Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/8

Chốt lãi khi cổ phiếu MBS tiếp cận ngưỡng giá 36.0

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu MBS của Công ty cổ phần Chứng khoán MB đang nằm trong xu hướng hồi phục từ vùng đáy 28.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều cho thấy tín hiệu hồi phục. Đường giá cổ phiếu đã nằm trong dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn sắp hình thành.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 30.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 36.0 Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 28.5.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngày 02/08/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) thông báo đã bán thành công 81,56 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 100% cổ phiếu quỹ đăng ký bán) trong thời gian từ 01/07/2021 đến ngày 27/07/2021. Giá bán bình quân: 29.899 đồng/cổ phiếu

Phương thức thực hiện giao dịch khớp lệnh và giao dịch thỏa thuận, trong đó khối lượng bán qua phương thức thỏa thuận là 20.087 cổ phiếu, còn lại là giao dịch khớp lệnh.

Điều này tương ứng với việc STB có thể nhận được khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng từ giao dịch này. Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua đối với STB với giá mục tiêu là 32.400 đồng/ cổ phiếu.

Khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo năm 2021 dành cho GMD

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Gemadept (GMD) đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2021, trong đó doanh thu tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 752 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 38%, đạt 142 tỷ đồng.

Tăng trưởng doanh thu quý II/2021 của GMD chủ yếu đến từ mảng vận hành cảng, tăng 29% so với mức cơ sở tương đối thấp trong quý II/2020. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của GMD tiếp tục được thúc đẩy bởi thu nhập ròng từ các công ty liên kết, được bù đắp một phần bởi mức tăng các khoản lỗ khác.

Chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh tích cực từ mảng vận hành cảng của GMD chủ yếu nhờ vào các cảng tại Hải Phòng, trong khi đóng góp chính vào thu nhập ròng các công ty liên kết của GMD đến từ CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS) – ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 2/2021 từ mức cơ sở thấp trong quý 2/2020. Ngoài ra, cảng biển nước sâu Gemalink ghi nhận mức lỗ không đáng kể trong quý do gia tăng hiệu quả hoạt động.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của GMD tăng 19% đạt 1,4 nghìn tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 33% lên 289 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu mảng vận hành cảng và được hỗ trợ bởi chi phí tài chính ròng thấp hơn và tăng thu nhập ròng từ các công ty liên kết.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 6 tháng đầu năm 2021 của GMD lần lượt hoàn thành 50% và 59% dự báo cả năm 2021 của chúng tôi. Ngoài ra, kết quả kinh doanh của Gemalink đã được cải thiện đáng kể nhờ vào lượng tàu cập bến tích cực, cao hơn dự báo hiện tại của chúng tôi. Do đó, chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo cả năm 2021 của chúng tôi cho GMD, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo dành cho PLX

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 khả quan với doanh thu đạt 85 nghìn tỷ đồng (tăng 30,1% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 2 nghìn tỷ đồng so với khoản lỗ ròng 866 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2020, do giá xăng dầu tăng và nhu cầu xăng dầu phục hồi. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 6 tháng đầu năm 2021 đạt 66,0% dự báo cả năm của chúng tôi.

Trong quý II/2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của PLX lần lượt tăng 74,4% và 36,8%, chúng tôi cho rằng chủ yếu nhờ diễn biến giá xăng dầu thuận lợi trong quý II/2021. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số quý II/2021 đạt mức cao kỷ lục tính theo quý trong 5 năm qua.

Theo PLX, tổng sản lượng bán trong nước tăng 1,5% trong 6 tháng đầu năm 2021, tương ứng doanh số trong nước không thay đổi trong quý II/2021 so với mức tăng trưởng 4,7% trong quý trước. Đáng chú ý, sản lượng bán tại các trạm sở hữu (COCO) tăng hơn 4,0% trong quý II/2021.

Chi phí bán hàng tăng 19,5% trong 6 tháng đầu năm 2021, hoàn thành 55,9% dự báo năm 2021 của chúng tôi. Chúng tôi lưu ý rằng PLX đã ghi nhận khoản chi phí trị giá 250 tỷ cho khoản quyên góp liên quan đến dịch COVID-19 vào quý II/2021.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện tại có thể ảnh hưởng đến sản lượng bán của PLX trong quý III, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 vẫn vượt kỳ vọng của chúng tôi; do đó, chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo hiện tại của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Khả năng điều chỉnh giảm đối với dự báo năm 2021 dành cho VJC

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Hàng không Vietjet (VJC) báo cáo doanh thu quý II/2021 giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái còn 3,5 nghìn tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giảm 99,5% còn 5,8 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của VJC đạt 7,6 nghìn tỷ đồng (giảm 31% so với cùng kỳ), đạt 25% dự báo năm 2021 của chúng tôi. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 130 tỷ đồng (tăng 182%) so với dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 của chúng tôi là 73 tỷ đồng.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ VJC (chủ yếu đến từ mảng vận tải của hãng hàng không này) đạt -1,7 nghìn tỷ đồng. Khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh này cao hơn 35% so với mức lỗ trong quý 1/2021. Tuy nhiên, khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh của VJC trong quý 2/2021 thấp hơn mức lỗ 2,2 nghìn tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2020.

Không bao gồm khoản thu nhập tài chính trị giá 3,2 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận của VJC đạt -3 nghìn tỷ đồng so với con số -1 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020. Trong nửa đầu năm 2020, VJC vẫn hoạt động bình thường trong 2 tháng đầu năm trước khi dịch COVID-19 khởi phát.

Kết quả kinh doanh mảng vận tải của VJC thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi trong khi dịch COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam trong thời gian gần đây nằm ngoài dự kiến hiện tại của chúng tôi và đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng không trong nước của Việt Nam. Do đó, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm dự báo năm 2021 của chúng tôi cho mảng kinh doanh cốt lõi của VJC, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục