Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/5

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu nhà đầu tư cần quan tâm trước phiên 29/5 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/5

HVG: Khuyến nghị mua vào

CTCK Vietcombank (VCBS)

Mảng cá tra xuất khẩu được kỳ vọng là mảng chính mang lại lợi nhuận cho HVG khi mà mảng thức ăn chăn nuôi của VTF sẽ khó có đột phá trong 2014. Với việc sở hữu vùng nuôi đáp ứng từ 70%-75% nhu cầu nguyên liệu cho cả năm 2014, cộng với việc giá cá nguyên liệu kỳ vọng thấp hơn 20.000 đồng/kg do nắm giữ nhiều khâu quan trọng trong chuỗi giá trị của ngành (sở hữu công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn VTF hay HTN, là nhà nhập khẩu bánh dầu đậu nành lớn nhất Việt Nam….), chúng tôi nhận định giá vốn hàng bán của HVG sẽ không có nhiều biến động trong 2014, theo đó biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận trước thuế sẽ hoàn thành phụ thuộc vào giá xuất khẩu.

Theo doanh nghiệp, giá xuất khẩu cho các hợp đồng sẽ giao trong quý II/2014 đã tăng 8% so với cuối 2013 và dự kiến sẽ còn tăng trong giai đoạn cuối năm khi tổng cung của ngành tiếp tục sụt giảm. Do đó chúng tôi cho rằng động lực chính của tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 2014 sẽ đến từ mảng xuất khẩu cá tra, theo đó mức đóng góp ước tính của mảng này trong tổng doanh thu có thể đạt xấp xỉ 4.526 tỷ đồng(+19% so với năm ngoái, đóng góp 36% tổng doanh thu) với tăng trưởng chính đến từ các thị trường Colombia (ước tăng 42% so với năm ngoái), vương quốc Anh (ước tăng 62% so với năm ngoái), Nga (ước tăng 32% so với năm ngoái)…, lợi nhuận gộp của mảng dự báo ở mức 697 tỷ đồng (biên lợi nhuận gộp đạt 15%).

Giả định mảng thức ăn và phụ phẩm không có nhiều đột biến, kết hợp kết quả kinh doanh quý I và triển vọng kinh doanh quý II, chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế 2014 của Hùng Vương group có thể đạt 620 tỷ đồng (+108%, hoàn thành 89% kế hoạch), theo đó lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ vào khoảng 520,8 tỷ đồng. Với khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân cho 2014 ước tính khoảng 127.300.000 cổ phiếu, chúng tôi dự báo EPS forward 2014 vào khoảng 4.085 đồng/cp. Với mức giá đóng cửa ngày 26/05/2014 là 23.900 đồng/cp, P/E forward của HVG sẽ vào khoảng 5,87 lần, khá thấp so với mức 8 lần trung bình ngành. Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu HVG trên quan điểm đầu tư dài hạn.

VNM: Khuyến nghị mua vào

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Là một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay, Vinamilk sẽ khó tiếp tục đạt được mức tăng mạnh như các năm quá khứ. Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ làm cho Công ty phải bỏ ra nhiều chi phí hơn để duy trì thị phần. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đánh giá cao về triển vọng dài hạn của doanh nghiệp nhờ (1) ngành sữa Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay vẫn được dự báo có mức tăng bình quân từ 7% - 8% về sản lượng trong giai đoạn 2014 – 2018 (BMI).

Với hệ thông phân phối rộng, độ nhận diện thương hiệu tốt và công suất nhà máy vẫn còn dư, Vinamilk có thể tăng sản lượng tiêu thụ theo tốc độ tăng của thị trường (2) Với quy mô sản xuất lớn, mức độ tự động hóa cáo, Vinamilk có được biên lợi nhuận tốt hơn các doanh nghiệp cùng ngành (3) tiềm lực tài chính mạnh tạo điều kiện cho Vinamilk phát triển vùng nguyên liệu tăng khả năng tự cung cấp cũng như nắm bắt được những cơ hội đầu tư thuộc ngành sữa cả trong và ngoài nước để gia tăng lợi nhuận.

Do đó, chúng tôi tiếp tục duy trì đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam, với giá mục tiêu là 144.000 đồng/cp. Tại mức giá giao dịch 126.000 đồng/cp ngày 22/05, PE forward ở mức 17 lần trên EPS dự báo 2014.

>> Tải báo cáo

FPT: Khuyến nghị mua vào

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kết thúc Quý I/2014, doanh thu FPT đạt 7.361 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013, lợi nhuận trước thuế đạt 581 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ. Doanh thu Quý I của tập đoàn tăng mạnh chủ yếu do tăng trưởng doanh thu của hoạt động thương mại.

Chúng tôi cho rằng tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực phân phối bán lẻ sẽ đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng doanh thu của FPT trong năm 2014. Các lĩnh vực công nghệ và viễn thông vẫn giữ được tăng trưởng ổn định trong năm nay. Biên lợi nhuận sẽ giảm do công ty phải tăng chi phí khấu hao và chi phí nghiên cứu phát triển. Theo đó, ước tính FPT có thể đạt 32.054 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 18,6% và 2.748 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 9,2%. EPS 2014 ước đạt khoảng 5.144 đồng/cp (được tính sau khi FPT thưởng cổ tức bằng cổ phiếu 25%).

Trong ngắn hạn 2014, chúng tôi dự báo FPT sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khoảng 10,08%. Với mục tiêu ngắn hạn, mức giá hiện nay của FPT là 45.200 đồng/ cổ phiếu, tương đương P/E 2014 dự báo ở mức 8,78 lần, là mức hấp dẫn với một bluechip dẫn đầu ngành công nghệ như FPT.

Về dài hạn, cổ phiếu FPT là một cổ phiếu tốt, nhiều tiềm năng, bản thân FPT cũng đang là doanh nghiệp đứng đầu ngành công nghệ ở Việt Nam. FPT đang có chiến lược toàn cầu hóa là một chiến lược đúng đắn và nó cho thấy ban lãnh đạo của FPT có một tầm nhìn rộng và sâu. Vì vậy, chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu FPT cho mục tiêu đầu tư trong cả ngắn và dài hạn. Mức giá kỳ vọng dài hạn đối với cổ phiếu FPT chúng tôi xác định vào khoảng 61.700 đồng/cổ phần.

>> Tải báo cáo

PHR: PE được định giá khoảng 6,2x

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

PHR đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 với tổng doanh thu hơn 400 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 26,4% kế hoạch năm. Tuy giá bán bình quân giảm 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 48 triệu đồng/tấn nhưng sản lượng tiêu thụ quý I/2014 đã tăng 46,5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 6.808 tấn. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp 3 điểm % xuống còn 23,2% trong quý I/2013.

Các hoạt động thanh lý vườn cây và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, cụ thể là chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/Doanh thu quý I/2014 ở mức 6,9% giảm nhẹ so với quý I/2013. Lợi nhuận khác quý I/2014 tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 15,3 tỷ đồng chủ yếu là do công ty đẩy mạnh hoạt động thanh lý vườn cây cao su già trong lúc giá mủ cao su còn rẻ. Ngoài ra, tỷ lệ thuế TNDN bình quân quý I/2014 giảm từ xuống chỉ còn 22% (từ 28% quý I/2013). Do đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 64,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 76,7 tỷ đồng, hoàn thành 36,3% kế hoạch năm.

Cổ tức vẫn là điểm sáng. ĐHCĐ của PHR đã thông qua kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 20%-30% mệnh giá, tương đương với lợi tức cổ tức 7,2% và 10,7%, khá cao so với mặt bằng lãi suất ngân hàng. Chúng tôi cho rằng kế hoạch cổ tức 30% là khả thi do tỷ lệ chi trả cổ tức (payout ratio) ước tính khoảng 66% là tương đối hợp lý do PHR không phải đầu tư nhiều vào các dự án nữa, đặc biệt là dự án mở rộng diện tích Phước Hòa Kampong Thom (đã hoàn thành trên 99%). Ngoài ra, đến cuối quý I/2014, lượng tiền và tuơng đương tiền của PHR khá cao 325 tỷ đồng (tương đương 4.000 VND/cp). Định giá. Với mức giá hiện tại, PHR đang được định giá hợp lý tại PE 2014 là 6,2x, tương đối cao hơn trung bình ngành là 5,4x.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục