Hoang mang với nhịp điều chỉnh
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 7/2021 thường xuyên biến động mạnh, với sắc đỏ là chủ yếu, khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang, trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19. Dù là nhà đầu tư lâu năm hay nhà đầu tư mới cũng đều khó có thể tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực mà thị trường mang lại.
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, số người nhiễm bệnh gia tăng và có thêm một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội có thể khiến nhà đầu tư chán nản, thậm chí lo ngại rủi ro nên quyết định sẽ rút tiền ra khỏi thị trường, mà không nhận ra cơ hội lớn mà thị trường này đang dần tạo ra.
Lịch sử thị trường chứng khoán trong và ngoài nước cho thấy, thông tin có thể khác, tình hình kinh tế có thể khác, nhưng thị trường chứng khoán luôn có các chu kỳ tăng giá và giảm giá, những biến động do tâm lý con người tạo ra. Việc để thông tin và cảm xúc làm chủ quyết định đầu tư thường làm giảm lợi suất đầu tư, hoặc gây ra các khoản thua lỗ.
Theo quan điểm của người viết, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có một nhịp điều chỉnh bình thường trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index chưa đánh mất xu hướng tăng dài hạn.
Trước tình hình dịch Covid-19, đặc biệt tại TP.HCM, vẫn đang có diễn biến phức tạp, không ít nhà đầu tư tỏ ra hoang mang, nhận định trên các diễn đàn mạng rằng, đợt dịch này khác các đợt trước, có thể bùng phát mạnh hơn trong thời gian tới, thậm chí việc phòng chống dịch đứng trước nguy cơ “vỡ trận”; nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh, lợi nhuận sẽ giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế…
Đúng là tình hình dịch bệnh đợt này khác các đợt trước, nhưng những lo lắng, hoang mang, giao dịch theo cảm xúc… vẫn giống nhau.
Nhớ lại đợt dịch bùng phát lần đầu tiên vào tháng 3/2020, Việt Nam áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4/2020, cũng là những tâm lý tiêu cực đó, sự hoang mang đó, nhiều nhà đầu tư đánh giá tình hình dịch bệnh sẽ khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, nhu cầu sụt giảm, thị trường chứng khoán sẽ lao dốc.
Nhưng kết quả là gì? VN-Index sau khi giảm điểm đã nhanh chóng hồi phục, không chỉ lấy lại điểm số đã mất, mà liên tiếp lập đỉnh mới.
Nhà đầu tư huyền thoại Jesse Livermore (Mỹ) từng nói: “Không có gì mới trên phố Wall hoặc trong hoạt động đầu cơ cổ phiếu. Điều gì đã diễn ra trong quá khứ sẽ tiếp tục lặp lại một lần nữa và lần nữa. Điều này là vì bản chất con người không thay đổi”.
Câu nói này của ông có hàm ý rằng, thị trường chứng khoán không có gì mới, vẫn sẽ tăng/giảm theo chu kỳ, theo cung - cầu, bởi vì thị trường được tạo thành từ các nhà đầu tư và bản chất của nhà đầu tư không thay đổi.
Dĩ nhiên, hoàn cảnh năm nay khác năm trước, nhưng cách mọi người phản ứng với những thay đổi trên thị trường chứng khoán không thay đổi.
Thị trường chứng khoán đang có một nhịp điều chỉnh bình thường trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index chưa đánh mất xu hướng tăng dài hạn.
Ở thời điểm này, các nhà đầu tư trở thành các chuyên gia dự đoán đỉnh dịch, chuyên gia phân tích vĩ mô, chuyên gia phân tích tình hình hậu Covid-19…, nhưng ít người là chuyên gia của chính mình, cho tài khoản đầu tư của mình, mà giao dịch dựa trên cảm xúc, không có kế hoạch, nên quyết định giao dịch thường không mang lại hiệu quả.
Thay vào đó, chúng ta hãy lên kế hoạch và những hành động cụ thể. Hành động như thế nào khi thị trường tiếp tục điều chỉnh? Các tiêu chí để xác định VN-Index tạo đáy là gì? Tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu như thế nào là an toàn để chờ ngày thị trường tạo đáy?...
Chờ “ngày bùng nổ theo đà”
“Ngày bùng nổ theo đà” (Follow Through Day - FTD) là một dấu hiệu, một công cụ hiệu quả để xác định thị trường đã tạo đáy. Việc này được minh chứng qua nhiều đợt điều chỉnh trước đây. Ngày bùng nổ theo đà không phải là một công cụ dự đoán, mà dựa trên các tiêu chí và số liệu thị trường.
Trong hơn 1 năm qua, thị trường đã 3 lần xuất hiện ngày bùng nổ theo đà vào ngày 6/4/2020, 3/8/2020 và 3/2/2021 - đây cũng là các đợt tạo đáy của 3 lần bùng phát dịch Covid-19 trước đó.
Các tiêu chí để xác định ngày bùng nổ theo đà bao gồm:
- Đáy mới: khi thị trường chung đang trong xu hướng giảm, chỉ số chính (VN-Index, VN30, VN100) thiết lập đáy mới.
- Đợt nỗ lực phục hồi: sau ngày thiết lập đáy mới, chỉ số thị trường có mức đóng cửa cao hơn - dấu hiệu cho thấy chỉ số thị trường có thể đã chặn được đà giảm, tạo đáy xong và bắt đầu tăng trở lại.
Theo đó, ngày bùng nổ theo đà thường xuất hiện sau ngày thứ ba của đợt phục hồi, phổ biến nhất là xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày thứ tư đến ngày thứ bảy, nhưng đôi khi có thể xuất hiện muộn hơn.
Lưu ý, chỉ số phải có một ngày tăng giá mạnh, từ 1,2 - 2%, với khối lượng giao dịch cao hơn.
Trong giai đoạn hiện tại, chúng ta nên phòng thủ và chờ đợi ngày bùng nổ theo đà xuất hiện để xác nhận thị trường quay trở lại xu hướng tăng. Diễn biến thị trường các phiên gần đây cho thấy, giữa những lúc căng thẳng, những thông tin còn chưa rõ ràng, thì thị trường đã có một số phiên tăng điểm trong sự nghi ngờ của số đông nhà đầu tư.
VN-Index đang rất gần với ngày bùng nổ theo đà, nhưng chúng ta cần đợi các tiêu chí đầy đủ và chính xác nhất, lúc đó sẽ là ngày “tổng tiến công” trở lại. Trong lúc chờ đợi, nhà đầu tư cần hành động gì để phòng thủ tốt và phản công mạnh mẽ nhất?
Người viết cho rằng, nhà đầu tư nên xem xét lại tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt trong tài khoản. Chúng ta cần giữ tỷ lệ tiền mặt cao hơn cổ phiếu, ưu tiên tỷ lệ 5:5 (có thể là 7:3), hạn chế sử dụng đòn bẩy (giao dịch ký quỹ - margin), vì margin là yếu tố tác động rất mạnh lên kế hoạch đầu tư.
Đối với những nhà đầu tư đang giữ 100% tiền mặt, đứng ngoài thị trường có thể không phải là cách hay, vì sẽ bỏ lỡ các cơ hội tốt. So với thời điểm cách đây 1 tháng, mặt bằng giá đa số cổ phiếu đã được chiết khấu ở mức hấp dẫn do biến động của thị trường chung. Nhà đầu tư có thể xem xét tỷ lệ giải ngân vào cổ phiếu như trên (30 - 50%).
Khi đã xem xét lại tài khoản, chúng ta cần dành thời gian để theo dõi thị trường, quan sát và học hỏi, trau dồi kiến thức, phân tích hành vi của bản thân và người khác để rút kinh nghiệm cho những đợt thị trường điều chỉnh sau này. Khi ngày bùng nổ theo đà xuất hiện - tín hiệu xác định thị trường tạo đáy thành công, chúng ta sẽ giải ngân mạnh trở lại.
Theo nghiên cứu của nhật báo Investor’s Business Daily về tất cả các chu kỳ thị trường chứng khoán Mỹ tăng giá từ năm 1880 đến nay, không có xu hướng tăng bền vững nào mà không bắt đầu bằng “ngày bùng nổ theo đà”.