Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/3

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/3 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/3

Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu ITD

CTCK BIDV (BSC)

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm tài chính 2020/21 của Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) lần lượt đạt 407 tỷ đồng (tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái) và 33 tỷ đồng (tăng trưởng 136%) nhờ (i) tăng trưởng mạnh mẽ tại các mảng kinh doanh: Điện – Tự động và Đo lường (tăng trưởng 187% doanh thu, tăng trưởng 125% lợi nhuận gộp); Giao thông thông minh (lần lượt tăng 174% doanh thu và 187% lợi nhuận gộp) (ii) cắt giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (giảm 7.6 ppt)

BSC cho rằng mảng Điện – Tự động và Đo lường và Giao thông thông minh sẽ là nguồn tăng trưởng chính trong năm tài chính 2020/21 và 2021/22 nhờ kỳ vọng Chính phủ đẩy mạnh giải ngân Đầu tư công. Trong quá khứ, kết quả kinh doanh của ITD được hưởng lợi nhiều trong chu kỳ Đầu tư công 2015 - 2016 .

BSC kỳ vọng ITD sẽ ghi nhận các công việc lắp đặt Giao thông thông minh trong Dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 (BOO2) trong các quý tới. Tính đến 27/12/2020, liên doanh Viettel đã hoàn tất việc triển khai, lắp đặt tại 33 trạm của BOO2.

ITD là một trong số các doanh nghiệp hàng đầu trong thị trường ngách Giao thông thông minh và có kết quả kinh doanh khả quan trong chu kỳ Đầu tư công 2015 – 2016. BSC kỳ vọng công ty sẽ được hưởng lợi từ chu kỳ Đầu tư công 2020 – 2021.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/03/2021, cổ phiếu ITD đóng cửa ở mức 11.900 đồng/CP; tương đương với mức P/E là 7.5, bằng vùng định giá trong 3 năm gần nhất, thấp hơn 52% so với mức PE của ngành là 18.3, khuyến nghị theo dõi.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu LAS tiếp cận ngưỡng giá 12.0

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu LAS của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đang hình thành xu hướng tăng sau khi tích lũy dài hạn tại ngưỡng giá 8.5. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với xu hướng tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên dải mây Ichimoku báo hiệu xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 10.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 12.0. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 8.5.

Khuyến nghị khả quan cho DGC với giá mục tiêu 73.050 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong năm 2021, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) đặt mục tiêu doanh thu đạt 7,6 nghìn tỷ đồng (+21% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 1,1 nghìn tỷ đồng (+16% YoY) so với mức tăng trưởng tương ứng là 23% và 42% theo dự báo của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng mục tiêu lợi nhuận sau thuế của DGC là thận trọng do các dự án tiết kiệm chi phí lớn của DGC sẽ đi vào hoạt động vào năm 2021, như khai thác quặng apatit nội bộ (Khai trường 25) cũng như hệ thống thu hồi chất thải photpho mới.

DGC đề xuất chia cổ tức tiền mặt cho năm 2020 ở mức 1.500 đồng/cổ phiếu (lợi suất 2,3% dựa theo giá đóng cửa ngày hôm nay) - đã được trả vào cuối năm 2020 - và cổ tức cổ phiếu ở mức 15% (100 cổ phiếu hiện hữu được 15 cổ phiếu mới).

Đề xuất cổ tức tiền mặt năm 2020 của DGC thấp hơn dự báo của chúng tôi là 2.400 đồng/cổ phiếu. Đối với năm tài chính 2021, DGC đặt kế hoạch cổ tức tiền mặt và cổ tức cổ phiếu đạt 30% mệnh giá, trong đó cơ cấu cụ thể sẽ được công bố sau.

DGC đặt mục tiêu tổng vốn XDCB là 1,2 nghìn tỷ đồng (+285% YoY) cho năm 2021, chủ yếu sẽ được chi cho dự án hóa chất xút-clo sắp tới, dự án bất động sản nhà ở, khai trường 25 và dây chuyền sản xuất axit photphoric nhiệt cấp điện tử.

Số tiền trên thấp hơn dự báo của chúng tôi là 2 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do sự khác biệt về thời gian giải ngân vốn đầu tư của dự án xút-clo - chúng tôi giả định một phần lớn hơn trong tổng vốn XDCB của dự án sẽ được chi vào năm 2021 thay vì năm 2022, trong khi DGC đặt kế hoạch phần lớn vốn XDCB sẽ được giải ngân vào năm 2022.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho DGC với giá mục tiêu 73.050 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 17,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,0%.

Khuyến nghị phù hợp thị trường cho HDB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 26% nhưng duy trì khuyến nghị phù hợp thị trườngkhi giá cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDB) đã tăng 21% trong 3 tháng qua. Chúng tôi nâng giá mục tiêu khi nâng (1) dự báo thu nhập ròng 2021-2025 thêm 18% so với dự báo trước đây, (2) P/B mục tiêu của chúng tôi lên 1.5 lần so với 1,32 lần so với trước đây và (3) giả định tỷ lệ tăng trưởng trung hạn lên 4,0% so với 2,5% trước đây.

Chúng tôi nâng dự phóng thu nhập ròng 2021 thêm 15% so với dự báo trước đây đạt 5,7 nghìn tỷ đồng (+23,1% YoY) khi (1) lợi nhuận trước dự phòng tăng 13% giúp bù đắp cho (2) mức tăng 7% trong dự báo giả định chi phí dự phòng.

Với cơ sở huy động mạnh mẽ sau khi tăng mạnh 39%/37% YoY huy động khách hàng/giấy tờ có giá, chúng tôi dự phóng tăng trưởng cho vay 2021 mạnh mẽ đạt 23% YoY và tăng trưởng thu nhập từ lãi ròng (NII) đạt 24% YoY.

Trong bối cảnh ROE 2021 đạt 19% so với trung vị ngành, chúng tôi cho rằng định giá HDB vẫn có dư địa tăng khi hiện đang giao dịch với P/B 2021 đạt 1,4 lần so với trung vị ngành là 1,5 lần khi ngân hàng có đủ vốn quy định và chi phí vốn cần thiết để tận dụng các cơ hội tăng trưởng. Mức giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng với P/B 2021 đạt 1,53 lần.

Yếu tố hỗ trợ: Tăng trưởng cho vay cao hơn tại HDB; các khoản vay tái cơ cấu có diễn biến tốt hơn dự kiến.

Rủi ro: Gặp khó khăn trong kiểm soát chi phí huy động; rủi ro thực hiện khi triển khai mảng thẻ tín dụng mới tại HDB; dịch COVID-19 kéo dài dẫn đến nợ xấu cao hơn.

Khuyến nghị phù hợp thị trường cho QNS

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị cho CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) từ khả quan còn phù hợp thị trường do giá cổ phiếu đã tăng 24% trong ba tháng qua. Theo quan điểm của chúng tôi, P/E dự phóng năm 2021 hiện tại của QNS ở mức 9,8 lần là hợp lý do rủi ro khả năng nguồn vốn được phân bổ kém hiệu quả và lợi nhuận biến động do mảng đường.

Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 6% khi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021- 2023 thêm 18% chủ yếu nhờ dự báo biên lợi nhuận gộp mảng đường cao hơn trong bối cảnh nguồn cung hạn chế hơn và các rào cản thương mại mới của Việt Nam đối với đường nhập khẩu đã khiến giá đường trong nước tăng trong những tháng gần đây.

Chúng tôi dự báo EPS năm 2021 sẽ tăng 27% nhờ biên lợi nhuận gộp mảng đường tăng 16,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, chúng tôi dự báo lợi nhuận từ mảng sữa đậu nành sẽ đi ngang trong năm 2021 khi nhu cầu sữa đậu nành phục hồi, giá bán trung bình (ASP) và thu nhập từ lãi tăng sẽ bù đắp cho chi phí nguyên liệu thô (đường và đậu nành) cao hơn, theo quan điểm của chúng tôi.

Do nguồn cung đường của Thái Lan có khả năng phục hồi vào năm 2022 và nguy cơ liên quan đến việc gia tăng nhập lậu đường Thái Lan vào Việt Nam, chúng tôi giả định ASP đường của QNS sẽ giảm vào năm 2022 và 2023, điều này giải thích cho dự báo tăng trưởng EPS ở mức một chữ số của chúng tôi trong giai đoạn này.

Yếu tố hỗ trợ tiềm năng: các sự kiện doanh nghiệp có tác động tích cực đến mảng kinh doanh sữa đậu nành, vốn chúng tôi cho rằng có thể được định giá cao hơn bởi thị trường nếu đánh giá riêng lẻ mảng này; giá đường cao hơn dự kiến có thể thúc đẩy tâm lý NĐT bên cạnh việc gia tăng lợi nhuận của QNS.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu REE

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 10% và giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Cơ điện lạnh (REE) chủ yếu nhờ WACC giảm từ 13% còn 12% khi chúng tôi dự phóng tỷ kệ nợ/vốn CSH cao hơn nhằm phản ánh việc tăng trưởng công suất mạnh mẽ của REE cho cả điện mặt trời lắp mái và các dự án điện gió, cũng như điều chỉnh tăng 5% tổng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2022- 2025.

Chúng tôi điều chỉnh giảm 9% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự báo 2021 chủ yếu do sản lượng điện thương phẩm dự báo tại CTCP Nhiệt điện Phả Lại và tiếp tục trì hoãn nhà máy điện Thượng Kon Tum (UPKT) so với kỳ vọng trước đây của chúng tôi. Các thay đổi này phần nào được bù đắp bởi mức lãi 45 tỷ đồng từ thoái vốn 8% cổ phần tại CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh.

Chúng tôi nâng dự phóng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2022-2025 thêm 5% khi (1) chúng tôi tăng gấp đôi dự báo sản lượng điện mặt trời (REE SE) lắp mới mỗi năm từ 50 MWp lên 100 MWp và (2) dự phóng thêm 56 MW cho nhà máy Điện gió Thuận Bình (TBW – REE sở hữu 61%).

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 16% trong giai đoạn 2020-2025, được dẫn dắt bởi đóng góp của UPKT (220 MW) trong năm 2021, 104 MW từ dự án điện gió trong năm 2022 (Trà Vinh: 48 MW; Phú Lạc 2: 26 MW; Lợi Hải 2: 30 MW), 500 MWp từ công suất điện mặt trời trong năm 2025, và tòa nhà Etown 6 đi vào hoạt động trong năm 2023.

Chúng tôi cho rằng định giá của REE là hấp dẫn với P/E 2021 đạt 9,7 lần so với CAGR EPS dự phóng 18% trong giai đoạn 2020-2023 (tương ứng PEG 0,6 lần), dựa theo dự báo của chúng tôi.

Yếu tố hỗ trợ: Sản lượng cao hơn từ danh mục thủy điện do La Nina; mở rộng thông qua thực hiện M&A. Rủi ro: Nhà máy thủy điện UPKT đi vào vận hành chậm hơn dự kiến.

Khuyến nghị khả quan cho VRE với giá mục tiêu 38.700 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị của CTCP Vincom Retail (VRE) thành khả quan từ mua khi giá cổ phiếu VRE đã tăng 22% trong 3 tháng qua. Ngoài ra, chúng tôi điều chỉnh giảm 3% giá mục tiêu còn 38.700 đồng/CP chủ yếu do mức điều chỉnh giảm 3% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021 của chúng tôi.

Chúng tôi điều chỉnh lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự báo 2021 còn 2,9 nghìn tỷ đồng (+22% YoY) do 1) sự xuất trở lại các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Việt Nam và 2) điều chỉnh giảm diện tích sàn bán lẻ (GFA) dự phóng vào cuối 2021 khi chúng tôi giảm giả định các TTTM mở mới theo với kế hoạch mà VRE công bố gần đây đối với chiến lược tăng trưởng các TTTM.

Tuy nhiên, chúng tôi duy trì quan điểm rằng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021 sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ 1) gia tăng lượng khách hàng đến TTTM và doanh số của khách thuê khi giai đoạn giãn cách xã hội vào đầu năm 2021 khiến VRE giảm gói hỗ trợ từ đầu quý 3/2020 và 2) đóng góp đầy đủ cả năm của VNM Ocean Parl (Hà Nội).

Chúng tôi dự báo tăng trưởng 9% trong diện tích GFA cho thuê của VRE trong năm 2021 khi chúng tôi kỳ vọng VRE sẽ nối lại kế hoạch mở các TTTM mới sau khi trì hoãn phần lớn kế hoạch mở TTTM mới trong năm 2020 do dịch COVID-19.

Định giá của VRE tỏ ra hấp dẫn với P/E 2021/2022 đạt lần lượt 27,2/21,7 lần (dựa theo dự báo của chúng tôi) so với trung vị ngành 2021/2022 là 30,4/24,2 lần (dựa theo dự báo của Bloomberg) và dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 26% của VRE giai đoạn 2021- 2024.

Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: Các hạn chế kéo dài đối với hoạt động bán lẻ do các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục