Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/11

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/11 của các công ty chứng khoán.

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/11

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu TV2 nằm tại mức 55

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu TV2 của Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 ở trong trạng thái tích lũy trung hạn tại khu vực 45-50 trong 3 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, thanh khoản tăng cao trong phiên hôm nay đã giúp cổ phiếu tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Hôm nay 24/11, đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 nên cổ phiếu có thể thiết lập đà tăng mới.

Mặt khác, chỉ báo RSI cũng vừa mới đi vào vùng quá mua báo hiệu tiềm năng xuất hiện áp lực bán ngắn hạn tại vùng cản quanh 50.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của TV2 nằm tại khu vực xung quanh giá 49. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 55, cắt lỗ nếu ngưỡng 48 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị tích cực DRC với giá mục tiêu 26.400 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Cổ phiếu DRC của CTCP Cao Su Đà Nẵng đóng cửa ở mức 20.850 đồng/cp vào 20/11/2020, giao dịch ở mức P/E năm 2021 là 7,8x và EV/EBITDA năm 2021 là 4,8x, chiết khấu 42,5%/24,5% so với mức trung bình lịch sử 5 năm tương ứng là 13,7x/6,4x.

Chúng tôi cho rằng DRC hấp dẫn với sự kết hợp của khả năng sinh lời hàng đầu trong ngành, triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, vị thế tài chính vững chắc và suất cổ tức hấp dẫn.

Duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu 1 năm là 26.400 đồng/cp (lợi nhuận tiềm năng: 33,8%; bao gồm lợi suất cổ tức hấp dẫn 7,2%), định giá công ty ở mức EV/EBITDA năm 2021 hợp lý là 6,0x.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu 95.700 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố kết quả kinh doanh 10 tháng 2020, doanh thu đạt 13,5 nghìn tỷ đồng (tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 817 tỷ đồng (giảm 13%). Tính riêng tháng 10, doanh thu đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 175 tỷ đồng (tăng 35%).

Doanh thu bán lẻ tăng 18% trong tháng 10 (tăng 6% trong 10 tháng 2020), báo hiệu nhu cầu đang phục hồi tốt từ sau đỉnh dịch COVID-19 (tổng doanh thu bán lẻ từ tháng 5 – tháng 10/2020 tăng 15%) được hỗ trợ bởi các hoạt động marketing hiệu quả của PNJ.

Kết quả kinh doanh tích cực của PNJ tương phản với bức tranh ảm đạm của thị trường trang sức, vốn phản ánh vào mức giảm 26% doanh thu bán sỉ của PNJ trong 10 tháng 2020 (PNJ bán trang sức vàng truyền thống cho các cửa hàng vàng tư nhân).

Biên lợi nhuận gộp tăng 1,5 điểm phần trăm lên 21,9% trong tháng 10/2020, so với mức 18,7% trong quý 3/2020 và 19,3% trong 9 tháng 2020.

Chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận gộp cải thiện trong tháng 10 so với 9 tháng 2020 là do (1) đóng góp cao hơn của mảng bán lẻ (65,9% trong tháng 10 2020 vs 57,2% trong 9 tháng 2020) và (2) nhu cầu phục hồi của trang sức kim cương và đá quý vốn có biên lợi nhuận gộp cao; theo PNJ, đến hiện tại, đóng góp của trang sức kim cương và đá quý đã phục hồi hoàn toàn lên mức trước dịch COVID-19.

Biên lãi ròng còn được hỗ trợ bởi các nỗ lực cắt giảm chi phí khi chi phí hoạt động giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10 và tăng 1,9% trong 10 tháng 2020.

Trong tháng 10, PNJ mở mới 3 cửa hàng vàng và nâng cấp 5 cửa hàng bạc lên cửa hàng vàng. Tính đến cuối tháng 10, PNJ có 304 cửa hàng vàng (vs 288 cuối năm 2019), 30 cửa hàng bạc riêng lẻ (vs 54 cuối 2019), 66 quầy đồng hồ (vs 26 cuối 2019), 4 cửa hàng CAO và 3 cửa hàng PNJ Art.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu 95.700 đồng/CP, tương đương lợi suất kỳ vọng 32,1%, bao gồm 2,4% tỷ suất cổ tức, dựa theo giá đóng cửa gần nhất.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DCM

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị cho CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) từ khả quan lên mua trong khi tăng giá mục tiêu thêm khoảng 8%, khi chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận năm 2020/2021 thêm 26%/7%, cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2021 và tỷ lệ WACC giảm 1 điểm phần trăm.

Chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận năm 2020/2021 thêm 26%/7% khi 1) chúng tôi dự báo nhà máy NPK không ghi nhận lỗ trong quý 4/2020 khi giả định nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2021 và 2) DCM tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu xuất khẩu urê mạnh mẽ trong quý 4/2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, chúng tôi giữ nguyên dự báo lợi nhuận giai đoạn 2022-2024.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sẽ tăng 38,8% trong năm 2020 nhờ chi phí đầu vào thấp hơn và sản lượng bán urê mạnh mẽ (dẫn dắt bởi mảng xuất khẩu), sau đó giảm 30,6% trong năm 2021 do giá dầu cao hơn.

Chúng tôi kỳ vọng nhà máy urê sẽ được khấu hao hoàn toàn trong năm 2024 và DCM có thể ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 1,1 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 3 lần so với năm trước). Do đó, chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 16,3% trong giai đoạn 2020-2025.

DCM hưởng lợi từ tăng trưởng nhu cầu urê ổn định tại Việt Nam, đạt 2% mỗi năm (theo AgroMonitor) và tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu, sẽ hỗ trợ sản lượng bán urê của công ty đạt 880.000 tấn/năm (hiệu suất 110%). Đồng thời, DCM có tiềm năng dài hạn trong mảng phân bón NPK vốn tăng trưởng mạnh.

Chúng tôi cho rằng DCM có thể chia cổ tức tiền mặt ổn định ở mức 800 đồng/CP (lợi suất 6,6%) nhờ lượng tiền mặt tại quỹ đạt 111 triệu USD tính đến quý 3/2020 và không có kế hoạch vốn xây dựng cơ bản lớn nào trong ngắn hạn.

DCM có định giá hấp dẫn tại EV/EBITDA dự phóng năm 2021 là 2,5 lần – chiết khấu khoảng 65% so với các công ty cùng ngành.

Rủi ro: giá urê thấp hơn; hiệu suất hoạt động của nhà máy NPK thấp hơn dự kiến.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MBB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 15% nhưng điều chỉnh khuyến nghị từ mua thành khả quan cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) khi giá cổ phiếu đã phục hồi 37% trong 3 tháng qua. Mức tăng giá mục tiêu của chúng tôi do cập nhật mô hình định giá đến cuối 2021, giảm giá định chi phí vốn và nâng dự báo tổng thu nhập trong giai đoạn 2020-2024 thêm 2% so với dự báo trước đây.

Tỷ lệ các khoản vay tái cơ cấu đã giảm trong quý 3 so với quý 2 tính theo số tuyệt đối và phần trăm dư nợ vay, đạt 1,9% khoản vay gộp tính đến cuối quý 3. Chúng tôi điều chỉnh giảm giả định rằng các khoản vay tái cơ cấu sẽ không vượt quá 3,5% khoản vay gộp so với mức 5% trước đây.

Chúng tôi nâng dự phóng thu nhập ròng năm 2020 13% lên 8,6 nghìn tỷ đồng (tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái) so với dự báo trước đây do mức tăng 1% trong lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) và mức giảm phí dự phòng 16% khi tỷ lệ xử lý nợ hạ nhiệt trong 2 quý vừa qua từ mức tăng mạnh trong quý 1.

Chúng tôi kỳ vọng NIM sẽ tăng trong năm 2021, được hỗ trợ bởi mức tăng trong tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ CASA ở mức cao. Chúng tôi duy trì quan điểm rằng đóng góp của MCredit sẽ giữ mức khoảng 3% tổng dư nợ vay.

Trong bối cảnh giá trị cơ bản ổn định, chúng tôi cho rằng định giá hiện tại của MBB là hấp dẫn với P/B đạt 0,9 lần. Tuy nhiên, chúng tôi không ghi nhận các yếu tố mạnh nào trong tương lai gần để MBB thu hẹp chênh lệch định giá P/B với ACB ở mức 1,5 lần. Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng với P/B dự phóng 2020 đạt 1,1 lần

Rủi ro: Rủi ro tỷ lệ CASA giảm và rủi ro thực hiện trong kế hoạch phát triển MCredit; không thể kiểm soát nợ xấu và chi phí tín dụng; dịch COVID-19 kéo dài dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (MWG) khi cho rằng khả năng triển khai kinh doanh mạnh mẽ của MWG sẽ giúp tăng trưởng lợi nhuận tăng tốc sau năm 2020. MWG hiện có P/E dự phóng năm 2020 hấp dẫn đạt 13,2 lần, trong bối cảnh chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 33% trong giai đoạn 2020-2023.

Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 16% khi (1) chúng tôi tăng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021-2023 thêm 6% nhờ biên lợi nhuận gộp dự phóng cao hơn của chuỗi Điện thoại di động (Thế giới di động) và điện máy (Điện máy xanh), (2) dự báo chi phí vốn chủ sở hữu giảm 1,2 điểm phần trăm còn 13,0% và (3) cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2021.

Điện thoại di động (Thế giới di động) và điện máy (Điện máy xanh): Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế chung tăng 17% đạt 6,6 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 nhờ tăng trưởng doanh số tại cửa hàng hiện hữu (SSSG) tích cực so với mức cơ sở thấp năm 2020 và triển khai mô hình Điện máy xanh siêu mini mới.

Bách hóa xanh: Chi phí từ hoạt động kinh doanh cao hơn kỳ vọng của chúng tôi, tuy nhiên, trong bối cảnh ban lãnh đạo có kế hoạch tích cực cho biên lợi nhuận gộp, đạt khoảng 30% vào cuối năm 2021 so với mức khoảng 25% hiện tại và hiệu suất hoạt động dự kiến cao hơn của các trung tâm phân phối (DC), chúng tôi dự báo khoản lỗ của Bách hóa xanh sẽ giảm 43% còn 984 tỷ đồng trong năm 2021.

Yếu tố hỗ trợ: Biên lợi nhuận cao hơn tại Thế giới di động/Điện máy xanh thông qua thương thảo với các nhà cung cấp; doanh thu/cửa hàng cao hơn tại các cửa hàng BHX nhờ nâng cấp cửa hàng; thành công triển khai Bách hóa xanh Online và mở rộng sang thị trường nước ngoài.

Rủi ro: tiến độ triển khai và sinh lời của Bách hóa xanh chậm hơn dự kiến; chi tiêu của người tiêu dùng cho Điện thoại di động và điện máy thấp hơn dự kiến.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục