Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/2

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/2 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/2

DCM: Khuyến nghị mua

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) vừa công bố kết quả kinh doanh chưa kiểm toán năm 2015 (kỳ báo cáo từ 15/1/2015 đến 31/12/2015).

Theo đó, doanh thu thuần năm đạt 5.584 tỷ đồng, giảm 8% so với năm trước và hoàn thành 105% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ở mức 760 tỷ đồng, giảm 7% và vượt 20% kế hoạch. Hai khoản mục này lần lượt cao hơn 1% và 7% so với dự phóng trước đó của chúng tôi.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của DCM là khoản chi phí tài chính năm 2015 ở mức 720 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước, trong đó 65,4% đến từ lỗ do chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, như đã đề cập trong tin cập nhật trước đây của chúng tôi, lãi tiền gửi ngân hàng và lãi/lỗ từ chênh lệch tỷ giá sẽ được tính vào thu nhập từ hoạt động kinh doanh cốt lõi; và PVN, thông qua việc bán khí với giá ưu đãi, đã cam kết rằng DCM sẽ duy trì chỉ số ROE từ hoạt động kinh doanh cốt lõi ở mức 12% đến năm 2018. Điều này có nghĩa là công ty sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng của biến động tỷ giá USD/VND từ nay cho đến năm 2018.

Trong năm 2016, chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của công ty sẽ đạt 842 tỷ đồng, tăng 10,7% và duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 15.000 đồng/cổ phiếu đối với DCM.

MSN: Chưa đưa ra giá trị cộng hưởng của thương vụ với Singa

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Tập đoàn Masan (MSN – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu năm 2015 tăng trưởng mạnh 90%, đạt mức 30.628 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 24% lên mức 2.527 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh khả quan này chủ yếu nhờ việc hợp nhất 14.054 tỷ đồng doanh thu của công ty thức ăn chăn nuôi, Masan Nutri-Science (MNS). Thương vụ mua lại công ty con này diễn ra vào cuối tháng 4/2015.

Tính riêng trong quý IV/2015, hầu hết các mảng hoạt động kinh doanh của MSN có sự cải thiện đáng kể, bao gồm: Vinacafe phục hồi trở lại với doanh thu tăng trưởng 21% (trong 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu của công ty này giảm 10%); doanh thu mảng sản xuất bia tăng gấp ba lần nhờ mức cơ sở thấp của năm 2014; và doanh thu mảng khoáng sản tăng 9% sau khi giai đoạn vận hành thử nghiệm của nhà máy đã kết thúc trong quý III/2015.

Vào cuối tháng 1/2016, MSN thông báo đã nhận khoản góp vốn 600 triệu USD đầu tiên trong tổng số 1,1 tỷ USD của thương vụ hợp tác với Singha. MSN cũng cho biết sẽ công bố các bước thực hiện chi tiết của thoả thuận này trong một vài tháng tới. Chúng tôi đang thảo luận với công ty để nhận định giá trị cộng hưởng của thương vụ với Singha và sẽ cập nhật dự phóng và định giá đối với MSN trong báo cáo cập nhật tiếp theo.

FPT: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Doanh thu năm 2015 của CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) tăng 14% so với năm trước lên mức 40.002 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng cao của mảng phần mềm (tăng 45%), mảng viễn thông (tăng 32%), và mảng bán lẻ (tăng 50%).

Lợi nhuận trước thuế của công ty năm 2015 tăng mạnh 16% và đạt 2.851 tỷ đồng, chủ yếu do FPT không còn phải ghi nhận khoản chi phí liên quan đến dự án quang hoá của mảng viễn thông. Kết quả doanh thu và lợi nhuận trước thuế này vượt lần lượt 3% và 4% so với dự phóng trước đó của chúng tôi.

Chúng tôi duy trì dự phóng năm 2016 với doanh thu của FPT ở mức 45.389 tỷ đồng và lợi nhuận ròng là 2.136 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 11% so với năm 2015.

Chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 1 năm là 63.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên 2/2, giá cổ phiếu FPT giảm 1%, đóng cửa ở mức 46.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/E năm 2015 là 11,6 lần và P/E dự phóng năm 2016 là 9,6 lần.

HNG: PE giao dịch ở mức trượt là 7,1 lần

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Theo Nghị quyết Hội đồng Quản trị ngày 31/1/2016, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) công bố kết quả doanh thu năm 2015 tăng trưởng gấp đôi so với năm trước lên mức 4.627 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 996 tỷ đồng, tăng 31%. Kết quả trên cũng đồng nghĩa với việc doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2015 chỉ đạt lần lượt 708 tỷ đồng và 9 tỷ đồng, thấp hơn 46% và 97% so với kết quả trung bình của ba quý trước đó. Chúng tôi cho rằng chi phí lãi vay tăng (do cây cao su bắt đầu đi vào thời kỳ thu hoạch) là nguyên nhân chính khiến cho kết quả kinh doanh của HNG sụt giảm.

Nhìn chung, với xu hướng sụt giảm của giá cao su (theo nhận định của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, giá cao su có thể tiếp tục giảm thêm 30% từ mức giá hiện tại 1.200 USD/tấn), chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh của HNG trong năm 2016 không khả quan, và điều này có thể ảnh hưởng đến CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) - công ty mẹ của HNG.

Kết thúc phiên 2/2, giá cổ phiếu HNG giảm sàn và đóng cửa ở mức 13.400 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch ở mức P/E trượt là 7,1 lần.

CII: P/E đang giao dịch trượt là 8,6 lần

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII – HSX) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV và cả năm 2015.

Cụ thể, trong quý IV/2015, doanh thu giảm 57% so với cùng kỳ năm trước còn 420,9 tỷ đồng. Chi phí tài chính đạt 237,8 tỷ đồng, tăng 260% so với cùng kì do chi phí lãi vay tăng mạnh (vì vay dài hạn tăng đáng kể trong 2015) và ghi nhận khoản dự phòng tài chính là 97,5 tỷ đồng (khoản này là cho trái phiếu chuyển đổi mà CII phát hành cho MPTC với một khoản thặng dư lớn, dựa trên giả định rằng CII B&R sẽ có thêm dự án BOT hấp dẫn vào năm tới).

CII ghi nhận khoản lỗ sau thuế 30,6 tỷ đồng trong quý một phần do CII không còn phát sinh khoản doanh thu tài chính đột biến mà quý IV/2014 có được do hoàn tất công tác quyết toán công trình xây dựng cầu Sài Gòn với UBNDTP.

Lũy kế cả năm 2015, doanh thu hợp nhất đạt 1.748 tỷ đồng, giảm 32,9% theo năm, chỉ đạt 56% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên lợi nhuận gộp tăng 63% so với cùng kỳ nhờ doanh thu từ mảng thu phí với biên lợi nhuận gộp cao. Lợi nhuận sau thuế đạt 794 tỷ đồng, tăng 45,9% theo năm, trong đó lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ là 627,5 tỷ đồng, tăng 61,6% so với 2014 và vượt kế hoạch 35,8%.

Tuy nhiên, theo ý kiến từ phía CII, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chưa bao gồm lãi thu được từ việc thoái một phần vốn đầu tư vào CII B&R (LGC) phát sinh trong quý I/2015. Khoản lãi này được ghi nhận trực tiếp vào chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất theo Thông tư 202. Do đó, nếu tính luôn số tiền này thì CII sẽ ghi nhận tổng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 809 tỷ đồng, vượt 75,1% kế hoạch năm.

Tại thời điểm 31/12/2015, tổng nợ đạt gần 8,0 nghìn tỷ đồng so với mức 3,83 nghìn tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 4,64 nghìn tỷ đồng so với 3,2 nghìn tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Khoản tiền và tương đương tiền đạt 882 tỷ đồng, giảm so với mức 1,57 nghìn tỷ đồng tại thời điểm đầu năm.

Kết thúc phiên 2/2, CII đóng cửa tại 22.500 đồng/cổ phiếu, không đổi so với phiên trước. CII hiện đang giao dịch với hệ số P/E trượt là 8,6 lần và P/B trượt là 1,4 lần. Chúng tôi sẽ cập nhật khuyến nghị chính thức đối với cổ phiếu CII trong báo cáo cập nhật sau khi có đầy đủ thông tin hơn từ ban lãnh đạo công ty.

SVC: Khuyến nghị mua vào

CTCK Maritime (MSI)

Hoạt động kinh doanh năm 2015 của CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn – Savico (mã SVC) ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong hầu hết các chỉ tiêu như doanh thu thuần, lợi nhuận ròng, biên lợi nhuận ròng … Hiện các mảng kinh doanh chính của SVC đang hoạt động tốt, và Công ty luôn duy trì kết quả kinh doanh ổn định trong những năm qua.  

Mặt khác, cổ phiếu SVC vẫn là một trong những cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi nhóm này liên tục tăng tỷ lệ sở hữu SVC lên 34% (tính đến hết tháng 01/2016).  

Năm 2015 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành ô tô. Theo VAMA, lượng xe ô tô được tiêu thụ của toàn thị trường Việt Nam trong năm 2015 là 244.914 xe, 55,2% cao hơn so với con số 157.809 xe của năm 2014. Trong những năm tới, ngành ô tô vẫn được kỳ vọng tiếp tục duy trì sự phát triển mạnh mẽ này. Do Savico là nhà phân phối chính cho khá nhiều dòng xe du lịch phân khúc tầm trung phù hợp với nhu cầu và thu nhập tại Việt Nam (trong đó Toyota và Ford là 2 dòng xe chủ lực có tên tuổi, tăng trưởng tốt và chiếm thị phần lớn) nên sự phát triển của ngành ô tô là yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của Công ty.

Bên cạnh đó, showroom Hino Vĩnh Thịnh (đã hoàn thiện và đi vào hoạt động từ tháng 12/2015) và showroom Honda Nam Sông Hậu (dự kiến sẽ khai trương vào đầu Q2.2016) cũng là những yếu tố tích cực giúp Savico ghi nhận thêm doanh thu và mở rộng thị phần.  Bên cạnh đó, Savico đã mở showroom của một thương hiệu xe sang của Châu Âu tại quận 7 (TP. HCM) mà Savico đã ký hợp đồng chính thức hợp tác. Công ty đang triển khai các bước chuẩn bị cần thiết cho chiến dịch ra mắt thương hiệu này, dự kiến đầu quý IV/2016 showroom này sẽ đi vào hoạt động.  

Đối với mảng bất động sản, Công ty tiếp tục khai thác hiệu quả các bất động sản cho thuê nhằm tạo dòng tiền ổn định, và tiếp tục hoạt động chuyển nhượng một vài dự án để thu hồi dòng tiền, đầu tư vào các dự án trọng điểm. Do đó có khả năng SVC sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến trong những năm kế tiếp khi việc chuyển nhượng hoàn tất. 

Savico duy trì kế hoạch chia cổ tức tiền mặt đều đặn qua các năm (12%/năm), đảm bảo lợi ích cho cổ đông.  

Do hầu hết các dòng xe Savico phân phối là hàng lắp ráp trong nước, chỉ có một lượng nhỏ là hàng nhập khẩu, nên cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới (tính trên giá bán buôn của nhà nhập khẩu khiến giá bán lẻ của ô tô nhập khẩu nguyên chiếc bị đẩy lên khá cao) không có nhiều tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của SVC. Thậm chí, Công ty có thể hưởng lợi khi mà các nhà phân phối xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc khác chịu tác động mạnh từ cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, trong tháng 01/2016 chỉ có khoảng 7.000 xe ô tô được nhập khẩu về nước, giảm 56% so với tháng 12/2015.  

Hiện cổ phiếu SVC có mức P/B là 0,8x và P/E Trailing là 8,7x, thấp hơn nhiều so với mức P/E 11,5x của thị trường. Chúng tôi dự phóng EPS 2016F là 6.302 đồng, tương ứng với P/E 2016F là 5,5x, do đó chúng tôi nhận định cổ phiếu SVC đang được giao dịch thấp hơn giá trị thực.

Vì vậy, Chúng tôi vẫn giữ nguyên khuyến nghị MUA như báo cáo cập nhật ngày 28/12/2015.

>> Tải báo cáo

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục