn khi giao dịch.
Tốt cũng “cháy hàng”
Ngày 15/7 vừa qua, 67,9 triệu cổ phiếu VNB của CTCP Sách Việt Nam đã chính thức giao dịch tại UPCoM với giá khởi điểm 13.100 đồng/CP. Đóng cửa, cổ phiếu VNB dư mua giá trần hơn 1,7 triệu đơn vị, trong khi chỉ khớp lệnh vỏn vẹn 200 đơn vị. Cổ phiếu VNB tăng kịch biên độ (40%) lên mức 18.300 đồng/CP. Ngay sau phiên chào sàn với lượng cổ phiếu khan hiếm, giao dịch VNB đã có sự cải thiện đáng kể về giá và thanh khoản, nhà đầu tư cũng dễ dàng mua cổ phiếu này hơn, nhưng mức giá đã ở ngưỡng 23.000 đồng/CP.
Trước đó, tại phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hồi tháng 3 năm nay, cổ phiếu VNB từng gây được sự chú ý không nhỏ. Phiên đấu giá thu hút 243 nhà đầu tư tham gia, với lượng cổ phần đăng ký mua lên tới 30,1 triệu cổ phần, gấp hơn 1,8 lần lượng đấu giá. Kết quả, toàn bộ 16,7 triệu cổ phần đưa ra chào bán đã “hết bay”, giúp VNB thu về hơn 218,7 tỷ đồng, cao hơn 43 tỷ đồng so với dự kiến.
Về phía VNB, với hoạt động kinh doanh truyền thống, trong 2 năm 2014 và 2015, VNB đạt doanh thu thuần mỗi năm hơn 31 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ lần lượt đạt 429 và 400 triệu đồng. Sau khi cổ phần hóa và tăng vốn điều lệ từ 68 tỷ đồng lên 679 tỷ đồng, năm 2016, VNB dự kiến tổng doanh thu đạt 185 tỷ đồng, tăng 487% so với năm 2015, lợi nhuận sau thuế ước đạt 48,2 tỷ đồng và chia cổ tức tỷ lệ 3,55%. Tính đến 10/6/2016, Tập đoàn Vingroup và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nắm giữ hơn 65,3% và 10% vốn điều lệ của VNB. Trong đó, hơn 44 triệu cổ phần của Vingroup bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm tới.
Trước VNB, cổ phiếu VGG của CTCP May Việt Tiến (lên UPCoM từ 10/3/2016) cũng có phiên chào sàn tăng hết biên độ (40%), từ 40.000 đồng/CP lên 56.000 đồng/CP, đồng thời, cổ phiếu VGG dư mua trần 1,27 triệu đơn vị và chỉ có 9.000 cổ phiếu được sang tên. Cơ cấu cổ đông của May Việt Tiến khá cô đặc, với 72% vốn thuộc về 3 cổ đông lớn là Vinatex (47,88%), South Island Gament SDN BHD đến từ Malaysia (14,16%) và Tungshing Sewing Machine đến từ Hồng Kông (9,94%).
Dựa trên hoạt động của DN, việc nhà đầu tư dành sự quan tâm lớn cho cổ phiếu VGG là điều dễ hiểu, khi May Việt Tiến là một trong những công ty may mặc lớn nhất Việt Nam. Với doanh thu 6.411 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng trong năm 2015, kết quả kinh doanh của VGG vượt trội so với nhiều công ty may mặc trên sàn niêm yết. 6 tháng đầu năm nay, VGG đạt doanh thu 3.516 tỷ đồng và lãi sau thuế 168,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 19,2% và 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm chung của VNB và VGG là đều có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư và cơ cấu cổ đông cô đặc, lượng cổ phiếu bán ra quá thấp, cho nên giá cổ phiếu VNB và VGG liên tục tăng kịch trần, đạt lần lượt 62.500 đồng/CP và 25.500 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 1/8/2016).
Tệ cũng… “cháy hàng”
Cũng xảy ra hiện tượng “cháy hàng” trong ngày giao dịch đầu tiên, câu chuyện về cổ phiếu PTK của CTCP Luyện kim Phú Thịnh và KTB của CTCP Khoáng sản Tây Bắc lại có phần trái ngược. Hai cổ phiếu này phải giao dịch trên UPCoM sau khi hủy niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Sau khi cùng lên UPCoM ngày 15/3 với giá tham chiếu chưa đến 1.000 đồng/CP, gần 1 tháng sau đó, cổ phiếu PTK và KTB luôn nằm trong các mã có thanh khoản cao do dư mua lớn gấp nhiều lần lượng bán. 2 cổ phiếu này đã có sự cải thiện về giá, lên các mức giá 3.100 đồng/CP (KTB) và 2.400 đồng/CP (PTK), rồi cùng rớt giá cho đến ngày nhà quản lý ra thông báo buộc tạm ngừng giao dịch. Lý do bị dừng giao dịch xuất phát từ nội tại các DN có vấn đề, nên nhà quản lý phải dừng lại để bảo vệ nhà đầu tư. Tuy nhiên, những nhà đầu tư mua 2 mã này lúc giao dịch sôi động đã phải chấp nhận thua lỗ khi cổ phiếu không có thanh khoản và không có quyền chuyển nhượng trên sàn.
Sau vụ việc cổ phiếu MTM gây chấn động TTCK, lãnh đạo HNX cho biết, hiện HNX đang rà soát hàng hóa trên UPCoM, đồng thời sẽ xây dựng những giải pháp để kiểm soát chặt hơn chất lượng hàng hóa tại sàn này.
Tháng 7, UPCoM có thêm 8 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch mới (BEL, VNB, DT4, NAP, DC1, KSV, TAW, NLS), nâng tổng số cổ phiếu đăng ký giao dịch lên 319 mã. Chỉ số UPCoM-Index với 8 phiên tăng điểm, 13 phiên giảm điểm, tổng cộng giảm 1,68 điểm (-2,89%), dừng tại mức 56,54 khi đóng cửa phiên 29/7. Toàn thị trường có 135,77 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch 2.350 tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 6,46 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch đạt 111,90 tỷ đồng/phiên (giảm 41,85% về lượng và 27,31% về giá trị so với tháng trước).