Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/1

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu đáng chú ý trước phiên 24/1 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/1

IMP: Khuyến nghị Nắm giữ dài hạn

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

IMP là công ty dược có hoạt động phân phối phụ thuộc nhiều vào kênh bệnh viện (chiếm khoảng 60% doanh thu trong các năm trước) và không có lợi thế cạnh tranh về giá bán, do chiến lược của IMP là tập trung vào chất lượng sản phẩm. Do đó, dưới tác động của thông tư 01/2012-TTLT-BTC-BYT với quy định thuốc trúng thầu vào bệnh viện ngoài tiêu chuẩn chất lượng, phải là thuốc có giá thấp nhất, năm 2013 được đánh giá là năm khó khăn đối với IMP. Tuy nhiên, kết quat kinh doanh 2013 vẫn khá lạc quan với doanh thu thuần đạt 842,3 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 3% cùng kỳ.

Để bù đắp doanh thu sụt giảm từ kênh bệnh viện, năm 2013 IMP đẩy mạnh hoạt động phân phối qua kênh OTC. doanh thu kênh OTC đã tăng mạnh 40% n/n, nâng tỷ trọng của kênh này lên mức 60% tổng doanh thu của IMP.

Tuy nhiên, việc chuyển hướng phát triển kênh OTC cũng đồng hành với sự gia tăng của chi phí marketing, quảng cáo, khiến chi phí bán hàng 2013 tăng 7,5% cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng trưởng của doanh thu. Đáng chú ý, tỷ lệ marketing/ tổng chi phí sản xuất được khấu trừ của IMP năm 2013 lên đến 16%, vượt mức khống chế 10% theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Phần chi phí vượt không được khấu trừ thuế góp phần làm tỷ suất thuế thu nhập doanh nghiệp tăng mạnh từ 25% trong 2012 lên 36% trong 2013. Tuy nhiên, từ 2014, mức khống chế này sẽ được nâng lên 15%.

Biên lợi nhuận gộp 2013 đạt 46,5%, hầu như không đổi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thu nhập tài chính (chủ yếu là lãi tiền gởi và cổ tức) giảm 38% cùng kỳ, xuống còn 7,2 tỷ đồng trong 2013. Thêm vào đó, chi phí bán hàng và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013 tăng khiến lợi nhuận sau thuế của IMP chỉ đạt 61 tỷ đồng, giảm 21,4% cùng kỳ.

Vẫn chủ trương đẩy mạnh kênh OTC, IMP dự kiến tỷ trọng doanh thu của kênh này sẽ tăng lên mức 70% tổng doanh thu trong 2014. Trên cơ sở hệ thống phân phối đã được phát triển trong 2013 sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và phần lớn hợp đồng thầu bệnh viện cũ vẫn còn duy trì trong 2014, kết quả dự báo 2014 của chúng tôi có phần lạc quan hơn với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng 11% cùng kỳ và 13%, đạt lần lượt 924 và 82 tỷ đồng. IMP hiện đang giao dịch ở mức PE 2014 khoảng 9x, gần tương đương với bình quân ngành (10x) do giá đã tăng gần 30% trong 3 tuần qua. Khuyến nghị Nắm giữ dài hạn.

TLH: Mua vào với giá mục tiêu 10.200 đồng/CP

(CTCK FPT - FPTS)

Theo ước lượng của tôi, lợi nhuận sau thuế năm 2014 của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) có thể đạt 95 tỷ đồng, chủ yếu do lợi nhuận gộp được cải thiện khi nhà máy thép hình Bắc Nam đi vào hoạt động trong tháng 2/2014. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt 2,8%.

Việc đầu tư xây dựng nhà máy, mua máy móc thiết bị chủ yếu đến từ nguồn vốn chủ sở hữu, giúp giảm thiểu rủi ro hoạt động cho TLH khi nền kinh tế biến động tiêu cực.

