Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/7

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 29/7 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu GDT

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Outperform đối với GDT của CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành, tuy nhiên điều chỉnh giảm 12,6% giá mục tiêu theo phương pháp Chiết khấu dòng cổ tức xuống 65.491 đồng/CP (Upside: 22,4%), chủ yếu là do: (1) Điều chỉnh giảm kết quả kinh doanh trong giai đoạn dự báo; (2) Tăng số lượng cổ phiếu lưu hành do các phát hành thêm trong năm; phần nào được bù đắp bởi (3) Tác động chuyển mô hình định giá của chúng tôi đến giữa năm 2022.

Chúng tôi duy trì chiết khấu định giá 25% so với giá trị nội tại do tính thanh khoản tương đối thấp của cổ phiếu và sự không chắc chắn của COVID-19, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của GDT và dự báo kết quả kinh doanh của BVSC.

Ở mức giá hiện tại, GDT đang giao dịch ở mức P/E forward 1 năm (đến giữa năm 2022) và năm 2022 lần lượt là 10,3x và 9,4x, dựa trên dự báo kết quả kinh doanh của chúng tôi, cho mức ROAE trung bình giai đoạn 2021-22 là 37,0%.

GDT là công ty có mô hình kinh doanh vững chắc, và cổ phiếu phòng thủ trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi, minh chứng bởi: (1) Vị thế cạnh tranh tốt hơn tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt (nhờ tập khách hàng trung thành và tuân thủ ESG), (2) Hoạt động trong thị trường ngách giúp Công ty chịu ít áp lực cạnh tranh và duy trì biên lợi nhuận cao; (3) Chính sách cổ tức tiền mặt tốt và nhất quán; và (4) Ban lãnh đạo tâm huyết.

>> Tải báo cáo

Chốt lãi khi cổ phiếu OCB tiếp cận ngưỡng giá 32.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu OCB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông đang hình thành trong nhịp hồi phục về ngưỡng kháng cự 32.5. Thanh khoản cổ phiếu nằm tại ngưỡng trung bình 20 phiên.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đang ủng hộ xu hướng hồi phục này. Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt lên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 29.5 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 32.5 Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 28.0.

Khuyến nghị khả quan cổ phiếu HND với giá mục tiêu 18.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan nhưng giảm giá mục tiêu đối với CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) xuống 6,6% còn 18.500 đồng/CP.

Mặc dù chúng tôi kỳ vọng giá cổ phiếu có thể gặp khó khăn vào cuối năm 2021 do triển vọng lợi nhuận tiêu cực trong ngắn hạn của công ty, chúng tôi tiếp tục tin rằng HND mang lại giá trị cho nhà đầu tư vì đây là một trong những công ty điện than hoạt động tốt nhất tại Việt Nam về hiệu suất hoạt động.

Chúng tôi giảm giá mục tiêu do dư nợ ròng cao hơn - tăng 43% so với quý trước (QoQ) sau khi HND trả cổ tức cao kỷ lục năm 2020 và tăng các khoản phải thu – và giảm 6% dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của chúng tôi.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 chủ yếu do (1) điều chỉnh chi phí than tăng 2% do dự báo trước đó của chúng tôi về chi phí than giảm trong năm 2021 không xẩy ra trong nửa đầu năm 2021 và (2) mức giảm 2% đối với sản lượng điện trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) năm 2021 của HND khi chúng tôi tính đến tác động tiềm năng của làn sóng dịch COVID-19 thứ tư đối với giá CGM của ngành trong quý 3/2021 trong khi tiếp tục kỳ vọng giá sẽ phục hồi trong quý IV/2021. Dự báo lợi nhuận sau thuế 2022-2025 của chúng tôi gần như không đổi.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế báo cáo của HND sẽ giảm 69% so với năm ngoái trong năm 2021 do mức giảm theo kế hoạch trong thành tố cố định của hợp đồng mua bán điện (PPA), sản lượng điện hợp đồng giảm và không có thu nhập bất thường, phần nào được hỗ trợ bởi mức giảm 500 tỷ đồng của chi phí khấu hao.

Chúng tôi cho rằng định giá của HND là hấp dẫn với EV/EBITDA 2021 là 5,9 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi, so với mức EV/EBITDA trung bình 4 năm là 10,1 lần của nhóm các công ty cùng ngành. Chúng tôi cũng dự báo mức cổ tức tiền mặt ổn định là 1.200 đồng/CP (lợi suất cổ tức 7%) mỗi năm.

Rủi ro: Giá bán điện trên CGM của HND thấp hơn dự kiến.

Khuyến nghị mua cổ phiếu NT2 với giá mục tiêu 23.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giảm giá mục tiêu cho CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) thêm 7% còn 23.000 đồng/CP do điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận cho giai đoạn 2021-2022 và giữ nguyên dự báo cho giai đoạn 2023-2025. Ngoài ra, chúng tôi giữ khuyến nghị mua cho NT2.

Chúng tôi cho rằng NT2 là một công ty có cổ tức tốt khi chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ cổ tức/cổ phiếu (DPS) của công ty sẽ tăng từ 1.500 đồng vào năm 2021 lên 2.000 đồng vào năm 2022 và 3.000 đồng vào năm 2023.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận năm 2021 và 2022 thêm trung bình khoảng 20%, chủ yếu do sản lượng điện thương phẩm giảm lần lượt 13% và 5% trong 2 năm này và giả định giá khí cao hơn.

Chúng tôi giữ nguyên giả định cổ tức cho năm 2021. NT2 có 420 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng tính đến ngày 30/06/2021, sau khi trả hết các khoản nợ dài hạn. Tuy nhiên, chúng tôi giảm dự báo cổ tức cho năm 2022 từ 2.500 đồng/CP còn 2.000 đồng/CP tương ứng với dự báo lợi nhuận thấp hơn của chúng tôi.

Dựa theo dự báo của chúng tôi, NT2 đang giao dịch với EV/EBITDA dự phóng năm 2021 là 5,0 lần – thấp hơn khoảng 50% so với trung vị EV/EBITDA trượt của các công ty cùng ngành trong khu vực (đối với các nhà máy điện đơn lẻ).

Yếu tố hỗ trợ: Nhận được khoản thanh toán cho lỗ tỷ giá từ EVN trong giai đoạn 2016-2020.

Rủi ro: Giá và sản lượng trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) CGM thấp hơn dự kiến trong quý 4/2021.

Khuyến nghị mua cổ phiếu SCS với giá mục tiêu 163.700 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua cho CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) nhưng giảm giá mục tiêu thêm 1,1% còn 163.700 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 27,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,6%.

Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu phản ánh việc cập nhật mô hình định giá theo phương thức chiết khấu dòng tiền (DCF) của chúng tôi đến năm 2026 so với trước đây là năm 2025, nhằm đưa ra giả định đầu tiên của chúng tôi đối với tác động từ Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA). Chúng tôi thận trọng giả định rằng sản lượng hàng hóa của SCS sẽ giảm 30% YoY trong năm 2026 do khả năng chuyển các chuyến bay từ Sân bay Tân Sơn Nhất (SGN) sang LTA.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực của giả định này phần lớn được bù đắp bởi mức giảm 2 điểm phần trăm trong tỷ lệ WACC của chúng tôi khi chúng tôi giảm hệ số beta của SCS từ 1,0 lần xuống 0,8 lần để phù hợp với dữ liệu hàng tuần trong 2 năm qua.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 thêm 3,4%, chủ yếu do mức giảm 2,6% trong dự báo sản lượng hàng hóa quốc tế và 4,2% trong dự báo sản lượng hàng hóa trong nước trong năm 2021. Trong khi đó, chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cho giai đoạn 2022-2025.

Trong năm 2021, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 792 tỷ đồng (tăng 14% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 556 tỷ đồng (tăng 20%). Dự báo tăng trưởng doanh thu chủ yếu được thúc đẩy bởi giả định của chúng tôi cho rằng sản lượng hàng hóa tăng 9,3% và giá dịch vụ trung bình (ASP) ước tính tăng 5,6% trong năm 2021.

Chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan đối với SCS nhờ bảng cân đối kế toán lành mạnh và vị thế thị trường độc quyền bền vững cũng như mức định giá hấp dẫn với PEG giai đoạn 2020-2023 là 0,7 lần. Chúng tôi cho rằng SCS có vị thế tốt để duy trì tình hình tài chính ổn định và đạt được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ngay cả khi sự gián đoạn từ COVID-19 tiếp tục kéo dài ngoài dự kiến của chúng tôi.

Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: Lượng hàng hóa thương mại giảm; hạn chế công suất của sân bay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN).

Khuyến nghị khả quan cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 45.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị khả quan đối với VHC và giá mục tiêu là 45.000 đồng/CP khi chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng dài hạn của mảng collagen & gelatin (C&G) vốn có biên lợi nhuận cao của VHC trong khi nhu cầu cá tra phi lê tiếp tục phục hồi - dù tốc độ chậm.

Chúng tôi giảm dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021-2023 thêm 2% (mức giảm chủ yếu trong giai đoạn 2021-2022) khi doanh số của mảng C&G thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi trong bối cảnh dịch COVID-19 làm gián đoạn nhu cầu. Trong khi đó, giá bán trung bình (ASP) của cá tra phi lê và biên lợi nhuận gộp đang có xu hướng cao hơn kỳ vọng trước đây của chúng tôi trong bối cảnh nhu cầu phục hồi mạnh mẽ tại thị trường Mỹ.

Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E trung bình của VHC trong giai đoạn 2021-2022 là 10,9 lần so với P/E trượt trung bình 5 năm của công ty là 7,5 lần. Chúng tôi cho rằng việc đánh giá lại sẽ được đảm bảo do đóng góp lợi nhuận lớn hiện tại của mảng C&G (chiếm 33% trong năm 2021 so với 0% trong năm 2017) và quan điểm của chúng tôi cho rằng mảng kinh doanh này nên được định giá cao hơn so với mảng phi lê cá tra truyền thống của VHC.

Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: Trung Quốc tiếp tục thắt chặt các quy định nhập khẩu do lo ngại về việc dịch COVID-19 lây lan từ thủy sản đông lạnh nhập khẩu; doanh số của mảng C&G thấp hơn kỳ vọng.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục