Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/11

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/11 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/11

LTG, ngành gạo có thể duy trì xu hướng xuất khẩu trong những tháng cuối năm

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Trong quý III/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG – UPCoM) ghi nhận doanh thu đạt 2.736 tỷ đồng (tăng 37,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 22,9% so với quý trước), Lợi nhuận sau thuế đạt 64 tỷ đồng (tăng 105,2% so với cùng kỳ), từ mức lỗ 44 tỷ đồng trong quý II.

Doanh thu từ gạo mất đà tăng trưởng so với quý trước với 1.636 tỷ đồng (tăng 91,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 25,9% so với quý trước), trong khi doanh thu từ thuốc bảo vệ thực vật gần như không đổi với 984 tỷ đồng (giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 3% so với quý trước) trong quý III.

Biên lợi nhuận gộp đạt 18%, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 7,5%p so với quý trước. Biên lợi nhuận gộp từ mảng gạo được mở rộng đáng kể lên 48,4% (tăng 12,5%p so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 25,1%p so với quý trước).

Tỷ lệ SG&A trên doanh thu thu hẹp còn 10,6% (giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 1,5% so với quý trước) trong quý III. Nhờ đó, biên lợi nhuận ròng cải thiện lên 2,3% trong quý III.

Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu tăng mạnh lên đến 8.629 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng lợi nhuận sau thuế giảm còn 203 tỷ đồng (giảm 23%) một phần do khoản đánh giá lại chênh lệch tỷ giá từ khoản vay ngoại tệ trong quý II.

Theo dữ liệu chúng tôi thu thập được, trong tháng 8/2022, LTG là doanh nghiệp niêm yết duy nhất thuộc top 10 công ty xuất khẩu gạo lớn nhất tại Việt Nam. Doanh thu xuất khẩu gạo của LTG tăng trưởng 188% so với cùng kỳ năm ngoái tính riêng trong tháng 8/2022, với giá trị khoảng 9 triệu USD. Trong 8 tháng năm 2022, doanh thu từ xuất khẩu gạo của LTG đạt khoảng 992 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong tháng 10, xuất khẩu gạo của Việt Nam có dấu hiệu hồi phục sau khi có xu hướng giảm từ tháng 6/2022 trong bối cảnh lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. Chúng tôi kỳ vọng ngành gạo của Việt Nam có thể tiếp tục duy trì xu hướng xuất khẩu trong tháng 11-12/2022.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PHR

CTCK SSI (SSI)

Do lãi suất tăng gần đây, chúng tôi điều chỉnh tăng tỷ lệ chiết khấu trong định giá DCF của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR – sàn HOSE).

Bên cạnh đó, do việc cấp phép các khu công nghiệp Tân Lập và Tân Bình II chậm nên chúng tôi tiếp tục cắt giảm định giá cho các khu công nghiệp này.

Chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu mới là 51.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với tiềm năng tăng giá là 26%. Chúng tôi duy trì xếp hạng khả quan đối với cổ phiếu PHR.

Chúng tôi dự kiến Công ty sẽ trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 40% trên mệnh giá (lợi suất 10%) vào tháng 12. Điều này cùng với sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý 4 năm 2022 sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu HT1

CTCK SSI (SSI)

Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần xi măng VICEM Hà Tiên (HT1 – sàn HOSE) sẽ tăng trở lại về mức 400 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ) vào năm 2023, dựa trên giả định rằng giá than sẽ giảm 10% so với mức đỉnh hình thành trong năm 2022.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị trung lập đối với HT1, với giá mục tiêu 1 năm là 10.190 đồng/cổ phiếu (tương ứng với tiềm năng tăng giá là 1%).

Chúng tôi cho rằng cổ phiếu trong ngắn hạn có thể được hỗ trợ nhờ giá than giảm, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận trong quý 4/2022 (tăng 19% so với cùng kỳ) và đẩy mạnh đầu tư công dự kiến vào năm 2023.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục