Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/6

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/6 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/6

Khuyến nghị mua dành cho HSG với giá mục tiêu 12.400 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh 7 tháng niên độ tài chính 2019/20 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) lần lượt đạt 14.597 tỷ đồng doanh thu và 472 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng hoàn thành 52% và 118% kế hoạch năm.

(2) Sản lượng tiêu thụ giảm: Tiêu thụ tôn mạ 7 tháng niên độ tài chính 2019/20 đạt 637,3 nghìn tấn (giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái), giảm chủ yếu do hoạt động xuất khẩu (50% sản lượng) giảm 16,7% trong khi tiêu thụ tại thị trường nội địa tăng 6%. Sản lượng ống thép tiêu thụ đạt 191 nghìn tấn (giảm 11,2%) theo tình hình chung của ngành, đặc biệt ảnh hưởng trong những tháng đầu năm 2020 do dịch bệnh.

(3) Hoạt động tái cơ cấu nợ vay hiệu quả giúp giảm 20% chi phí lãi vay trong nửa đầu niên độ 2019/20. Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí bán hàng/ doanh thu tăng mạnh do tăng chi phí nhân viên bán hàng phù hợp với chính sách lương khoán theo doanh số và lợi nhuận của HSG. 

Chúng tôi dự báo sản lượng tiêu thụ của HSG năm 2020 là 1,32 triệu tấn (giảm 5,3% so với năm ngoái) với kỳ vọng sản lượng tiêu thụ trong những tháng cuối niên độ sẽ hồi phục khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát giúp hoạt động xây dựng quay trở lại, đặc biệt là nhóm dân dụng. 

Doanh thu thuần dự báo đạt 23.627 tỷ đồng (giảm 15,7% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 710 tỷ (tăng 96,6%), tương đương với EPS = 1.548 đồng/CP, P/E fw = 6.5 lần.

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu HSG với giá mục tiêu 12.400 đồng/CP cho niên độ tài chính 2019/20 dựa trên phương pháp định giá so sánh P/E (P/E mục tiêu là 8 lần). Tại giá mục tiêu này của BSC, HSG đang được giao dịch dưới giá trị sổ sách (P/B fw = 0.94 lần).

Có thể cân nhắc chốt lãi KDH tại vùng kháng cự 25-26

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu KDH của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền đã hình thành xu hướng tăng giá sau khi vận động tích lũy ngắn hạn tại ngưỡng giá 22.

Thanh khoản cổ phiếu tăng mạnh vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư đã mở vị thế KDH tại vùng giá 21-22 có thể cân nhắc chốt lãi tại vùng kháng cự 25-26 trong các phiên giao dịch tới. Cắt lỗ nếu ổ phiếu mất nưỡng hỗ trợ 21.

Khả năng mở lại các đường bay quốc tế trước quý III/2020 là không khả quan

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Theo quan điểm của KBSV, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không trong quý II/2020 sẽ kém hơn rất nhiều so với quý I, dựa trên tổng lượt hành khách trong tháng 4 và tháng 5 lần lượt chỉ bằng 10% và 30% so với tháng 3 vốn là tháng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19 trong quý I/2020.

Tháng 6 nhiều khả năng sẽ khả quan hơn so với tháng 5 do là cao điểm du lịch trong nước tuy nhiên sẽ không có quá nhiều đột biến do các chuyến bay quốc tế chưa được mở lại.

Bên cạnh đó, KBSV nhận định, với việc chưa có Vacxin Covid-19 và đường lối thận trọng của chính phủ Việt Nam, khả năng mở lại các đường bay quốc tế trước quý III/2020 là không khả quan.

>> Tải báo cáo

Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận của CII tích cực

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ thường niên của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) diễn ra ngày 02/06/2020. ĐHCĐ lần này tiếp nối ĐHCĐ được tổ chức ngắn gọn vào ngày 27/03/2020, đã thông qua 2 đề xuất chính.

Đó là: (1) niêm yết thêm 125.000 cổ phiếu mới trên sàn HOSE sau khi chuyển đổi trái phiếu trong năm 2019 và (2) kế hoạch phát hành cổ phiếu mới liên quan đến phát hành trái phiếu thông thường 2 nghìn tỷ đồng. Các thông tin chi tiết xem thêm trong Báo cáo - ĐHCĐ với thời gian bị rút ngắn, phê duyệt kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu mới.

Cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng thu nhập (bao gồm doanh thu, thu nhập tài chính và lãi khác) đạt 5,8 nghìn tỷ đồng (tăng 68% so với thực hiện năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trước chi phí phân bổ lợi thế thương mại đạt 808 tỷ đồng (tăng trưởng 86%). Con số này tương ứng với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 593 tỷ đồng khi chúng tôi ước tính chi phí phân bổ lợi thế thương mại đạt 215 tỷ đồng trong năm 2020.

Công ty đã thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 cao hơn 12% so với dự báo của chúng tôi và chúng tôi cho rằng sự chênh lệch này đến từ giả định thận trọng hơn của chúng tôi cho thời gian bàn giao các dự án BĐS của CII. Chúng tôi do đó cho rằng không có thay đổi đáng kể đến dự phóng cả năm 2020 của chúng tôi.

Theo tài liệu ĐHCĐ của CII, trong kịch bản tích cực, tổng thu nhập 2020 có thể đạt 6,6 nghìn tỷ đồng (tăng 91% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trước chi phí phân bổ lợi thế thương mại có thể đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (tăng 270%).

Cổ đông đã thông qua kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 12% mệnh giá, tương ứng 1.200 đồng/CP (tương ứng với lợi suất cổ tức 6,2%), thấp hơn dự báo của chúng tôi là 1.600 đồng/CP.

Ngoài ra, ĐHCĐ cũng thông qua cổ tức 2020 là 16% mệnh giá. Ban lãnh đạo chia sẻ rằng CII sẽ thanh toán toàn bộ mức cổ tức đề xuất 16% mệnh giá cho năm 2020 bằng tiền mặt, tương ứng với 8,4% lợi suất cổ tức, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Thành viên HĐQT mới, bà Nguyễn Lê Hoàng Yến, được bầu để thay thế ông Kang Sang In. Cả 2 đều đến từ quỹ Rhinos Asset Management – trái chủ của trái phiếu chuyển đổi của CII.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục