Doanh nghiệp xây dựng thích ứng nhanh với giai đoạn hậu Covid-19

(ĐTCK) Đa dạng hóa các mảng kinh doanh trên cơ sở phát huy mảng kinh doanh cốt lõi của mình là bước đi của nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng.
Doanh nghiệp xây dựng thích ứng nhanh với giai đoạn hậu Covid-19

Giống như các doanh nghiệp khác trong ngành xây dựng như Coteccons (mã CTD), Delta hay Ricons, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) đối diện với nhiều khó khăn khi các yếu tố khách quan như đại dịch, tiến độ xây dựng, môi trường pháp lý hay yếu tố lạm phát đang ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Vượt qua bão Covid-19, Hoà Bình đã ghi nhận lãi quý I/2020 với con số vào khoảng 5 tỷ đồng. Đây là kết quả của sự nỗ lực, đồng lòng từ ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên HBC trong thời điểm vô cùng khó khăn vừa qua. 

Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hoà Bình, năm 2020 Tập đoàn cải cách và đổi mới trên diện rộng, các phương án ứng phó với khó khăn đang được triển khai mạnh mẽ.

Theo đó, Hoà Bình sẽ tập trung cải thiện hoạt động kinh doanh, tinh gọn bộ máy cán bộ nhân sự, cải thiện tiến độ thi công các công trình giai đoạn hậu Covid-19.

Không nằm ngoài xu hướng vận động và đổi mới theo nhịp đập thị trường, Công ty cổ phần FECON (mã FCN) đã có những chuẩn bị vững chắc để triển khai chiến lược mới 2020 – 2025 với mục tiêu trở thành nhà thầu xây dựng công nghiệp và hạ tầng hàng đầu Việt Nam và nhà đầu tư dự án uy tín theo chuẩn quốc tế dựa trên năng lực xuất sắc về nền, móng và công trình ngầm.

Một trong các bước đi của FECON là tập trung mạnh vào lĩnh vực xây dựng công nghiệp và đầu tư dự án năng lượng tái tạo với nhiều dự án điện gió, điện mặt trời tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.

Cho đến thời điểm này, bên cạnh việc tham gia các dự án lớn như Hóa Dầu Long Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhiệt điện Vân Phong 1, Tổ hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất, FECON đã thi công hoàn thành 4 dự án điện mặt trời, trúng thầu 4 dự án điện gió và đang chuẩn bị tham gia đầu tư một dự án điện gió công suất 120 MW tại tỉnh Sóc Trăng.

Đồng thời công ty tiếp tục nghiên cứu đầu tư 2 dự án điện mặt trời và 2 dự án điện gió với tổng công suất 5 dự án sau khi hoàn thành khoảng 700MW.

FECON cũng đang có những bước đi quan trọng cùng với các nhà đầu tư và các tổng thầu nước ngoài chuẩn bị tham gia đầu tư và thi công các dự án điện than và điện khí hóa lỏng LNG tại Việt Nam sẽ khởi công vào cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021.

Doanh nghiệp xây dựng thích ứng nhanh với giai đoạn hậu Covid-19 ảnh 1

Cơ cấu tiêu thụ năng lượng theo các quốc gia phát triển và đang phát triển (tỷ lệ %). Nguồn IEA, PSI tổng hợp

Theo đánh giá của Trung tâm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam trong các năm tới sẽ liên tục tăng mạnh để đáp ứng tiêu thụ sinh hoạt và sản xuất. 

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện sẽ cần phải gia tăng thêm khoảng 83.000 MW nguồn điện mới được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030.

Trên thế giới hiện nay, xu hướng dịch chuyển sang các nguồn năng lượng sạch để bảo vệ môi trường, đáp ứng phát triển kinh tế bền vững đang ngày càng gia tăng và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế trên.

Thêm vào đó, Việt Nam lại có vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa nên có thể phát triển đa dạng các nguồn năng lượng sạch từ khí hóa lỏng, điện gió, điện mặt trời… 

“Với những đà chuẩn bị và chiến lược điều chỉnh kinh doanh kịp thời, phát huy tối đa giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mở rộng lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn đáp ứng chuẩn xu hướng thị trường, cổ phiếu của Công ty cổ phần FECON (mã FCN) là một trong những cổ phiếu có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trung và dài hạn”, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Trung tâm Phân tích PSI nhận định.

Minh Hải

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 0.0 0.0% 258,687 tỷ
HNX 243.92 0.0 0.0% 0 tỷ
UPCOM 91.48 0.0 0.0% 0 tỷ