Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/6 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/6

Khuyến nghị mua cổ phiếu POW với giá mục tiêu 13.800 đồng/CP

CTCK Dầu khí (PSI)

Kết quả kinh doanh quý I/2021 của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (POW - sàn HOSE) tăng nhẹ, lợi nhuận sau thuế đạt 566 tỷ đồng tăng 12,1% so với cùng kỳ chủ yếu do chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá giảm mạnh đã bù đắp mức giảm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi từ mảng phát điện.

POW đã thoái toàn bộ cổ phần tại PVM ngày 19/3/2021 và ghi nhận khoản lãi chuyển nhượng vốn là 357,5 tỷ đồng trong BCTC công ty mẹ. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục hợp nhất PVM trong BCTC hợp nhất.

Trong quý I/2021, POW ghi nhận doanh thu đạt 7.661 tỷ đồng (giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 98,4% kế hoạch quý. Nguyên nhân chủ yếu đến từ (1) sản lượng các nhà máy điện khí Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 được huy động của A0 thấp và phụ tải giảm do ảnh hưởng đại dịch Covid-19; và (2) Giá điện CGM của các nhà máy điện khí kém hấp dẫn do giá nhiên liệu khí đầu vào tăng chủ yếu từ nguồn khí bổ sung mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt có giá cao hơn.

Chúng tôi điều chỉnh dự phóng kết quả kinh doanh năm 2021 của POW với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 29.877 tỷ đồng (tăng 0,5% so với năm ngoái) và 2.700 tỷ đồng (tăng trưởng 1,4%), tương ứng P/E forward là 13,7 với giả định (1) Sản lượng Qc huy động của các nhà máy điện khí giảm 40% so với năm 2020; và (2) Giá bán điện của NT2 giảm 35đ/kWh theo hợp đồng PPA.

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu POW với giá mục tiêu 12 tháng là 13.800 đồng/CP sau khi cổ phiếu đã điều chỉnh gần 20% trong 2 tháng qua về vùng hấp dẫn 11.900 đồng/CP.

Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối tiềm năng của POW trong dài hạn với kế hoạch khởi công Dự án Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3,4 trong quý 4/2021 và xúc tiến đầu tư 02 dự án LNG điện khí ở Quảng Ninh và Dự án kho LNG ở Nam Du, củng cố vị thế số 1 của POW trong lĩnh vực điện khí/LNG​.

>> Tải báo cáo

Chốt lãi khi cổ phiếu KSB tiếp cận ngưỡng 32.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu KSB của Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương đang hình thành nhịp hồi phục sau khi tích lũy trung ngắn hạn trong vùng giá 26-280. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên trong phiên giao dịch gần nhất, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD cho thấy dấu hiệu tích cực về vận động giá trong khi chỉ báo RSI đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đang hướng về dải mây ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn sắp hình thành.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 28.9 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 32.5. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 27.0.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VIC CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho Tập đoàn Vingroup (VIC) khi chúng tôi tiếp tục đánh giá cao sự hiện diện mạnh mẽ của Vingroup đối với tầng lớp có thu nhập trung bình cao – đặc biệt thông qua công ty con bất động sản Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE) và Vinpearl.

Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 6% lên 133.000 đồng/CP chủ yếu do chúng tôi tăng định giá cho mảng bán BĐS, đến từ tỷ lệ WACC thấp hơn và việc cập nhật giá mục tiêu đến giữa năm 2022, và thay đổi trong phương thức định giá cho mảng công nghiệp.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh năm 2021 chủ yếu do tăng khoản lỗ dự phóng cho mảng khách sạn nghỉ dưỡng, trong khi chúng tôi tăng dự báo thu nhập tài chính khi giả định VIC sẽ thoát toàn bộ sợ hữu còn lại tại TCX trong năm 2021.

Do đó, chúng tôi dự báo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh năm 2021 của VIC đạt 8,6 nghìn tỷ đồng (so với 3,3 nghìn tỷ đồng lỗ từ hoạt động kinh doanh trong năm 2020) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 4,5 nghìn tỷ đồng (giảm 17% so với năm ngoái - thấp hơn 32% so với dự báo trước đây của chúng tôi).

Chúng tôi duy trì kỳ vọng đối với lợi nhuận vững chắc và dòng tiền từ mảng bán bất động sản và mảng cho thuê trong giai đoạn 2021-2023 sẽ bù đắp cho các khoản lỗ từ mảng công nghiệp và mảng khách sạn nghỉ dưỡng.

Rủi ro: doanh số ô tô thấp hơn dự kiến; chu kỳ giảm của thị trường bán bất động sản; các hạn chế kéo dài đối với hoạt động bán lẻ/nghỉ dưỡng do dịch COVID-19 tái bùng phát.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục