Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/6

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 30/6 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/6

PVT: Khuyến nghị mua vào

CTCK BIDV (BSC)

Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (mã PVT) là doanh nghiệp đầu ngành vận tải biển, với đội tầu lớn nhất Việt Nam, có nền tảng kinh doanh bền vững nhờ ưu thế độc quyền vận tải dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất và hơn 90% thị phần phân phối khí LPG. Vì vậy, nguồn cầu cho đội tầu của PVT hoạt động luôn được đảm bảo, trái ngược với các doanh nghiệp vận tải hàng rời lớn khác như VOS (cầu vận chuyển phụ thuộc lớn vào nhu cầu từ Trung Quốc).

Sản lượng vận chuyển kì vọng tăng nhờ: (1) Nguồn cầu vận chuyển ổn định từ nhà Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (2) Vận chuyển dầu thô và thành phẩm cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (dự kiến đi vào hoạt động tháng 7/2017). (3) Thực hiện vận tải toàn bộ khí LPG cho PV Gas trading cả năm 2016. (4)Tăng trưởng mảng FPS/FPSO với BLNG cao nhờ FSO Đại Hùng Queen đi vào hoạt động từ tháng 5/2015 và mảng O&M từ tháng 4/2015.

Rủi ro đầu tư do biến động tỷ giá USD/VND. Tại ngày 31/12/2015, PVT có dư nợ ngoại tệ là 110 triệu USD. Vì vậy với 1% biến động tỷ giá USD/VND, PVT có thể phải ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 25 tỷ. Với kế hoạch đầu tư 33 tầu tới năm 2020, dư nợ USD của PVT có thể tăng mạnh trong tương lai. Tuy nhiên chúng tôi cũng lưu ý, PVT ghi nhận doanh thu bằng USD từ mảng FSO/FPSO, tạo ra nguồn thu nhập ngoại tệ, giảm bớt rủi ro tỷ giá.

Chúng tôi khuyến nghị Mua với cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 16.190 đồng/cp. Năm 2016, chúng tôi dự báo PVT đạt EPS 1.742 đồng/cổ phiếu, tương đương với P/E forward đạt 7.46x, tương đối hấp dẫn so với mức trung bình của ngành và thị trường.

VNR: Khuyến nghị mua đầu tư trung hạn

CTCK MB (MBS)

Tổng Công ty Tái Bảo Hiểm Quốc Gia (VNR) là công ty hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực tái bảo hiểm, là một lĩnh vực kinh doanh phức tạp và có điều kiện.

Được thành lập từ năm 1994, VNR có các cổ đông chiến lược chính là các công ty bảo hiểm tham gia với cam kết nhượng lại dịch vụ cho VNR như Tổng công ty Bảo Việt, Tổng công ty Bảo Minh, Tổng công ty bảo hiểm ngân hàng Đầu Tư Phát triển Việt nam. Từ năm 2008, VNR có thêm đối tác là Swiss Re.

Việc có những đối tác chiến lược là các công ty bảo hiểm trong nước và Swiss Re tạo điều kiện cho VNR vừa đảm bảo nguồn đầu vào tái báo hiểm vừa có thể nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc học tập kinh nghiệm, mô hình quản lý, định giá bảo hiểm của tập đoàn tài chính nước ngoài. Điều này giúp cho VNR có mô hình hoạt động có tính cạnh tranh bền vững trong ngành bảo hiểm còn non trẻ và đang trong thời kỳ phát triển với tốc độ cao.

Bên cạnh đó, tăng trưởng của ngành bảo hiểm những năm qua mở ra cơ hội tăng trưởng cho VNR trong lĩnh vực tái bảo hiểm.

Với định giá cổ phiếu hấp dẫn và các nhân tố tăng trưởng từ việc bán vốn của SCIC, thanh khoản cải thiện dựa trên nền tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bảo hiểm trong những năm gần đây cũng như xu hướng tăng trưởng của lãi suất khiến cho hoạt động đầu tư được cải thiện, chúng tôi khuyến MUA đối với cổ phiếu VNR cho mục đích đầu tư trung hạn, với mức định giá hợp lý là 27.000 đ/ cổ phiếu (tăng giá 50%).

REE: Khuyến nghị nắm giữ trong dài hạn

CTCK Vietcombank (VCBS)

Năm 2015, CTCP Cơ điện lạnh (mã REE) ghi nhận kết quả kinh doanh không tích cực với 2.643 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 0,5% so với năm trước và 888 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 19,1%. Nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của REE sụt giảm là do ảnh hưởng lỗ tỷ giá từ khoản đầu tư vào công ty liên kết Nhiệt điện Phả Lại và hiện tượng El Nino gây nên tình trạng hạn hán kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng các nhà máy thủy điện mà REE đầu tư. Mảng kinh doanh cốt lõi như M&E, bán điều hòa và cho thuê văn phòng ghi nhận trong năm 2015 vẫn ổn định, trong đó, mảng M&E vẩn chiếm tỷ trọng cao nhất (49,3%).

Lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết lại ghi nhận khoản lỗ 114,8 tỷ đồng trong quý I/2016 so với mức lãi 14,2 tỷ trong quý I/2015. Khoản lỗ này chủ yếu đến từ PPC và TMP do ảnh hưởng từ sự tăng giá của đồng Yên Nhật dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá và sản lượng điện của nhà máy thủy điện Thác Bà giảm 14,8% so với cùng kỳ xuống còn 79 triệu kWh khiến doanh thu giảm 14% còn 62 tỷ đồng. Quý I/2016, Công ty nhiệt điện Phả Lại chênh lệch tỷ giá 261,5 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận cả quý âm 157 tỷ đồng.

Năm 2016, REE đặt kế hoạch doanh thu tối thiểu đạt 2.933 tỷ đồng, tăng 10,9% mức thực hiện 2015 và lợi nhuận sau thuế 986 tỷ đồng, tăng 11% mức thực hiện 2015. Hiện REE đã trả cổ tức 2015 với tỷ lệ 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu. Với kế hoạch kinh doanh năm 2016, REE đặt kế hoạch cổ tức không thấp hơn 12% và chưa có kế hoạch chi trả cụ thể bằng tiền mặt hay cổ phiếu. Theo chia sẻ từ công ty, tỷ lệ cổ tức 2016 sẽ khoảng 16-17% tiền mặt nếu không có gì thay đổi.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi của REE, chúng tôi đánh giá mảng core vẫn duy trì ổn định với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 10%. Động lực tăng trưởng chính của REE trong trung và dài hạn đến từ mảng bất động sản và đầu tư khi các dự án bất động sản lớn đi vào hoạt động. Chúng tôi cho rằng REE có khả năng hoàn thành kế hoạch để ra với doanh thu tối thiểu đạt hơn 2.900 tỷ đồng và 986 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. EPS forward dự kiến khoảng 3.180 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi khuyến nghị NẴM GIỮ REE cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục