Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/6 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/6

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HAH

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý I/2024, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An(HAH –sàn HOSE) đạt doanh thu thuần 704 tỷ đồng (tăng trưởng 7%). Tăng trưởng doanh thu ghi nhận ở cả mảng khai thác cảng và khai thác tàu. Tuy nhiên do quý I/2024, giá cước vận tải biển giảm mạnh cũng như các hợp đồng thuê tàu ký mới ở mức giá thấp hơn nhiều, biên gộp giảm xuống chỉ còn 5%. Lợi nhuận sau thuế của HAH quý I/2024 đạt 47 tỷ đồng (giảm 63%), hoàn thành 16% kế hoạch 2024.

Giá cước nội địa và nội Á của HAH hiện đã được điều chỉnh tăng 10%. Dự kiến giá cước vận tải của Hải An sẽ tiếp tục tăng về cuối năm, giá trung bình năm 2024 cao hơn 15% mức trung bình 2023 do chịu tác động từ lo ngại nguy cơ thiếu hụt container rỗng và nhu cầu về tàu biển cao trên thế giới.

Sản lượng khai thác tàu của HAH kỳ vọng hồi phục mạnh so với 2023, chúng tôi dự kiến tổng sản lượng vận tải 2024 đạt hơn 525.000 Teu (tăng 20%) do: (1) nhu cầu vận tải hồi phục, (2) tuyến tàu mới liên tục được bổ sung, mở rộng và (3) HAH tiếp nhận 3 tàu đóng mới trong 2024.

Dựa trên triển vọng kinh doanh và định giá, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HAH – giá mục tiêu 51.700 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức sinh lời 20% so với giá đóng cửa ngày 19/06/2024.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VIB

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB – sàn HOSE) đạt 0,5% YTD phản ánh diễn biến ảm đạm của nền kinh tế trong mùa thấp điểm 3 tháng đầu năm. Thu nhập ngoài lãi (NOII) có kết quả tích cực bù đắp cho sự sụt giảm của thu lãi thuần (NII), tựu chung Tổng thu nhập hoạt động (TOI) vẫn có mức tăng trưởng 8% YoY. Tuy nhiên, chi phí hoạt động và chi phí tín dụng đều tăng (+19% YoY và 41% YoY) nên lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm nhẹ 7%, đạt hơn 2.500 tỷ đồng - hoàn thành 20% dự phóng của năm của KBSV.

Chúng tôi quan sát thấy tín dụng của VIB thường có mức tăng tốt hơn từ quý 2 trở đi, do vậy KBSV vẫn giữ kỳ vọng ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng 16% trong năm nay. Động lực hoàn thành hạn mức đến từ (1) Cho vay mua nhà sẽ động lực tăng trưởng chính (tăng trưởng 20%); (2) cho vay mua xe hồi phục 15% từ nền thấp; (3) cho vay bán buôn sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn so với các năm trước.

KBSV đánh giá cao chất lượng khách hàng và tài sản thế chấp cho những khoản vay của VIB và chiến lược quản trị rủi ro của ngân hàng giúp tăng khả năng thu hồi những khoản nợ đã xoá. BLĐ cho biết dự kiến nợ thu hồi trong năm 2024 khoảng 1.000-1.500 tỷ đồng, đến năm 2025 có thể khôi phục 70% các khoản vay đã xoá. Ngoài ra, VIB cũng đang tích cực triển khai các giải pháp quản trị rủi ro để kiểm soát NPL tăng thêm. NPL dự phóng cho năm 2024 sẽ giảm về 3,3% từ mức 3,6% cuối quý 1.

Sau khi điều chỉnh dự phóng với một số nguồn thu và chi phí dự phòng, chúng tôi nâng định giá cổ phiếu VIB lên mức 28.800 đồng /CP. Khuyến nghị mua với tiềm năng tăng giá là 31% so với giá đóng cửa ngày 20/06/2024.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TPB

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý I/2024, TienphongBank (TPB – sàn HOSE) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 4.685 tỷ đồng (tăng 5,4% so với quý trước và 28% so với cùng kỳ) nhờ sự cải thiện đến từ cả thu nhập lãi thuần (tăng 25,2% so với cùng kỳ) và thu nhập ngoài lãi (tăng 36,4% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, áp lực trích lập dự phòng tăng cao (tăng 274,9% so với cùng kỳ) đã khiến lợi nhuận trước thuế chỉ tăng nhẹ 3,6% so với cùng kỳ, đạt 1.829 tỷ đồng – hoàn thành 24,4% kế hoạch lợi nhuận của năm.

Dù kết quả quý 1 không được như kỳ vọng, KBSV giữ nguyên dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2024 của TPB là 15,75% - hoàn thành mức room được giao. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ nhu cầu tiêu dùng kỳ vọng gia tăng vào cuối năm sẽ cải thiện kết quả kinh doanh ở phân khúc bán lẻ. Đặc biệt là thị trường BĐS đang có dấu hiệu hồi phục tích cực sẽ là một yếu tố có lợi đối với mảng cho vay phát triển dự án BĐS và cho vay mua nhà của TPB.

Dự báo NIM của TPB sẽ thu hẹp nhẹ xuống còn ~4% trong 3 quý còn lại chủ yếu do áp lực hạ lãi suất do vay, trong khi chi phí vốn sẽ được duy trì ở mức thấp nhờ tận dụng tốt lợi thế từ CASA. Dù vậy, chúng tôi đánh giá mức NIM này vẫn tích cực và là một yếu tố hỗ trợ cho thu nhập lãi thuần của TPB.

Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2024 của cổ phiếu TPB là 22.700 đồng/CP, cao hơn 24.4% so với giá tại ngày 20/06/2024. Khuyến nghị mua với cổ phiếu TPB.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCS

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Vicostone (VCS) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2024 đạt lần lượt 1.074 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ) và 205 tỷ đồng (tăng 8%). Trong đó, doanh thu thành phẩm tăng 13%, doanh thu xuất khẩu ước tính tăng 10%.

Trong tháng 5/2024, tổng giao dịch mua nhà tại Mỹ giảm 4%, trong đó, số lượng nhà mới được mua giảm 14% YoY. Chúng tôi cho rằng số lượng giao dịch mua nhà tại Mỹ đang có xu hướng tạo đáy và sẽ dần hồi phục khi FED dần hạ lãi suất điều hành, bắt đầu từ quý IV/2024, từ đó tạo động lực thúc đẩy tiêu thụ đá ốp lát tại thị trường Mỹ.

KBSV ước tính doanh thu của VCS tăng 14%/18% trong 2024/2025. KBSV kỳ vọng biên lãi gộp của VCS sẽ dần cải thiện nhờ (1) công ty tập trung vào phân khúc sản phẩm cao cấp và dừng giảm giá bán để cạnh tranh với các sản phẩm xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ (vào Mỹ), (2) VCS tối ưu chi phí nguyên vật liệu sau khi mua lại nhà máy sản xuất polyester resin từ Phượng Hoàng Xanh A&A, (3) công suất sản xuất dần hồi phục.

Chúng tôi nhận thấy VCS đang được giao dịch ở mức định giá hấp dẫn với P/B forward 2.2x (thấp hơn trung bình 5 năm là 3x) với triển vọng hồi phục KQKD khi nhu cầu hồi tiêu thụ dần quay trở lại sau khi FED hạ lãi suất. KBSV khuyến nghị mua với VCS, giá mục tiêu 95,900 VND/cổ phiếu, tương ứng với mức lợi suất sinh lời 17% so với giá đóng cửa ngày 21/06/2024.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu VTP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý I/2024, doanh thu thuần Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP – sàn HOSE) đạt 4.674 tỷ đồng (giảm 2% so với cùng kỳ). Trong đó doanh thu mảng dịch vụ đạt 2.699 tỷ đồng (tăng 29%), doanh thu mảng bán hàng thu hẹp còn 1.975 tỷ đồng (giảm 26%). Biên gộp mảng dịch vụ giảm do chi phí tăng, kéo theo lợi nhuận sau thuế chỉ ghi nhận 58 tỷ đồng (giảm 23%).

Năm 2024, VTP định hướng thu hẹp mảng bán hàng, giảm doanh thu mảng bán sim thẻ xuống còn hơn 4.000 tỷ đồng (giảm 57%). Doanh nghiệp tập trung toàn bộ nguồn lực đẩy mạnh đầu tư phát triển hoạt động chuyển phát và logistics, mục tiêu nâng thị phần lên 19,5% vào cuối năm nay, đồng thời lên kế hoạch triển khai xây dựng hệ thống logistics cấp quốc gia.

VTP vừa qua đã ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền TP.Nam Ninh và TP.Bằng Tường xây dựng 2 trung tâm logistics tại các thành phố này, giúp giảm thời gian kết nối giữa Quảng Tây và Hà Nội, giảm chi phí logistics cho hàng hóa giao thương, đặt nền móng đầu tiên cho quá trình xây dựng và khai thác mạng lưới chuyển phát tại Trung Quốc và các quốc gia lân cận của VTP trong tương lai.

Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VTP, giá mục tiêu 101.000 VND/cổ phiếu, tương đương với mức lợi nhuận 5.2% so với giá đóng cửa ngày 20/06/2024.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB

CTCK Vietcap (VCI)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) và tăng giá mục tiêu thêm 2,1% lên 24.500 đồng/cổ phiếu do tác động tích cực của việc chúng tôi cập nhật giá mục tiêu sang giữa năm 2025 sẽ bù đắp cho mức giảm 7% trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của chúng tôi trong giai đoạn 2024-2028 chủ yếu do chúng tôi giảm dự báo NIM và mức tăng trưởng thu nhập ngoài lãi (NOII).

Chúng tôi tăng 1,6% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2024 lên 13,3 nghìn tỷ đồng (+32,7% YoY), chủ yếu do (1) chúng tôi giảm 6,7% dự báo chi phí dự phòng và (2) giảm 3,7% dự báo chi phí HĐKD (OPEX) bù đắp cho (3) dự báo NOII giảm 13,8%.

Chúng tôi cho rằng các yếu tố sau sẽ đóng góp vào dự báo mức tăng trưởng mạnh trong lợi nhuận trung hạn: (1) tăng trưởng doanh thu phục hồi và (2) đóng góp từ FEC dần cải thiện.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTG

CTCK Vietcap (VCI)

Chúng tôi tăng 2% giá mục tiêu của chúng tôi đối với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG) lên 40.000 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua. Giá cổ phiếu của CTG đã giảm khoảng 9% trong 3 tháng qua.

Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu do (1) tác động tích cực của việc chúng tôi cập nhật giá mục tiêu sang giữa năm 2025, bù đắp cho (2) việc giảm 8% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của chúng tôi đối với giai đoạn 2024-2028.

Chúng tôi giảm 5% dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 xuống 22,4 nghìn tỷ đồng (+12,7% YoY) chủ yếu do (1) chúng tôi giảm 15% dự báo tổng thu nhập ngoài lãi (NOII) vì KQKD kém khả quan trong quý 1/2024 do các khoản phí từ thư tín dụng trả chậm (UPAS LC) và hoa hồng bảo hiểm giảm so với cùng kỳ năm trước ảnh hưởng đến (2) tác động tích cực từ dự báo NIM cao hơn của chúng tôi.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HDB

CTCK Vietcap (VCI)

Chúng tôi tăng 7,7% giá mục tiêu lên 28.000 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị đối với Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDB) từ khả quan lên mua. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ (1) tác động tích cực của việc chúng tôi cập nhật giá mục tiêu sang giữa năm 2025, bù đắp cho (2) mức giảm 1,4% trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028 của chúng tôi.

Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2024 ở mức 12,3 nghìn tỷ đồng (+22,2% YoY) chủ yếu do (1) thu nhập lãi ròng (NII) tăng 2,5% với dự báo NIM cao hơn của chúng tôi, bù đắp cho (2) thu nhập ngoài lãi (NOII) giảm 15%.

Chúng tôi đưa ra khỏi mô hình định giá giả định việc HDB ghi nhận 5 nghìn tỷ đồng thu nhập bancassurance từ việc ký kết quan hệ đối tác bancassurance độc quyền trong 15 năm, bắt đầu từ cuối năm 2024 do các điều kiện ngắn hạn không thuận lợi. Tuy nhiên, đây vẫn là yếu tố hỗ trợ tiềm năng trong dài hạn để ngân hàng có cơ hội tăng thu nhập phí.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục