POW sẽ tăng trở về ngưỡng 14.5-15
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đang hình thành xu hướng hồi phục sau khi hình thành mô hình 2 đáy trong vùng 12-12.5.
Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên trong các phiên hồi phục gần nhất, cho thấy động lực tăng đang hình thành.
Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt lên dải mây ichimoku cho thấy nhịp tăng giá trong trung hạn đã hình thành.
Như vậy, POW nhiều khả năng sẽ tăng trở về ngưỡng kháng cự cũ tại ngưỡng giá 14.5-15 trong các phiên giao dịch tới.
Khuyến nghị khả quan dành cho DRC với giá mục tiêu 26.200 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Trong những năm gần đây, sản lượng tiêu thụ lốp bias của CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC) ghi nhận sụt giảm nhẹ chủ yếu do thị trường nội địa đã trở nên bão hòa trong khi xu hướng tiêu thụ lốp radial đang ngày càng phổ biến. Mức tăng trưởng bình quân năm của lốp radial đạt 29%/năm trong 3 năm trở lại đây, trong khi lốp bias giảm 8%/năm.
Với việc nhà máy Radial giai đoạn 2 đi vào hoạt động từ cuối năm 2018 với công suất gấp đôi so với giai đoạn 1, sản lượng tiêu thụ và doanh thu từ mảng lốp radial sẽ được cải thiện tốt hơn trong tương lai.
Thật vậy, 6 tháng năm 2019, DRC tiêu thụ hơn 246 nghìn lốp radial, tăng 52% n/n, chủ yếu nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ từ tháng 3/2019 với số lượng bình quân khoảng 10 nghìn lốp/tháng. Lốp radial đóng góp ~48% doanh thu của DRC trong nửa đầu năm 2019.
Chúng tôi cho rằng thị trường Mỹ sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản lượng tiêu thụ rốp radial trong những năm tới bên cạnh các thị trường chính gồm Malaysia, Myanmar và Brazil, trong bối cảnh căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, theo đó, Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá đối với lốp Trung Quốc là 35% trong khi với Việt Nam là 15%. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp săm lốp VN nhờ đó cũng được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh đó, cao su thiên nhiên và than là các nguyên liệu đầu vào chủ yếu của các sản phẩm săm lốp. Hiện tại, giá cao su thế giới giảm mạnh do lo ngại dư cung và nhu cầu giảm tại Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ hàng đầu, trong khi giá than cũng chứng kiến giảm tốc mạnh mẽ trong bối cảnh thừa cung – thiếu cầu.
Đối với DRC, tính đến thời điểm hiện tại, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp biến động theo diễn biến giá than thay vì giá cao su do doanh nghiệp chủ yếu thu mua cao su tự nhiên trong nước, vốn không chịu tác động nhiều bởi giá cao su thế giới.
Nhờ giá than đen giảm khá, biên lợi nhuận gộp 6 tháng năm 2019 của DRC tăng nhẹ từ 12% lên 12,4%, trong đó biên lợi nhuận gộp lốp radial được cải thiện đáng kể. Nếu chỉ tính riêng trong quý II, biên lợi nhuận gộp chung của DRC đạt 14,5%, cao hơn mức 9,7% trong quý liền kề và mức 14,3% cùng kỳ năm ngoái, biên lợi nhuận gộp của lốp radial tăng từ 1,2% trong quý I/2019 lên mức 6,8% trong quý II.
Với diễn biến giảm giá mạnh của giá than, chúng tôi điều chỉnh tăng dự phóng lợi nhuận sau thuế 2019 của doanh nghiệp lên 181 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng tăng từ 4% năm 2018 lên mức 4,2% trong năm 2019.
Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu DRC với giá mục tiêu 26.200 đồng/cp