Nhiều cổ phiếu lập đỉnh mới, VN-Index vẫn điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thiếu sự hậu thuẫn của nhóm cổ phiếu trụ cột bank - chứng - thép đã khiến VN-Index đảo chiều điều chỉnh nhẹ sau 3 phiên khởi sắc. Tuy nhiên, thị trường vẫn có nhiều cổ phiếu tỏa sáng và lập kỷ lục mới về giá.
Nhiều cổ phiếu lập đỉnh mới, VN-Index vẫn điều chỉnh

Mặc dù VN-Index đã có những nhịp bật hồi để tiếp cận mốc 1.290 điểm nhưng lực cầu chưa đủ mạnh để chiến thắng. Thị trường tiếp diễn trạng thái rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu và đã tạm dừng phiên giao dịch sáng với mức tăng nhẹ nhờ diễn biến khởi sắc của hầu hết các nhóm ngành.

Đà tăng khá mong manh của thị trường đã khiến VN-Index nhanh chóng trở lại diễn biến giằng co khi bước sang phiên giao dịch chiều.

Tuy nhiên, thị trường đã không may mắn để thoát hiểm thành công như các phiên gần đây, chỉ số VN-Index quay đầu điều chỉnh nhẹ trong đợt khớp lệnh ATC bởi sự “níu chân” của các mã lớn và vẫn giao dịch trong vùng giá an toàn trên đường MA20.

Đóng cửa, sàn HOSE có 185 mã tăng và 234 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,28 điểm (-0,02%) xuống 1.282,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 834,75 triệu đơn vị, giá trị 21.467 tỷ đồng, giảm 10,5% về khối lượng và 9,98% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 132 triệu đơn vị, giá trị 2.763,32 tỷ đồng.

Nhóm VN30 kém khả quan khi có tới 18 mã giảm và chỉ 7 mã tăng, kết phiên chỉ số nhóm này giảm gần 2,5 điểm. Trong đó, PLX tích cực khi ngược dòng thị trường chung, đóng cửa ghi nhận mức tăng tốt nhất trong nhóm bluechip với 2,4%; đặc biệt là FPT duy trì đà tăng tốc, kết phiên tăng 2,1% và xác lập đỉnh mới tại mốc 136.100 đồng/CP…

Ở chiều ngược lại, POW giảm mạnh nhất khi để mất 2,6%, còn lại các mã giảm chỉ với biên độ trên dưới 1%, trong đó HPG giảm 1% là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất khi lấy đi gần 0,5 điểm của chỉ số chung.

Xét về nhóm ngành, nhóm bán buôn vươn lên vị trí dẫn đầu với mức tăng hơn 2% với sự đóng góp tích cực của mã lớn PLX, ngoài ra có DGW tăng gần 1,5%...

Tiếp theo đó là nhóm công nghệ thông tin tăng gần 2% với sắc xanh bao phủ toàn ngành, đặc biệt nhiều mã trong top vừa và nhỏ như VTC, SGT, ONE, CMT, ABC, TTN đua nhau khoe sắc tím; hay bên cạnh mã lớn FPT, cổ phiếu khác trong ngành là CMG cũng duy trì đà tăng và xác lập mức giá cao kỷ lục mới tại 70.600 đồng/CP.

Trái lại, bộ 3 bank chứng thép đều mất điểm dù biên độ giảm chỉ trên dưới 0,5%, tuy nhiên trong ngành có phân hóa khá mạnh. Cụ thể ở nhóm cổ phiếu thép, trong khi bộ 3 mã lớn là HPG giảm 1%, HSG đứng giá tham chiếu, NKG giảm 2,7%, thì ở top vừa và nhỏ đã chứng kiến TLH, SMC đều tăng kịch trần.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi phần lớn đều mất điểm thì LPB lại có pha tăng tốc đầy ấn tượng và trở thành điểm tựa chính cho thị trường khi đóng góp gần 1,2 điểm cho chỉ số chung. Đóng cửa, LPB tăng 6,5% lên mức giá cao nhất ngày 28.800 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao kỷ lục của cổ phiếu này, đồng thời thanh khoản cũng bùng nổ với 12,56 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, dù nhóm HNX30 cũng giao dịch kém khả quan nhưng sắc phủ rộng bảng điện tử đã giúp thị trường duy trì đà tăng điểm trong phiên cuối tuần.

Chốt phiên, sàn HNX có 119 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 0,39 điểm (+0,16%), lên 244,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 70,94 triệu đơn vị, giá trị 1.312,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,58 triệu đơn vị, giá trị 148,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 7,3 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng giá tham chiếu; trong khi nhiều mã khác trong rổ HNX30 như PVS, CEO, HUT, IDC, PVC… đều mất điểm.

Tâm điểm của thị trường trở lại với bộ 3 cổ phiếu nhà APEC, trong đó IDJ và API đều đóng cửa trong trạng thái dư mua trần với khối lượng khớp lệnh sôi động, tương ứng đạt 4,85 triệu đơn vị và 2,73 triệu đơn vị; còn APS tăng 5,3% lên mức 8.000 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã vừa và nhỏ khác cũng ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc với TIG tăng 2,1%, TVC tăng 7,9%, LAS tăng 2,2%, VGS tăng 3,2% với khối lượng khớp lệnh một đến vài triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng khá tốt trong suốt cả phiên giao dịch.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 1,31 điểm (+1,32%), lên 100,58 điểm với 256 mã tăng và 129 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 110,68 triệu đơn vị, giá trị 1.756 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,4 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 323 tỷ đồng, trong đó VLB thỏa thuận 5,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 260 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đã chịu áp lực bán gia tăng trong phiên chiều và đóng cửa giảm 1,6%, xuống mức 24.100 đồng/CP với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 13,33 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, nhiều điểm sáng như DDV tăng 8,2%, VGT tăng 6,5%, OIL tăng 7,2%, VEA tăng 5,1%, G36 tăng 10%, QTP tăng 3%, PAS tăng kịch trần 15%..., với khối lượng giao dịch đến vài triệu đơn vị.

Đáng chú ý là cổ phiếu thép TVN đã có phiên giao dịch bùng nổ, đóng cửa tăng 14,3% lên mức giá trần 8.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,57 triệu đơn vị và dư mua trần tới hơn 2 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tăng và 2 hợp đồng giảm đều trong biên độ hẹp, trong đó VN30F2407 đáo hạn gần nhất vào ngày 18/7 tăng nhẹ 1,4 điểm, tương đương +0,1% lên 1.320,9 điểm, khớp lệnh 250.436 đơn vị, khối lượng mở gần 43.950 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ lấn át, với CSTB2334 có thanh khoản cao nhất là 1,34 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 1.650 đồng/cq; tiếp theo là CSTB2337 khớp 1,24 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,3% xuống 840 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

×