HPG: Phù hợp để đầu tư dài hạn
CTCK MaritimeBank (MSBS)
Doanh thu 9 tháng đầu năm của HPG đạt 19.166 tỷ đồng và 2.754 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 83% và 125% kế hoạch năm, so với cùng kỳ năm trước, tăng 51% doanh thu và 81% lợi nhuận sau thuế. Trong đó, doanh thu từ mảng sản xuất thép tăng 30% và 18% từ mảng bất động sản.
Giai đoạn 2 khu liên hợp gang thép Hòa Phát đã hoạt động ổn định, sản phẩm ống thép tăng trưởng vượt bậc. Thép xây dựng đạt sản lượng 686.000 tấn trong 9 tháng đầu năm, tăng gần 40% so với cùng kỳ 2013, thị phần thép xây dựng toàn quốc tăng mạnh từ 15% đầu năm lên 18,1% cuối quý III/2014.
Mảng bất động sản đóng góp 43% lợi nhuận sau thuế quý 3, chủ yếu đến từ dự án Khu phức hợp Mandarin Garden. Đến nay, dự án này đã bán được 95% và bàn giao được khoảng 90% số căn hộ đã bán cho khách hàng. Hiện tại chỉ còn một số căn hộ diện tích lớn, penhouse,… Triển vọng đến từ các hoạt động sản xuất đang triển khai:
Nâng công suất lò cao số 1 sau khi đại tu: Lò cao số 1 đã dừng hoạt động để sữa chữa đại tu từ tháng 8/2014 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 11/2014; công suất dự kiến sẽ tăng từ 350.000 tấn lên 380.000 tấn.
Khu liên hợp gang thép Hòa Phát giai đoạn 3 cũng đang được triển khai từ tháng 9/2014 với tổng vốn đầu tư là 3.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2016. Việc hoàn thành khu liên hợp gang thép giai đoạn 3 sẽ giúp Hòa Phát phát triển mạnh hơn vào hoạt động xuất khẩu.
Khởi công dự án bất động sản mới vào tháng 12/2014: HPG sẽ tiếp tục đầu tư vào mảng này nhưng quy mô sẽ chỉ dưới 10% doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn. Trong tháng 12/2014, HPG sẽ tiến hành khởi công dự án tổ hợp chung cư, văn phòng, thương mại nằm tại quận Hoàng Mai với quy mô bằng một nửa dự án Mandarin Garden. Dự án tập trung vào phân khúc trung bình, căn hộ dưới 100m2 đảm bảo tính thanh khoản, dự kiến khoảng 30 tầng với hơn 600 căn hộ. Tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng và sử dụng vốn tự có của công ty là chính. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong vòng 3-3,5 năm và hoàn thành xong phần móng trong khoảng 1 năm để có thể mở bán.
Khu công nghiệp đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm:
Các KCN Phố Nối A (Hưng Yên) và Hòa Mạc do HPG làm chủ đầu tư đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuê đất làm nhà xưởng. (KCN Phố Nối A có diện tích được quy hoạch là 600ha. Đã lấp đầy gần như 100% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của KCN Phố Nối A giai đoạn 1 (390ha). Từ đầu năm đến nay, HPG đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật 60 ha trong tổng diện tích 204 ha KCN Phố Nối A mở rộng để giao cho nhà đầu tư).
Quý IV, dự kiến sẽ tương đương kết quả quý III:
Kết quả kinh doanh trong quý IV vẫn sẽ tốt nhờ các yếu tố: (1) lợi nhuận đến từ mảng thép xây dựng vẫn tích cực; (2) hoạt động bán hàng các nhóm sản phẩm nội thất, điện lạnh, máy xây dựng cũng được HPG chuẩn bị để bước vào thời điểm thị trường sôi động nhất là cuối năm; (3) việc đại tu lò cao số 1 cũng sẽ hoàn thành vào tháng 11/2014.
Triển vọng năm 2015: Năm 2015, HPG sẽ không còn nguồn thu lớn từ Bất động sản như trong năm 2014, tuy nhiên các mảng kinh doanh khác của HPG vẫn sẽ có kết quả tăng trưởng tốt với sản lượng sản xuất thép sẽ tăng khi lò cao 1 hoàn thành cải tạo nâng công suất tăng lên 380.000 tấn.
Kết luận:
HPG là doanh nghiệp đầu ngành sản xuất thép với tình hình tài chính luôn ổn đinh. Tại mức giá cổ phiếu HPG hiện tại (ngày 28/10/2014) là 53.500 đồng/CP, P/E, P/B của HPG lần lượt là 9,2 lần và 2,41 lần. Đây vẫn là mức giá được chúng tôi đánh giá là hấp dẫn với cổ phiếu đầu ngành có triển vọng tốt, phù hợp với chiến lược đầu tư dài hạn.
Ngành dệt may: Nhiều cơ hội tăng trưởng
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Ngày 27/10 vừa qua khép lại hội nghị các bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa qua ở Sydney (Úc) với một số bước tiến về vấn đề thuế quan. Với 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may (9 tháng đầu năm 2014) vào thị trường Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất TPP, ngành dệt may Việt Nam đang kỳ vọng rất nhiều vào việc TPP được kí kết. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may tăng 18,7% so với cùng kì đạt 15,5 tỷ USD.
Với việc nhiều doanh nghiệp dệt may niêm yết đã lần lượt công bố KQKD quý III trong những ngày vừa qua, chúng tôi cũng muốn nhân đây đưa đến nhà đầu tư một cái nhìn bao quát về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành trong 9 tháng đầu năm 2014.
Trong đó, thống kê cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều ghi nhận tăng trưởng khá về doanh thu cũng như lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm trước với mức tăng doanh thu trung bình là 16% và lợi nhuận sau thuế là 73%; riêng TET ghi nhận doanh thu giảm 12% và KMR công bố lợi nhuận sau thuế giảm 16%. GIL, TET và KMR đều là các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ và phụ thuôc nhiều vào sự biến động của đơn hàng nên ít hưởng lợi từ sự tăng trưởng chung của ngành. TNG có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên đến 89%; điều này lý giải phần nào việc giá cổ phiếu đã tăng hơn gấp đôi từ tháng 6 đến nay.
Nhìn chung, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp dệt may có sự thay đổi không nhiều so với cùng kỳ do cơ cấu sản phẩm hầu như không thay đổi, chủ yếu vẫn là phương thức CMT (Cut-make-trim). Riêng TCM và GMC hiện đã sản xuất hoàn toàn theo phương thức FOB (Free-on-board) đồng thời đang phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn nên sự thay đổi về biên lợi nhuận có phần rõ nét hơn. Trong khi TCM đang mở rộng sản xuất các vải chất lượng cao, GMC bắt đầu khai thác các đơn hàng ODM (Original-design-manufacturing) thông qua liên doanh Blue Saigon LLC có trụ sở ở California (Mỹ).
Trong các doanh nghiệp nói trên, TCM vẫn là cổ phiếu ưu thích của chúng tôi. Do mảng sợi chiếm gần 50% doanh thu của TCM, giá sợi giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu của Công ty. Dù vậy, biên lợi nhuận các mảng kinh doanh khác TCM đều có sự cải thiện tích cực. Lợi nhuận sau thuế của TCM trong 9 tháng đầu năm đạt mức trưởng tốt 36,4% so với cùng kì.
Về dài hạn, với triển vọng của ngành dệt may Việt Nam, các cổ phiếu của ngành này còn nhiều cơ hội tăng trưởng, nhất là sau khi TPP được ký kết. Dù vậy, chỉ những doanh nghiệp có năng lực sản xuất tốt và năng động trong việc định vị lại mình ở một bậc cao hơn trong chuỗi giá trị như TCM và GMC mới có thể hoàn toàn hưởng lợi từ những cơ hội này.
KDC: EPS dự kiến khoảng 1.583 đồng/CP
CTCK VPBank (VPBS)
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 theo kịp kế hoạch đề ra Tập đoàn Kinh Đô (KDC – sàn HOSE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2014 với doanh thu 1.872 tỷ đồng, tăng 8% so với năm ngoái. Doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, đạt 3.669 tỷ đồng, tăng 7% so với năm ngoái. Doanh thu quý III tăng trưởng nhờ vào doanh thu đến từ bánh trung thu. Năm nay, sản lượng bánh trung thu của KDC đạt kế hoạch khoảng 2.800 tấn, tăng 15% so với năm ngoái. Với kết quả kinh doanh trên, trong 9 tháng đầu năm 2014 công ty đã hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu của năm.
Trong quý này, giá vốn hàng bán của KDC đạt 950 tỷ đồng, tăng 12% so với năm ngoái, khiến biên lợi nhuận gộp giảm xuống còn 49.2% so với mức 50.6% của năm ngoái. Trong khi đó, chi phí tài chính là 5,233 tỷ đồng, giảm mạnh 56% so với cùng kỳ. Thu nhập tài chính gần 40 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Kết quả là thu nhập tài chính ròng tăng 90% so với cùng kỳ, đạt 34,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của quý III/2014 đạt 359 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận ròng của KDC đạt 453 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch, trong đó lợi nhuận ròng Q3 đã đóng góp 79% lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm 2014.
Vào ngày 1/12/2014, KDC sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường với mục đích thông qua kế hoạch tái cấu trúc và chiến lược đầu tư của công ty. Trong tháng 6, công ty đã công bố hợp tác với Saigon Vewong để kinh doanh mì gói và đầu tư vào công ty cà phê Phin Deli. Ngoài ra, KDC đã mua thành công 24% của Vocarimex và trở thành nhà đầu tư chiến lược. Chúng tôi sẽ cập nhật thêm thông tin cho nhà đầu tư sau đại hội.
Với mức giá 59.500 đồng/cổ phiếu (29/10/2014), KDC hiện đang giao dịch ở mức P/E là 23 lần và P/B 2,3 lần. EPS 12 tháng là 2.583 đồng.
Đánh giá cao định hướng đầu tư của HPG
CTCK MB (MBS)
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm khả quan. Theo đó, doanh thu đạt mức 19,166 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt mức 2.754 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, HPG đã tiến hành bàn giao phần lớn căn hộ từ khu phức hợp Mandarin Garden và hạch toán doanh thu và lợi nhuận. Ước tính mảng kinh doanh bất động sản đã đem lại 34% lợi nhuận sau thuế cho HPG.
Mảng kinh doanh thép xây dựng của HPG vẫn tiếp tục diễn biến khả quan. Sản lượng thép xây dựng tiêu thụ trong 9 tháng đạt 689 nghìn tấn tăng 40% so với cùng kỳ. Thị phần thép xây dựng của HPG tiếp tục tăng lên mức 18.1% dẫn đầu toàn quốc.
Công ty dự kiến, việc đại tu lò cao số 1 tại khu liên hợp gang thép Hải Dương sẽ hoàn thành vào tháng 11/2014, nâng công suất của lò cao lên mức 380 nghìn tấn/năm.
Hiện tại, chúng tôi chưa thấy một công ty thép nào có khả năng thách thức HPG tại thị trường miền Bắc và do đó nhiều khả năng Công ty sẽ tiếp tục duy trì vị thế hiện tại trong các năm tới. Trong thời gian tới HPG dự định tiếp tục đầu tư giai đoạn III Khu liên hợp gang thép Hòa Phát với công suất 750.000 tấn/ năm, thời gian đâu tư là 1,5 năm.
Chúng tôi đánh giá cao định hướng đầu tư vào lĩnh vực mũi nhọn của HPG. Trong bối cảnh phần lớn các công ty thép tại miền Bắc đang gặp khó khăn, việc đi đầu trong đầu tư tăng cường năng lực và hiệu quả sản xuất sẽ giúp HPG tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu trong ngành trong các năm tới.
CSM: khuyến nghị GIỮ
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Doanh thu quý III/2014 CTCP Cao su miền Nam (CSM) giảm 0,41% so với cùng kỳ, đạt 801,8 tỷ đồng chủ yếu là do giá bán giảm khoảng 6% so với cùng kỳ mặc dù sản lượng tăng khoảng 5% so với cùng kỳ. Trong quý III/2014, CSM tiêu thụ được khoảng 10.000 lốp radian toàn thép đầu tiên. Biên lợi nhuận gộp trong quý III/2014 giảm còn 26,3% từ 27,5% trong quý III/2013, ngoài nguyên nhân giá bán giảm còn do trong quý III, Công ty bắt đầu ghi nhận khấu hao từ nhà máy lốp radian toàn thép. Chi phí tài chính ròng tăng 7,8% so với cùng kỳ chủ yếu là do chi phí lãi vay tăng 86,3% so với cùng kỳ lên 17,7 tỷ đồng do lãi vay từ dự án Radial toàn thép.
Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng từ 10,8% lên 11,9% do Công ty đẩy mạnh quảng cáo và tăng khuyến mãi nhằm đẩy mạnh tiêu thụ lốp trong và ngoài nước (đặc biệt là lốp
radian toàn thép). Lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 15% so với cùng kỳ xuống còn 100,4 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế quý III/2014 còn 78,3 tỷ đồng, giảm 12,15% so với cùng kỳ, mức giảm chậm hơn lợi nhuận trước thuế là do thuế TNDN giảm từ 25% xuống chỉ còn 22% trong năm 2013. Lũy kế 9T/2014, doanh thu giảm 2,6% so với cùng kỳ, đạt 2.270 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 9T/2014 giảm khoảng 6,9% so với cùng kỳ xuống còn 317,8 tỷ đồng.
CSM đang xin cấp chứng nhận chất lượng quốc tế cho nhà máy lốp radian toàn thép, nếu thuận lợi công ty sẽ đạt chứng nhận vào cuối quý IV/2014 hoặc đầu năm 2015. Chúng tôi ước tính doanh thu quý IV/2014 tăng nhẹ 1,7% so với cùng kỳ lên 824 tỷ đồng, chủ yếu là do sản lượng tiêu thụ tăng.
Công ty có thể tiêu thụ được khoảng 15.000 chiếc lốp radian toàn thép trong quý IV/2014 với giá bán trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/lốp. lợi nhuận trước thuế quý IV/2014 ước giảm khoảng 24,9% so với cùng kỳ, còn 105 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm 2014 ước lần lượt giảm 1,27% so với cùng kỳ và 12,2% so với cùng kỳ, còn 3.094 tỷ đồng và 423 tỷ đồng.
Dự án căn hộ số 09 Nguyễn Khoái. Đối tác mua lại dự án chung cư này đã đặt cọc và đang trả đúng tiến độ. CSM dự kiến lợi nhuận từ việc chuyển nhượng dự án này vào khoảng 75 đến 80 tỷ đồng, nhiều khả năng sẽ được ghi nhận vào đầu năm 2015.
Chúng tôi đã đưa ra khuyến nghị GIỮ đối với CSM với giá mục tiêu là 50.000 đồng/cp dựa trên P/E 2014 10,2 lần, chiết khấu 10% so với trung bình ngành.
NT2: mức định giá hấp dẫn
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) đã báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng 2014 với lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc, đạt 575,3 tỷ so với lỗ ròng 87,9 tỷ trong cùng kỳ. Chúng tôi nhận thấy tăng trưởng lợi nhuận xuất phát từ cả hoạt động sản xuất kinh doanh chính và hoạt động tài chính.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh chính, sản lượng điện 9T2014 đạt khoảng 3.500 triệu kWh, hoàn thành 88% kế hoạch năm. Giá bán bình quân tăng xấp xỉ 5% so với giá bán bình quân năm 2013, theo chúng tôi là do giá khí đầu vào tăng.
Theo đó, doanh thu 9T2014 đạt 4.625,8 tỷ, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Chi phí sản xuất kinh doanh tăng 5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng doanh thu. Nhờ đó, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính tăng 30,2% so với cùng kỳ đạt 613,6 tỷ. Điểm đáng lưu ý là kể
từ tháng 9/2014, công ty đã thay đổi thời gian khấu hao tài sản cố định là máy móc thiết bị (chiếm hơn 70% tổng giá trị TSCĐ) từ 10 năm lên 14 năm.
Do vậy, chi phí khấu hao trong 9T2014 đã giảm 9,8% so với cùng kỳ. Theo chúng tôi ước tính, việc kéo dài thời gian khấu hao máy móc thiết bị sẽ làm chi phí khấu hao giảm khoảng 115 tỷ mỗi năm.
Về hoạt động tài chính, với dư nợ vay dài hạn bằng ngoại tệ gồm 143,7 triệu EUR và 157,3 triệu US$, trong 9 tháng 2014, NT2 đã ghi nhận 300,1 tỷ lãi chênh lệch tỷ giá do đồng EUR giảm hơn 7% so với VND kể từ đầu năm (như chúng tôi đã đề cập trong bản tin ngày 16/10/2014); so với lỗ chênh lệch tỷ giá 202,5 tỷ trong cùng kỳ 9 tháng 2013. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay cũng giảm 16,9% so với cùng kỳ do dư nợ vay của công ty giảm dần.
Cổ phiếu NT2 giao dịch với P/E 4 quý gần nhất 6,8x, mức định giá hấp dẫn so với trung bình ngành khoảng 10,5x.