BHS: Lợi nhuận ước đạt 92,7 tỷ đồng
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
CTCP Đường Biên Hòa (BHS) vừa công bố ngày giao dịch không hưởng quyền để tham dự ĐHCĐ bất thường niên độ 2014/2015 là 27/05/2015. Dự kiến ngày tổ chức Đâị hội trong khoảng từ 19/6 – 30/6/2015. Nội dung nổi bật của cuộc họp lần này là báo cáo tiến độ triển khai việc sáp nhập CTCP Đường Ninh Hòa (NHS) và BHS.
Trước đó, tại ĐHCĐ 2014 BHS dự kiến sẽ phát hành thêm 60,75 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của NHS để hoán đổi lấy 100% tổng số cổ phần của NHS. Tại thời điểm đó, BHS đang sở hữu 0,66% của NHS nên số lượng cổ phần thực tế hoán đổi là 60,35 triệu cổ, tương ứng tỷ lệ 1:1. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của BHS sẽ tăng lên 1.233 tỷ đồng, +96%. Mô hình hoạt động dự kiến của BHS và NHS là công ty mẹ -công ty con.
Trong gần 1 năm qua, hồ sơ pháp lý về thương vụ sáp nhập này chưa hoàn tất nên trên thị trường vẫn có 2 mã chứng khoáng BHS và NHS. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sẽ có những thông tin tích cực về tiến độ M&A tại ĐHCĐ bất thường lần này.
Doanh thu thuần 9 tháng của niên độ 2014/2015 của BHS đạt 2.110 tỷ, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng đường và giá bán đường giảm. Nhưng nhờ giá mía nguyên liệu giảm mạnh hơn so với giá bán nên biên lợi nhuận gộp cải thiện 2 điểm phần trăm và lợi nhuận gộp tăng 7% so với cùng kỳ. Ngoài ra, do lỗ từ tài chính giảm 36% so với cùng kỳ do lãi vay giảm và thuế TNDN giảm nên lợi nhuận sau thuế tăng 35% so với cùng kỳ và đạt 72 tỷ. ĐHCĐ niên độ 2014/2015 của BHS đã thông qua kế hoạch niên độ 2014/2015 với doanh thu thuần là 2.840 tỷ và lợi nhuận trước thuế là 93 tỷ, giảm lần lượt 4% và 10% so với 2013/2014. Như vậy kết thúc 9T, BHS đã hoàn thành 74% và 99% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế. Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế niên độ 2014/2015 của BHS là 92,7 tỷ, EPS là 1.472 đồng/cp tương ứng PE 8 lần, tương đương trung bình ngành.
Ngoài ra, theo chuẩn mực kế toán số 11, nếu giá trị khoản đầu tư vào công ty con (ghi nhận trên sổ sách của công ty mẹ) thấp hơn giá trị tài sản thuần của công ty con tại thời điểm sáp nhập, khoản chênh lệch này được xác định là thu nhập khi xác định thu nhập chịu thuế. Hiện tại, giá trị sổ sách của NHS là 15.346 đồng/cp cuối tháng 3/2015. Trong trường hợp thị giá NHS tại thời điểm hoán đổi thấp hơn giá trị sổ sách của NHS thì BHS sẽ ghi nhận 1 khoảng chênh lệch, được xem là lợi nhuận bất thường và khoảng thu nhập này chịu mức thuế suất là 22%.
PPC: PE đang giao dịch ở mức 10,2x
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Theo Nghị quyết ĐHCĐ 2015, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) chi trả cổ tức tiền mặt năm 2014 với tỷ lệ 20%, trong đó 8% đã được tạm ứng vào tháng 1/2015 và 12% còn lại sắp được chi trả. Ngày 22/5/2015 là ngày giao dịch không hưởng quyền chi trả 12% cổ tức tiền mặt lần 2 năm 2014 và thời gian thanh toán là vào ngày 10/6/2015. Công ty cũng đặt kế hoạch trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ giữ nguyên ở mức 20% cho năm 2015. Với tỷ lệ chi trả này, lợi suất cổ tức của PPC khá hấp dẫn, đạt 8,8%.
Kết thúc quý I/2015, PPC ghi nhận lợi nhuận sau thuế 51,4 tỷ, giảm 76,8 so với cùng kỳ năm ngoái. Như chúng tôi nhận định trong bản tin ngày 13/5/2015 (tham khảo bản tin ngày 13/5/2015), lợi nhuận của công ty giảm chủ yếu do giá bán điện thoả thuận với EVN với phần giá cố định được xác định dựa trên chi phí khấu hao bình quân hàng năm đến hết năm 2031, trong khi PPC không thực hiện kéo dài thời gian trích khấu hao tương ứng nên chi phí khấu hao trong quý I/2015 (và trong năm nay) vẫn ở mức cao. Với phương pháp và thời gian khấu hao đang áp dụng, giá trị máy móc thiết bị còn lại ư ớc tính sẽ được khấu hao hết trong năm nay. Chúng tôi dự báo doanh thu 2015 đạt 7.760 tỷ, tăng nhẹ 3,7% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 711,4 tỷ, giảm 31,9% so với năm ngoái, chủ yếu do chi phí khấu hao vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí. Sau khi khấu hao hết phần máy móc thiết bị, chi phí khấu hao từ 2016 sẽ giảm đáng kể, giúp tỷ suất lợi nhuận cải thiện trở lại. Cổ phiếu PPC giao dịch với P/E 2015 10,2x.
DMC: Duy trì khuyến nghị mua vào
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Domesco (DMC) đã công bổ kết quả kinh doanh quý I/2015 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm 30,7% và 8,4% n/n, đạt lần lượt 259,5 và 27,5 tỷ đồng.
Có 2 nguyên nhân chính khiến doanh thu quý I/2015 sụt giảm mạnh, bao gồm:
(1) Doanh thu hàng sản xuất giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I/2014, doanh thu mảng này đã tăng trưởng rất mạnh do DMC đã tiến hành cải tạo nhà máy cũ, giúp tăng thêm hơn 20% công suất. Ngoài ra do DMC bắt đầu tăng giá bán từ tháng 7/2014 nhưng có thông báo trước đến khách hàng nên phần nào đã tạo động lực cho việc mua trữ hàng hoá trước thời điểm tăng giá của công ty.
(2) Doanh thu hàng thương mại giảm 55% so với cùng kỳ, hiện đóng góp khoảng 17% tổng doanh thu cho DMC, so với mức 28% của quý I/2014. DMC định hướng mục tiêu tập trung vào hoạt động sản xuất để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động.
Mặc dù tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu quý I/2015 tăng 2,4 điểm % so với cùng kỳ lên mức 18,7% nhưng nhờ biên lợi nhuận gộp tiếp tục được cải thiện mạnh từ mức 27,1% trong quý I/2014 lên 33% trong quý I/2015, giúp lợi nhuận sau thuế chỉ giảm 8,4% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức giảm của doanh thu. DMC vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc danh mục sản phẩm theo hướng tập trung vào các sản phẩm có hiệu quả cao.
Biên lợi nhuận ròng theo đó cũng duy trì đà cải thiện, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, 10,6% trong quý I/2015, so với mức 8% của quý I/2014 và 8,9% của cả năm 2014.
DMC đặt kế hoạch tăng trưởng nhẹ cho năm 2015 với 1.588 tỷ đồng doanh thu (+6,9% so với năm ngoái) và 140 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+5,8% so với năm ngoái). Kết thúc quý I/2015, DMC đã hoàn thành được 16,3% và 19,7% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận 2015. Chúng tôi vẫn duy trì kỳ vọng DMC sẽ đạt được các chỉ tiêu này.
Về dài hạn, triển vọng của công ty nhìn chung là khá tích cực, nhờ tiềm năng từ dự án nhà máy Non-betalactam mới theo tiêu chuẩn GMP-EU, PIC/S cũng như hoạt động sản xuất nhượng quyền và vai trò hỗ trợ từ cổ đông lớn Abbott trong hoạt động sản xuất, phân phối và đẩy mạnh xuất khẩu.
DMC đang giao dịch mức PE 2015 hấp dẫn, chỉ khoảng 7,4 lần, so với mức 11 lần bình quân ngành. Duy trì khuyến nghị MUA.
PVD: PE đang giao dịch gần 9 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
PVD đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2015 với doanh thu thuần tăng nhẹ 1,7%, đạt 4.396 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty, mặc dù giá cho thuê giàn khoan bình quân giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2014, tuy nhiên giàn khoan PVD VI đi vào hoạt động vào đầu tháng 3/2015 đã đóng góp vào tăng trưởng doanh thu trong quý I/2015 của công ty.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ quý I/2015 của PVD giảm 19,2% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 23,3% trong quý I/2014 xuống chỉ còn 20,2% quý I/2015 chủ yếu là do giá cho thuê giàn bình quân giảm. Trong quý I/2015, lỗ chênh lệch tỷ giá lên đến 39,7 tỷ đồng, tăng từ mức 391 triệu đồng trong 2014 làm chi phí tài chính ròng tăng 20,8% so với cùng kỳ lên 59,6 tỷ đồng. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần duy trì ở mức 5%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ quý I/2015 của PVD giảm 19,2% so với cùng kỳ còn 482 tỷ đồng. Tuy vậy cần lưu ý rằng lợi nhuận của PVD trong quý I/2014 đã tăng trưởng rất ấn tượng ( tăng gần 39% so với cùng kỳ) do giá dầu tại thời điểm này khá cao và thị trường khoan dầu khí vẫn còn rất sôi động.
Doanh thu từ giàn khoan thuê ngoài và dịch vụ liên quan đến khoan có thể tiếp tục giảm trong quý II/2015. Ngoài việc điều chỉnh giá cho thuê giàn khoan kể từ tháng 3/2015, số giàn khoan thuê ngoài bình quân của công ty trong quý II/2014 là khoảng 2,5 giàn, giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2014. Số giàn khoan thuê ngoài giảm có thể sẽ kéo theo các dịch vụ liên quan đến khoan (chiếm khoảng 40% doanh thu và 39% lợi nhuận trước thuế).
Triển vọng dài hạn vẫn được đảm bảo nhờ đầu tư giàn khoan mới. Công ty cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào 1 giàn khoan Tender Barge (PVD VIII) trong 2015. Ngoài ra, PVD cũng đang lên kế hoạch đầu tư vào 1 giàn khác với liên doanh Malaysia (PVD sở hữu 70%). Dự án Lô B Ô Môn (Chevron đã bán lại 50% cho PVN) sẽ mang lại cơ hội lớn cho PVD trong thời gian tới. PVD dự kiến sẽ đưa 1 giàn Tender Barge ( PVD VIII) và 1 giàn tự nâng để phục vụ dự án này. PVD ước tính chi phí đầu tư cho Tender Barge là 120 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2017.
PVD đang giao dịch tại P/E 2015 gần 9 lần so với trung bình ngành trong khu vực khoảng 9,5 lần.
CSM: Khuyến nghị tích cực
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Ghi nhận chi phí cố định từ nhà máy Radial, lợi nhuận quý I giảm mạnh: Kết thúc 3 tháng đầu năm 2015, CSM đạt mức tổng doanh thu 693 tỷ đồng (+0,9% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 55 tỷ đồng (-30% so với cùng kỳ). Doanh thu từ mảng truyền thống ước tính đạt 613 tỷ đồng, giảm 10,5% so với năm trước do CSM đã giảm giá bán, trung bình 5% kể từ đầu năm. Ngoài ra, tiêu thụ lốp Radial vẫn còn thấp, khoảng 15 – 16.000 lốp tương ứng với mức doanh thu ước tính 78 tỷ đồng. BVSC cho rằng biên lợi nhuận gộp đang ở mức 26% cho mảng truyền thống và -8,4% cho lốp Radial.
Bên cạnh đó, BVSC dự báo tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015 của CSM đạt lần lượt 3.485 tỷ đồng (+9,7% so với năm ngoái) và 319 tỷ đồng (-3,6% so với năm ngoái): (i) kỳ vọng sản lượng Radial đạt 100.000 lốp với tín hiệu tiêu thụ khởi sắc trong T4/2015; (ii) giá cao su tự nhiên đầu vào tương ứng giá RSS3 1.800 USD/tấn (tăng 6% so với lần cập nhật trước); (iii) giả định ghi nhận hoàn toàn khoản lợi nhuận đột biến 90 tỷ từ chuyển nhượng tài sản. EPS dự phóng đạt 4.741 đồng/cp và P/E forward 8,1 lần.
Một số cập nhật khác tại ĐHCĐ thường niên 2015:
Dự án Radial bán thép: ĐHCĐ thường niên 2015 CSM đã thông qua kế hoạch di dời và kết hợp đầu tư mở rộng dự án Radial bán thép lên 4.000.000 lốp/năm. Tổng vốn đầu tư lên đến 2.351 tỷ đồng, trong đó 30% vốn tự có và 70% vốn vay. Hiện tại do hạn chế về mặt thông tin, BVSC tạm thời chưa đưa dự án này vào quá trình định giá cũng như dự báo kết quả kinh doanh của CSM trong tương lai. Tuy đây có thể nói là bước đi táo bạo của CSM, chúng tôi có phần quan ngại về khả năng cạnh tranh của dự án khi sự hiện diện của các doanh nghiệp nước ngoài ở phân khúc Radial bán thép cho xe khách là rất lớn.
Cổ tức năm 2014: Tỉ lệ cổ tức 25% tiền mặt và 10% cổ phiếu trích từ nguồn lợi nhuận năm 2014. Chúng tôi cho rằng thời điểm thực hiện có thể rơi vào quý II hoặc quý III/2015. Tỉ lệ cổ tức tiền mặt trên thị giá đạt 6,4%, khá hấp dẫn xét trên mặt bằng chung của các cổ phiếu blue-chips.
Khuyến nghị đầu tư: Kể từ lần cập nhật tháng 11/2014, giá cổ phiếu CSM đã giảm 13,6% từ 45.000 đồng/cp xuống còn 38.900 đồng/cp ngày 21/05/2015, thể hiện mức thặng dư 22,7% so với giá mục tiêu điều chỉnh 47.500 đồng/cp. Xét về chỉ tiêu P/E, CSM đang giao dịch ở mức P/E 2015 và 2016 lần lượt là 8,1 và 7,1 lần – khá hấp dẫn so với mặt bằng cổ phiếu blue-chips hiện nay. Do đó, BVSC nâng khuyến nghị lên OUTPERFORM đối với cổ phiếu CSM với các điểm nhấn đầu tư chính trong năm 2015 bao gồm: (i) tình hình tiêu thụ lốp Radial đang khởi sắc; (ii) lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng tài sản; (iii) chia cổ tức ở tỉ lệ cao 25% tiền mặt và 10% cổ phiếu có thể trở thành động lực tăng giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Về dài hạn, CSM vẫn là khoản đầu tư giá trị tốt với động lực tăng trưởng trong ít nhất 3-4 năm nữa từ dự án Radial.
HLD: Khuyến nghị tích cực
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Năm 2015, HLD đề ra kế hoạch doanh thu 496 tỷ, tăng 4,6% so với năm ngoái, lợi nhuận sau thuế 89 tỷ, tăng 3,7% so với năm ngoái. Trong quý I/2015, HLD đạt doanh thu 105 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 15,8 tỷ, ở mức xấp xỉ cùng kỳ và hoàn thành lần lượt 21% và 18% kế hoạch.
Chúng tôi dự báo HLD sẽ bán hết và ghi nhận khoảng 75% dự án Green House tính đến hết năm 2015. Do đó, 2016 dự báo KQKD của HLD sẽ bị suy giảm khi dự án Green House chỉ còn 20%, trong khi đó dự án khu B Lê Thái Tổ mới chỉ, dự kiến ghi nhận phần nhà thu nhập thấp, biên lợi nhuận dự báo cũng thấp hơn Green House. Chúng tôi ước tính doanh thu 2016 của HLD có thể giảm ít nhất khoảng 10% so với 2015.
HLD là công ty bất động sản có quy mô trung bình. Quỹ dự án của công ty không nhiều nhưng gối đầu nhau, đảm bảo hiệu quả thực hiện với biên lợi nhuận khá, trung bình khoảng 20%. Với mức giá 21.000 đồng/cổ phần, PE forward 2015 của HLD dưới mốc 5, PB dưới 1. Đây là mức định giá hấp dẫn với một cổ phiếu BĐS. Với tình hình tài chính lành m ạnh, kết quả kinh doanh duy trì ổn định, chúng tôi cho rằng cổ phiếu HLD vẫn đang giao dịch dưới giá trị thực. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu HLD.
TRA: Khuyến nghị mua trong trung và dài hạn
CTCK FPT (FPTS)
Chúng tôi tiến hành cập nhật định giá đối với cổ phiếu của CTCP Traphaco (TRA – HOSE) cũng như cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2015 và triển vọng kinh doanh năm 2015 của doanh nghiệp.
Chúng tôi vẫn giữ quan điểm như trong Báo cáo định giá lần đầu về việc năm 2014 là năm tái cấu trúc toàn diện của Traphaco để chuyển từ giai đoạn tăng trưởng nóng sang giai đoạn tăng trưởng bền vững. Kết quả đạt được năm 2014 cũng cho thấy quyết định “hi sinh tăng trưởng” trong 1 năm của ban lãnh đạo TRA là hợp lý khi doanh thu và lợi nhuận đã bắt đầu tăng mạnh trở lại từ quý IV/2014 .
Về triển vọng dài hạn, chúng tôi vẫn đánh giá rất cao mô hình kinh doanh và chiến lược phát triển bền vững của TRA. Trên quan điểm thận trọng, sau khi đã cập nhật dòng tiền đầu tư vào dự án nhà máy mới tại Văn Lâm (Hưng Yên), chúng tôi kỳ vọng giá cổ phiếu TRA sẽ đạt 102.000 đ/cp vào cuối năm 2015 theo phương pháp định giá FCFF, cao hơn 26% so với thị giá hiện tại, do đó, chúng tôi tiếp tục giữ mức khuyến nghị MUA cổ phiếu TRA trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý về thanh khoản khá thấp của cổ phiếu này khi chỉ giao dịch bình quân 2.581 cổ phiếu/phiên trong 3 tháng gần nhất.
>> Tải báo cáo