VCB: Xem xét mua vào khi giá điều chỉnh về vùng 44-45
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Đồ thị VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã xuất hiện tín hiệu cho thấy khả năng hình thành nhịp tăng, khi đường giá cắt ra biên trên của Bollinger Bands, đồng thời hai biên đang mở rộng ra.
Tín hiệu tương tự cũng xuất hiện trên đồ thị theo khung thời gian tuần. Bên cạnh đó, VCB cũng cắt lên cả đường MA100 trên đồ thị này.
Trước đó, VCB đã phá vỡ đường xu hướng giảm trung hạn bắt đầu từ 07/2015, với khối lượng giao dịch đột biến (tăng hơn 200% so với phiên trước và gấp hơn 2.9 lần mức bình quân 20 phiên).
Tuy nhiên, giá VCB cũng sắp tiếp cận đến vùng cản 46.8-47.3, vùng có sự hiện diện của ngưỡng Fibonacci Retracement 78.6% (của nhịp giảm từ tháng 11/2015 đến 01/2016) và các đỉnh/đáy xác lập trong nhiều giai đoạn trước đó. Do đó, nhịp tăng của VCB có thể tạm thời chững lại khi chạm đến vùng kháng cự này.
Khả năng duy trì xu hướng tăng (được xác lập bởi các tín hiệu kỹ thuật như đề cập ở trên) sẽ phụ thuộc vào mức độ tích cực của khối lượng giao dịch trong các phiên giao dịch sắp tới.
Vì vậy, nhà đầu tư có thể xem xét mua vào khi giá điều chỉnh về vùng 44-45, với khối lượng giao dịch tích cực (duy trì trên 850,000 cổ phiếu/phiên). Kỳ vọng giá có thể tăng lên test lại vùng đỉnh 49.3-50. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 42.
MWG: Khuyến nghị mua vào
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)
Doanh thu 3 tháng đầu năm 2016 của CTCP Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) tăng 75% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng mạnh 79%, lần lượt hoàn thành 28% và 30% kế hoạch năm 2016 của công ty.
Tính riêng trong tháng 3/2016, MWG đã mở thêm 49 cửa hàng Thegioididong và 3 cửa hàng Điện máy Xanh mới. Trong khi hệ thống cửa hàng điện thoại di động của MWG tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt thì kết quả kinh doanh của chuỗi điện máy gia dụng ở mức thấp hơn so với ước tính của chúng tôi.
Mặc dù dự phóng một số mảng có sự sai lệch so với kết quả thực tế, về tổng thể, kết quả kinh doanh MWG vẫn tăng trưởng vượt dự phóng của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA và giá mục tiêu là 99.000 đồng/cổ phiếu.
FCN: Khuyến nghị mua vào
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)
ĐHCĐ thường niên CTCP FECON (FCN – HSX) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất tăng trưởng 57% so với năm 2015, đạt 2.600 tỷ đồng. Tuy nhiên kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ tăng 12%, đạt 173 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận ròng đạt 6,7%. Cổ tức dự kiến duy trì ở mức 10% bằng tiền mặt.
FCN đặt kế hoạch lợi nhuận khá thận trọng do tình hình cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc ngày càng cao trong các mảng thi công cọc và xử lý nền khiến công ty cần điều chỉnh về giá dịch vụ.
Về kế hoạch 2016 - 2018, FCN sẽ đẩy mạnh hoạt động thi công công trình ngầm và thi công hạ tầng với mục tiêu doanh thu mỗi mảng sẽ tăng trưởng với CAGR lần lượt là 172% và 78%, cao hơn mức 26% của tổng doanh thu hợp nhất. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dự kiến đạt 295 tỷ đồng trong năm 2018, tương ứng với mức tăng trưởng CAGR khoảng 20% trong giai đoạn 2015 – 2018.
Trong quý I/2016, FCN ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 260 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, chỉ đạt 10% kế hoạch do quý 1 thường là thời gian thấp điểm do vướng lịch nghỉ Tết dài ngày. Tuy vậy, theo lãnh đạo công ty, phần doanh thu đã thực hiện tương đối bám sát kế hoạch đã đề ra. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 26 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái, đạt 15% kế hoạch năm. Trong cuộc trao đổi trước đó của chúng tôi với ban lãnh đạo công ty, tổng giá trị hợp đồng dự án trong năm 2016 dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng.
ĐHCĐ cũng đã thông qua kế hoạch nới room lên trên 49%. Thời gian cũng như tỷ lệ nới room sẽ được ủy quyền cho HĐQT quyết định. Tuy nhiên, ông Phạm Việt Khoa, chủ tịch HĐQT, cũng lưu ý FCN sẽ có thể chỉ nới tối đa 70%, thay vì 100% như thông tin chúng tôi có được trước đó trong cuộc gặp với một thành viên ban lãnh đạo.
FCN hiện đang giao dịch tại mức P/E 2015 là 7,2 lần và P/E 2016 là 6,0 lần theo dự phóng của chúng tôi. VPBS duy trì khuyến nghị MUA với FCN với giá mục tiêu là 25.700 đồng/cổ phiếu.
TMT: Khuyến nghị mua vào
CTCK BIDV (BSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu TMT của CTCP Ô tô TMT như trong báo cáo quý II với giá mục tiêu 52.500 đồng/CP (upside 31%).
Tại 25/4, cổ phiếu TMT đang giao dịch ở mức 39,600, tương đương với P/E forward = 5.08x, thấp hơn mức P/E trung bình hiện tại của ngành = 6x.
Chúng tôi cho rằng kế hoạch kinh doanh 2016-2017 là khả thi nhờ các kế hoạch phát triển trung hạn rõ ràng, động lực lớn từ việc hợp tác với Sinotruk trong mảng xe tải hạng trung và hạng nặng, vốn chủ yếu đang được nhập khẩu.
Định hướng đúng đắn trong việc phát triển sang thị trường miền Nam, vốn là thế mạnh của đổi thủ THACO, sẽ giúp doanh nghiệp tăng nhanh thị phần và duy trì mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên lưu ý tính cạnh tranh của thị trường ngày càng tăng cao khi thuế nhập khẩu xe theo lộ trình giảm về 0% vào 2018-2019.