Như được dự báo trước về trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” trong phiên giao dịch sáng, nên việc thị trường điều chỉnh là điều có thể xẩy ra bất kỳ lúc nào. Bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực bán gia tăng khiến thị trường liên tiếp những đợt rung lắc tuy cường độ không mạnh.
Hầu hết bảng điện tử đang nhuốm đỏ, trong đó, các trụ cột chính của thị trường cũng lần lượt biến sắc là nguyên nhân chính khiến thị trường đóng cửa đảo chiều giảm điểm. Đóng cửa phiên 30/10, toàn sàn HOSE có tới 143 mã giảm và 79 mã tăng,trong khi sàn HNX có 125 mã giảm và 81 mã tăng.
Chỉ số VN-Index giảm 2,06 điểm (-0,35%) xuống 589,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 96,45 triệu đơn vị và tổng giá trị 1.596,92 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,84% và 9,73% so với phiên giao dịch trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp hơn 29 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, dù nhóm HNX30 với sắc đỏ chiếm ưu thế với 18 mã giảm, 7 mã tăng nhưng độ rộng của các mã tăng khá lớn giúp HNX30-Index chốt phiên tăng 0,11 điểm (+0,07%) đứng ở mức 172,63 điểm.
HNX-Index đóng cửa tăng 0,2 điểm (+0,23%) lên 86,79 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 50,2 triệu đơn vị và tổng giá trị xấp xỉ phiên trước đạt hơn 705 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 13 triệu đơn vị, trị giá 147,59 tỷ đồng. Riêng NVB thỏa thuận 8,86 triệu đơn vị với tổng giá trị hơn 62 tỷ đồng, LDP và SHB cùng thỏa thuận hơn 1 triệu đơn vị với giá trị lần lượt gần 58 tỷ đồng và 13,35 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, bộ tứ trụ cột chính không còn là điểm tựa cho thị trường khi VNM và MSN bị chặn tại mốc tham chiếu, VIC quay đầu giảm điểm nhẹ 100 đồng (-0,2%). Còn GAS giảm tới 2.000 đồng (-1,89%).
Sau hai phiên được nhà đầu tư vớt giá, thậm chí tăng chạm trần trong phiên hôm qua, cổ phiếu OGC đã trở lại xu thế giảm mạnh do áp lực đẩy bán vẫn ở mức cao. Đóng cửa, OGC giảm 500 đồng xuống mức giá sàn 9.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,74 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhờ báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2014 với chỉ tiêu lợi nhuận gấp 3 lần cùng kỳ chủ yếu nhờ chênh lệch tỷ giá đã giúp PPC tăng vọt. Đóng cửa, PPC tăng 500 đồng (+2,12%) lên 24.100 đồng/CP. Đây chính là nguyên nhân tác động tích cực đến REE. Cổ phiếu REE dù không giữ được mức giá cao như phiên sáng nhưng đóng cửa vẫn giữ được sắc xanh đậm với mức tăng 600 đồng (+2,13%) và thanh khoản đạt hơn 5 triệu đơn vị, đánh dấu mốc kỷ lục về thanh khoản của cổ phiếu này kể từ đầu năm đến nay.
Thông tin hỗ trợ tích cực đối với SSI nhanh chóng qua đi, cổ phiếu này đã suy yếu trong phiên chiều. Không còn giữ được mốc tham chiếu, SSI lao đầu giảm 300 đồng (-1%) xuống 30.500 đồng/CP với thanh khoản hơn 3,72 triệu đơn vị.
Trong khi hầu hết các cổ phiếu bất động sản khác cũng chịu áp lực bán trên toàn diện rộng thị trường và quay đầu giảm điểm thì tâm điểm HAR tiếp tục củng cố sắc tím khi lượng dư mua trần vẫn chất đống. Đồng thời, đây cũng là nhóm hấp thụ mạnh nhất dòng tiền trên sàn HOSE.
HAR vẫn duy trì sắc tím ở mức giá 11.400 đồng/CP với khối lượng khớp đạt lớn nhất sàn hơn 8,14 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 39.000 đơn vị. Trong khi đó, FLC và ITA cùng giảm 100 đồng/CP với khối lượng giao dịch lần lượt 6,52 triệu đơn vị và 3,19 triệu đơn vị, còn KBC giảm 200 đồng và khớp hơn 4,2 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, các cổ phiếu có vốn hóa lớn như SHB, VCG, VND, ACB vẫn duy trì sắc xanh. Trong đó, với thông tin hỗ trợ tích cực về việc chia cổ phiếu thưởng và thực hiện quyền mua cổ phiếu đã giúp VND duy trì đà tăng mạnh. Đóng cửa, VND tăng 600 đồng (+3,8%) lên 16.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 3 triệu đơn vị.
Bên cạnh các cổ phiếu chứng khoán lớn khác như CTS, BVS, KLS, SHS… giảm điểm, cổ phiếu VIX vẫn giữ sắc tím với mức tăng 3.900 đồng (+9,97%) với khối lượng khớp lệnh đạt 880.000 đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục nới rộng đà giảm với những cổ phiếu đầu ngành như PVC, PVS, PVE, PVB, PVX…