Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/5

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/5 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/5

Khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 76.500 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong quý I/2021. Doanh thu thuần đạt 31.177 tỷ đồng (tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 7.005 tỷ đồng (tăng trưởng 204%), lần lượt hoàn thành 26.2% và 38.9% kế hoạch.

Đại hội cổ đông 2021 đánh dấu bước chuyển mình của HPG với định hướng tối ưu hệ sinh thái và đầu tư mở rộng KLH Dung Quất. HPG chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức 2020 (5% tiền và 35% cổ phiếu) là 31/05/2021, thanh toán vào 11/06/2021

Bên cạnh đó, các nhà máy vận hành 100% công suất. Sản lượng tiêu thụ tháng 4 khả quan. Giá bán liên tục tăng để phản ánh đà tăng của chi phí nguyên liệu, đặc biệt trong T4 và tháng 5/2021.

Các biện pháp “hạ nhiệt” giá thép đang được chính phủ nghiên cứu không phải rủi ro lớn trong ngắn hạn với Hòa Phát, đồng thời tích cực trong trung hạn.

BSC dự báo doanh thu 2021 của HPG đạt 147.209 tỷ đồng (tăng 63,3% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 31.015 tỷ đồng (tăng trưởng 130,8%), tương đương EPS 8.893 đồng/CP (giả định trích quỹ khen thưởng phúc lợi 5%).

BSC duy trì khuyến nghị mua với HPG và nâng giá mục tiêu năm 2021 lên 76.500 đồng/CP (+5% so với giá mục tiêu trong Báo cáo Ngành quý II/2021) do (1) nâng dự báo kết quả kinh doanh của Công ty năm 2021 thêm 23%;

(2) giảm P/E mục tiêu từ 10.0 về 9.0 lần và EV/EBITDA từ 7.0 về 6.0 lần để phán ánh dự báo tăng trưởng lợi nhuận giảm trong 2H2021 và khả năng lợi nhuận giảm trong năm 2022 khi mặt bằng giá thép và nguyên liệu dần về mức trung bình (BSC dự báo lợi nhuận 2022 giảm 18% so với năm trước).

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu CTS nằm tại mức 20

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu CTS của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam đang ở trong trạng thái tăng giá trở lại sau khi có giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn vào nửa cuối tháng 4.

Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 đồng thời đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 nên cổ phiếu tiềm năng sẽ duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của CTS nằm tại khu vực xung quanh 17. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 20, cắt lỗ nếu ngưỡng 16.5 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị mua cổ phiếu MSN với giá mục tiêu 121.600 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tập đoàn Masan (MSN) công bố công ty con mà MSN sở hữu 100% cổ phần là The Sherpa đã ký kết thỏa thuận mua lại 20% Công ty cổ phần Phúc Long Heritage - công ty sẽ sở hữu thương hiệu Phúc Long. Giá trị giao dịch là 15 triệu USD.

Với 82 cửa hàng ở thời điểm hiện nay, Phúc Long là một trong những chuỗi trà và cà phê hàng đầu ở Việt Nam, cùng với Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng). Phúc Long đặc biệt được biết đến bởi các sản phẩm nước uống từ trà.

Trước khi có giao dịch này, Masan và Phúc Long từ đầu năm 2021 đã thí điểm mô hình "Kiosk Phúc Long" tại 4 cửa hàng VinMart+ với mỗi kiosk có diện tích từ 8 đến 10 mét vuông và tập trung bán các sản phẩm chạy nhất của Phúc Long.

Trong khuôn khổ giao dịch này, VCM (công ty con mảng bán lẻ của MSN) đã thiết lập Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược với Phúc Long, theo đó hai bên cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. Trong đó, Kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+.

MSN và Phúc Long hướng đến việc mở tổng cộng 1.000 Kiosk Phúc Long trong 18-24 tháng tới. Dựa trên các kế hoạch này cũng như kết quả thí điểm những cửa hàng đầu tiên, hợp tác này có thể góp phần tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống cửa hàng VinMart+ hơn 4,0% so với mức hiện tại, theo MSN.

Chúng tôi cho rằng giao dịch và hợp tác chiến lược này là động thái tích cực dành cho MSN bởi vì (1) bản thân Phúc Long có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ thương hiệu mạnh của công ty, đặc biệt với giới trẻ, trong bối cảnh thị trường bán lẻ F&B của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh (hơn 10%/năm, theo MSN) và sự hiện diện của các chuỗi là chưa nhiều so với các thị trường khác, và (2) khả năng đóng góp đáng kể của mô hình Kiosk Phúc Long vào biên lợi nhuận trong dài hạn của VCM.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua với giá mục tiêu 121.600 đồng/CP dành cho MSN.

Khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 214.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) công bố kết quả kinh doanh 4 tháng năm 2021, bao gồm doanh thu đạt 40 nghìn tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 1,7 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 26%). Kết quả kinh doanh này tương ứng doanh thu đạt 9,6 nghìn tỷ đồng (tăng 23%) và lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng (tăng 69%) trong tháng 2/2021.

Chúng tôi lưu ý rằng kết quả kinh doanh tháng 4/2020 là mức cơ sở so sánh thấp bất thường do các biện pháp giãn cách xã hội liên quan đến dịch COVID-19 yêu cầu hơn 600 cửa hàng thế giới di động/điện máy xanh phải đóng cửa trong nửa đầu tháng và hơn 300 cửa hàng thế giới di động/điện máy xanh phải đóng cửa trong tuần thứ ba của tháng.

Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm dự báo hiện tại – dù cần thêm đánh giá chi tiết – khi lợi nhuận sau thuế 4 tháng năm 2021 hoàn thành 31% dự báo cả năm của chúng tôi cho với mức 36% và 37% lần lượt trong 4 tháng năm 2018 và 4 tháng năm 2019 (kết quả kinh doanh hàng tháng của năm 2020 biến động do dịch COVID-19).

Chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh kém tích cực so với dự báo của chúng tôi do khoản lỗ lớn hơn dự kiến của chuỗi bách hóa BHX. Ngoài ra, dịch COVID-19 tái bùng phát gần đây tại Việt Nam vào cuối tháng 4/2021 cũng dẫn đến rủi ro giảm đối với chi tiêu của khách hàng cũng như lưu lượng khách đến cửa hàng – đặc biệt là mảng ĐTDĐ và điện máy.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho MWG với giá mục tiêu 214.100 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 47,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,0%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Khuyến nghị mua cổ phiếu PHR với giá mục tiêu 68.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) đã công bố các nghị quyết HĐQT, trong đó có các đề xuất trình ĐHCĐ 2021 thông qua.

Theo các nghị quyết, PHR đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 của công ty mẹ ở mức 865 tỷ đồng (giảm 25% so với năm ngoái), cao hơn 15% so với kế hoạch trước đây là 751 tỷ (giảm 35%) được đề xuất vào đầu năm 2021. Ngoài ra, PHR đặt kế hoạch mức cổ tức tiền mặt tối thiểu 4.000 đồng/CP cho năm tài chính 2021.

Mặc dù PHR chưa đưa ra kế hoạch về lợi nhuận hợp nhất năm 2021, kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng cho năm 2021 của PHR hoàn thành 81% dự báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2021 của chúng tôi.

Chúng tôi tin rằng công ty mẹ của PHR đóng góp chính vào lợi nhuận hợp nhất do công ty trực tiếp quản lý đất cao su, tạo ra thu nhập từ nhận đền bù chuyển đổi đất cao su sang phát triển khu công nghiệp.

Ngoài ra, HĐQT đề xuất trả cổ tức tiền mặt 4.500 đồng/CP cho năm 2020 - tương đương với lợi suất cổ tức 8,2% - cao hơn mức giả định hiện tại của chúng tôi là 4.000 đồng/CP. Ngoài ra, PHR đề xuất phân bổ quỹ khen thưởng và phúc lợi 75 tỷ đồng (giảm 27%) cho năm 2020 -tương ứng 7,9% thu nhập ròng của công ty mẹ của PHR năm 2020 so với kỳ vọng hiện tại của chúng tôi là 20%.

PHR cũng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế công ty mẹ khá thấp là 30 tỷ đồng trong quý 2/2021, phù hợp với kỳ vọng hiện tại của chúng tôi và cho thấy sẽ không có chuyển đổi đất cao su sang Khu công nghiệp VSIP III trong quý này. Chúng tôi lưu ý rằng PHR đã nhận được 150 tỷ đồng tiền tạm ứng từ VSIP III cho việc chuyển đổi, khoản này sẽ được ghi nhận là thu nhập khác khi Khu công nghiệp VSIP III nhận được phê duyệt phương án chuyển đổi đất từ tỉnh Bình Dương.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua đối với PHR với giá mục tiêu 68.800 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời cổ phiếu dự kiến là 33,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,3%.

Khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 120.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố hợp tác với nhà sản xuất và bán lẻ trang sức Đan Mạch - Pandora để bán sản phẩm của thương hiệu này tại các cửa hàng PNJ.

Là một phần của sự hợp tác này, PNJ sẽ triển khai các quầy chuyên bán sản phẩm Pandora tại 3 trong số các cửa hàng PNJ, bao gồm 2 cửa hàng flagship PNJ Next ở TP.HCM và một cửa hàng PNJ Center tại tỉnh Bình Dương vào ngày 27/05/. Ban lãnh đạo chưa tiết lộ thêm chi tiết về cấu trúc chia sẻ lợi nhuận của quan hệ đối tác này.

Chúng tôi đánh giá diễn biến này là tích cực đối với PNJ vì (1) công ty có thể tận dụng thương hiệu Pandora để thu hút khách hàng đến các cửa hàng PNJ và (2) Pandora sẽ tăng cường khả năng tiếp cận người tiêu dùng trẻ (25-35 tuổi) có thu nhập trung bình và cận cao cấp của PNJ. Chúng tôi lưu ý rằng cơ sở khách hàng chính của PNJ là từ 35 - 55 tuổi.

Dựa theo trang web của Pandora, thương hiệu này hiện có 11 cửa hàng ở TP. HCM và Hà Nội, hầu hết là ở các trung tâm thương mại.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua với giá mục tiêu 120.000 đồng/CP cho PNJ, tương ứng tổng mức sinh lời dự kiến là 19,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,0%, dựa theo giá đóng cửa ngày 24/5.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHM

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với CTCP Vinhomes (VHM) khi chúng tôi tiếp tục cho rằng công ty có vị thế tốt để tận dụng câu chuyện tăng trưởng bất động sản nhà ở của Việt Nam trong dài hạn nhờ vị thế dẫn đầu thị trường, quỹ đất lớn và phát triển các dự án đa mục đích độc đáo.

Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 5,5% lên 135.000 đồng/CP, chủ yếu là do cập nhật giá mục tiêu đến giữa năm 2022 và tỷ lệ WACC thấp hơn giúp bù đắp cho dư nợ cao hơn tính đến quý 1/2021.

Chúng tôi phần lớn giữ nguyên dự báo kết quả kinh doanh năm 2021 của chúng tôi với lợi nhuận sau thuế (trước lợi ích cổ đông thiếu số) là 31 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiếu số ở mức 30,1 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 10%).

Chúng tôi duy trì kỳ vọng rằng lợi nhuận năm 2021 sẽ chủ yếu nhờ (1) tiếp tục bàn giao tại 3 dự án lớn hiện tại cho cả các khách hàng bán lẻ và bán buôn và (2) kỳ vọng của chúng tôi về doanh số bán hàng tại các dự án lớn mới ở Hà Nội, bao gồm Wonder Park, Dream City và Cổ Loa.

Chúng tôi kỳ vọng (1) 3 dự án lớn hiện tại (Ocean Park, Smart City và Grand Park - tổng số căn còn lại chiếm khoảng 30% tổng số căn của dự án) sẽ tiếp tục thực hiện bán lẻ và bán buôn trong các quý tới và ( 2) các dự án mở bán mới tại Wonder Park và Dream City sẽ thực hiện vào cuối năm 2021. Do đó, chúng tôi duy trì dự báo doanh số bán hàng năm 2021 với mức phục hồi mạnh mẽ, đạt 90 nghìn tỷ đồng (tăng 40% theo năm).

Yếu tố hỗ trợ chính: Mở bán nhanh hơn dự kiến cho các siêu đại dự án (quy mô quỹ đất lớn hơn 3.000 ha), bao gồm dự án Hạ Long Xanh và Long Beach Cần Giờ.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: chu kỳ giảm của thị trường bất động sản; chi phí đất và xây dựng thực tế cao hơn dự kiến của chúng tôi.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục