Dòng tiền dịch chuyển trên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền có xu hướng chuyển dịch sang nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, xa hơn là đón đầu các nhóm ngành hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Dòng tiền dịch chuyển trên thị trường chứng khoán

Nhiều nhóm ngành chịu tác động bởi bệnh dịch

Hàng loạt cổ phiếu “dòng bank” như VCB, VPB, CTG, BID… đã ghi nhận mức giảm giá từ 10 - 15% kể từ vùng đỉnh. Tuy vậy, việc dịch bệnh kéo dài dấy lên lo ngại doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ dẫn đến nợ xấu và khó đòi của các ngân hàng tăng lên trong các quý tới khiến nhóm cổ phiếu này giảm sức hút với nhà đầu tư.

Sau nhịp điều chỉnh vừa qua, P/E của thị trường đã về khoảng 17 - 18 lần, cách khá xa so với mức 22 lần tại vùng đỉnh năm 2018.

Mặc dù thị trường đã có phiên phục hồi trong tuần qua nhưng thanh khoản tiếp tục là điều mà nhiều nhà đầu tư lo ngại khi giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ loanh quanh trong khoảng 15.000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều giai đoạn trước, cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài quan sát.

Đợt bùng phát dịch bệnh lần này bắt đầu từ cuối tháng 4, ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, dòng tiền còn tốt, nên chỉ số chứng khoán vẫn đi lên. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư có tư duy rằng dịch bệnh càng nặng thì chứng khoán càng tăng. Nhưng từ đầu tháng 7 tới nay, khi dịch bệnh bùng phát rộng hơn, những ảnh hưởng đến nền kinh tế rõ ràng hơn và chỉ số chứng khoán đã vào vùng đỉnh thì những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến chỉ số là không thể tránh khỏi.

Nói như ông Nguyễn Văn Dũng, nhà đầu tư có thâm niên trên thị trường chứng khoán thì “nếu dòng tiền khỏe thì cớ gì vô lý cũng thành hợp lý cho thị trường tăng giá”.

Theo dõi diễn biến dòng tiền, ông Dũng cho rằng, nếu không có dịch bệnh, cũng sẽ có một cái cớ nào đó để thị trường chứng khoán có thể điều chỉnh. Trong những ngày vừa qua, dịch bệnh là chất xúc tác mạnh khiến đà bán tháo hốt hoảng, quyết liệt hơn và mức độ giảm mạnh hơn mà thôi.

Có một điểm ông Dũng lưu ý, năm 2020, Việt Nam phòng chống dịch rất tốt, khác hẳn phần còn lại của thế giới. Hiện tại, có thể nói đây là đợt dịch nghiêm trọng đầu tiên của chúng ta. Do đó, đối với thế giới, những điều tồi tệ nhất có vẻ đã ở lại, còn chúng ta thì mới bắt đầu. Điều đó cũng sẽ dẫn đến nền kinh tế của chúng ta bị lệch pha nhất định so với thế giới.

Vậy có sự liên quan giữa đỉnh dịch và đáy chứng khoán hay không?

Trước hết, thị trường chứng khoán không thể tách rời nền kinh tế. Ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2021 là rất rõ nét.

Trong những tháng vừa qua, mặc dù áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tương đối quyết liệt, nhưng đà lây lan của dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam vẫn phức tạp, buộc Chính phủ phải áp dụng Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Điều này sẽ có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của vùng, khi các hoạt động dịch vụ không thiết yếu bị tạm dừng, cũng như các cơ sở sản xuất chỉ được hoạt động khi đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.

Các tỉnh phía Nam chiếm gần 40% dân số và 60% GDP toàn quốc, do vậy, tác động đến tăng trưởng của cả nước trong 6 tháng cuối năm là rất lớn.

Trong kịch bản cơ sở, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đưa ra dự báo, nếu Việt Nam dập dịch thành công trong quý III thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 5,8 - 6,0%, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ là 6,5% và tiệm cận mức kế hoạch của Quốc hội là 6,0%.

Riêng quý III, do chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh, tăng trưởng GDP của cả nước có thể chỉ đạt mức 4,7 - 5,0%, giảm mạnh so với mức 6,6% của quý II/2021 và 5,6% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Triển vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn có thể chịu tác động tiêu cực bởi làn sóng thứ 4, đặc biệt trong những ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, vận tải, hàng không, du lịch, lữ hành.

Ban đầu, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng trưởng 30% trong năm 2021, song đợt dịch bệnh này đang kéo dài và tác động tiêu cực nặng nề hơn dự kiến sẽ làm chậm đà phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Khi tăng trưởng của các doanh nghiệp chậm lại, thị trường chứng khoán có thể chịu áp lực điều chỉnh khi nhà đầu tư bán ra nhằm tăng tỷ lệ nắm giữ tiền mặt, giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư. Dòng tiền mới đổ vào thị trường có thể chững lại khi rủi ro tăng lên.

Dòng tiền chuyển hướng

Chọn cổ phiếu ngành nào còn dư địa tăng đang là trăn trở của nhiều nhà đầu tư lúc này. Nhà đầu tư kinh nghiệm có thể tính toán được sự chuyển dịch của dòng tiền dựa trên những phân tích về mặt cơ bản. 6 tháng đầu năm đã qua và bây giờ là lúc giới đầu tư nhìn nhận về triển vọng của các doanh nghiệp trong giai đoạn nửa cuối năm.

Nếu dịch bệnh chưa sớm được kiểm soát, tăng trưởng lợi nhuận 2 quý cuối năm 2021 của nhiều ngành sẽ giảm đáng kể, khi so sánh với nền lợi nhuận nửa cuối năm 2020, thời điểm Việt Nam kiểm soát dịch khá tốt.

Việc lựa chọn cổ phiếu các ngành để phân bổ đầu tư trong thời gian tới cần phù hợp, với việc đảm bảo còn tiềm năng nhưng vẫn phải phòng thủ ở mức độ nhất định.

Nhóm ngân hàng đã “lĩnh xướng” thị trường từ đầu năm đến nay, sẽ khó tìm những nhóm ngành đủ mạnh như vậy để thay thế. Nhìn vào chuyển động của dòng tiền trong hai tuần trở lại đây, đã xuất hiện các nhóm cổ phiếu bán lẻ, dầu khí hay khu công nghiệp dù rằng đây có thể chỉ là sự dịch chuyển dòng tiền ngắn hạn và chưa rõ nhóm ngành nào sẽ đóng vai trò dẫn dắt.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nhóm cổ phiếu ngân hàng khả năng gặp áp lực trong hai quý cuối năm do việc phải hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và rủi ro trích lập dự phòng. Ngược lại, những nhóm ngành diễn biến kém khả quan hơn trong nửa đầu năm là bất động sản hay hàng tiêu dùng nhìn chung đang tỏ ra hấp dẫn.

Một số cổ phiếu trong ngành bất động sản được HSC quan tâm như VHM, VRE, KBC, DIG với lưu ý, sau dịch bệnh ở các nước, đặc biệt ở Mỹ, giá nhà tăng rất mạnh. Hàng không (ACV, quản lý các cảng hàng không nên rủi ro thấp); bán lẻ (PNJ, MSN), cảng biển (GMD); ngành phòng thủ như điện (REE, POW), công nghệ (FPT)… là ngành có triển vọng hồi phục mạnh sau dịch bệnh.

Trong ngành ngân hàng, thép, vận tải, hóa chất…, HSC cho rằng, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp tốt và rẻ để đầu tư.

Dòng tiền có xu hướng đổ mạnh vào nhóm ngành tiêu dùng thiết yếu, dược phẩm là khá hợp lý.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Vietinbank

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Vietinbank nhận xét, việc dòng tiền có xu hướng đổ mạnh vào nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, dược phẩm là khá hợp lý khi nhà đầu tư đã có kinh nghiệm từ đợt dịch năm 2020.

Tuy vậy, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư khi không phải mặt hàng nào cũng tăng giá, đặc biệt khi Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kìm hãm đà tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như nông sản, thủy sản... trong giai đoạn dịch bệnh.

Ngoài ra, theo ông Khang, dòng tiền cũng tìm đến các cổ phiếu thuộc lĩnh vực công nghệ, bán lẻ khi xu hướng làm việc tại nhà và sử dụng dịch vụ online khi mua bán hàng hóa trở nên phổ biến. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng ghi nhận sự tham gia mạnh trở lại, nhất là với các doanh nghiệp có động lực tăng trưởng đến từ việc bàn giao các dự án trong năm 2021.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục