VJC: Động lực tăng trưởng sẽ đến từ thị trường quốc tế
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Trong bối cảnh thị trường trong nước đang dần bão hòa, mục tiêu của Công ty cổ phần Hàng không VietJet (Vietjet, mã VJC) là duy trì vị thế dẫn đầu và giữ mức tăng trưởng tương ứng với tăng trưởng chung toàn ngành. Nói cách khác, Vietjet có thể sẽ không còn tốc độ tăng trưởng nội địa vượt trội như trong quá khứ; thay vào đó, động lực tăng trưởng chính giờ đây sẽ đến từ thị trường quốc tế.
Theo ban lãnh đạo, Vietjet hiện là hãng hàng không dẫn đầu trên các tuyến Việt Nam – Hàn Quốc với khoảng 16 chuyến bay mỗi ngày. Thị phần của hãng LCC lớn nhất Việt Nam đã vượt qua cả Korean Air (FSC) và Jeju Air (được coi là LCC hàng đầu của Hàn Quốc).
Điều này giống với thị trường Đài Loan trong quá khứ khi Vietjet thâm nhập thành công và trở thành hãng hàng không dẫn đầu tại đường bay Việt Nam - Đài Loan và được thúc đẩy tăng trưởng đáng kể từ thị trường này trong 2 năm tiếp theo. Do đó, chúng tôi tin rằng tăng trưởng của Vietjet có thể được hưởng sự hỗ trợ lớn từ nhu cầu đi lại giữa Việt Nam – Hàn Quốc trong ít nhất 2 năm nữa.
Hơn nữa, theo kế hoạch mở rộng sang Bắc Á của Vietjet, LCC này hiện đang nhắm đến một thị trường khác: Nhật Bản. Sau khi ra mắt 3 đường bay thẳng đến Nhật Bản gồm Hà Nội - Osaka (08/11/2018), TP.HCM - Osaka (14/12/2018) và Hà Nội - Tokyo (11/01/2019), Vietjet thông báo rằng hãng sẽ khai thác khứ hồi hàng ngày hai đường bay mới TP.HCM - Tokyo (từ ngày 12/07) và Đà Nẵng – Tokyo (từ ngày 26/10). Mỗi chuyến bay sẽ kéo dài 6-7 giờ.
Nhật Bản hiện là thị trường du lịch lớn thứ ba tại Việt Nam, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm ngoái, số lượng khách du lịch từ Nhật Bản đến Việt Nam là hơn 820.000 người (tăng 3,6% n/n); từ Việt Nam đến Nhật Bản là 34.000 người (tăng 36,7% n/n).
Theo ban lãnh đạo VJC, các dịch vụ phụ trợ đang đóng góp 26% doanh thu vận tải hàng không của Vietjet với mức lợi nhuận gộp cao (60-80%); tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 30%.
Ngoài ra, Vietjet đã chi 142 tỷ đồng để mua 1,74 triệu cổ phiếu của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) để nâng số cổ phần sở hữu của mình từ 3.94% lên 9.11%. Hoạt động chính của SGN là cung cấp dịch vụ hàng hóa cho các hãng hàng không tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh. Điều này một lần nữa cho thấy mục tiêu của Vietjet là mở rộng chuỗi giá trị hàng không để củng cố vị thế tốt hơn trên thị trường.
Bên cạnh đó, trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 07/2019, Phó chủ tịch Vietjet đã công bố kế hoạch ra mắt sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong 2 năm tới.
Bên cạnh dịch vụ chính là bán vé máy bay, sàn TMĐT này sẽ bán từ hàng tiêu dùng đến dịch vụ tài chính, khách sạn… Động thái này khá giống với kế hoạch của AirAsia đã công bố vài tháng trước. Vietjet sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu hơn 30 triệu hành khách của mình làm khách hàng mục tiêu ban đầu cho nền tảng này, từ đó gia tăng doanh thu dịch vụ phi hàng không.
PVT sẽ tăng trở lại và kiểm tra ngưỡng 18
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (mã PVT) đang tạo xu hướng tăng giá khi tích lũy khá vững chắc tại ngưỡng đáy trung hạn 16.3.
Vị thế tăng đã xác lập khi thanh khoản cổ phiếu đã tăng mạnh và vượt ngưỡng trung bình 20 phiên trong phiên break out hôm nay.
Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang báo hiệu xu hướng tăng giá mạnh. Đường giá PVT cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, thành lập một xu hướng tăng giá khá vững chắc trong trung hạn.
PVT nhiều khả năng sẽ tăng trở lại và kiểm tra ngưỡng kháng cự 18 trong giai đoạn tới.