Trong 3 năm sắp tới, TLH dự kiến huy động vốn lớn từ các cổ đông sáng lập để bổ sung nguồn vốn lưu động bằng tiền. Số tiền được phân bổ qua các năm từ 2014 đến 2016. Cụ thể: năm 2014: 250 tỷ đồng, năm 2015: 200 tỷ đồng, năm 2016: 150 tỷ đồng.

Các cổ đông sáng lập dự kiến sẽ cho TLH vay nợ không lãi suất để giảm bớt gánh nặng tài chính cho công ty khi Nhà máy thép Bắc Nam đi vào hoạt động.

Việc huy động vốn từ cổ đông sáng lập sẽ giúp TLH cải thiện cơ cấu vốn tích cực, giảm thiểu chi phí lãi vay và tăng hiệu quả hoạt động.

Hiệu quả hoạt động của TLH giảm dần trong 3 năm gần nhất do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường xây dựng và bất động sản không khởi sắc. Bện cạnh đó, do không có quy trình sản xuất khép kín và kinh doanh thương mại chiếm tỷ trọng lớn nên tỷ suất lợi nhuận gộp của TLH thời gian qua không cao và có xu hướng giảm.

Tình hình sẽ khả quan hơn trong năm 2014 khi đi vào vận hành nhà máy thép hình Bắc Nam và nhận được nguồn vồn lưu động không lãi suất từ các cổ đông sáng lập.

Với những dự báo thận trọng, lợi nhuận sau thuế của TLH năm 2014 là 95 tỷ đồng tương ứng với EPS 1.270 VND/cổ phiếu.

Chúng tôi đánh giá khả quan đối với cổ phiếu TLH và khuyến nghị MUA trong năm 2014. Mức giá mục tiêu trong cho năm 2014 là 10.200 VND tương ứng với P/E forward 2014 là 8.

>> Xem phân tích chi tiết cổ phiếu TLH

Khuyến nghị mua TBC

(CTCK FPT – FPTS)

CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC) có chất lượng tài sản tốt khi một phần lớn tổng tài sản có tính thanh khoản cao và đòn bẩy tài chính thấp.

Tiềm năng tăng trưởng ngắn hạn của doanh nghiệp tốt do mức giá điện thương phẩm bình quân cao khi sản lượng giao bán trên thị trường cạnh tranh ngày càng tăng.

Tiềm năng tăng trưởng dài hạn tốt do triển vọng vào dự án đầu tư sản xuất thủy điện trong năm 2014 sẽ giúp tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm TBC trong tương lai.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý tới rủi ro về thanh khoản trên thị trường và rủi ro về điều kiện thời tiết sẽ ảnh hưởng tới sản lượng hoặc chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với mã cổ phiếu này cho mục đích đầu tư dài hạn do thị giá của thị trường tương đối thấp hơn so với mức giá ước tính 22.752 đồng của chúng tôi.

>> Xem phân tích chi tiết cổ phiếu TBC

Mua ANV để đầu tư dài hạn

(CTCK FPT - FPTS)

Xét trong dài hạn, CTCP Nam Việt (ANV) vẫn có nhiều cơ hội để cải thiện doanh thu và lợi nhuận do công ty là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành cá tra có quy trình sản xuất khép kín và đang dần chiếm thị phần của các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn.

Với dự phóng FCFF giá mục tiêu cho 12 tháng tới là 10.551 đồng, cao hơn giá hiện tại là 18,6%. Do đó, chúng tôi khuyến nghị MUA để đầu tư dài hạn đối với cổ phiếu này.

Rủi ro chính khi đầu tư ANV đó là nguy cơ bị Mỹ áp thuế CBPG cao trong các năm tới, khiến công ty không thể xuất khẩu vào Mỹ trong tương lai. Rủi ro này có nguy cơ xảy ra từ cuối T3/2014 khi Mỹ có quyết định chính thức mức thuế CBPG POR 9.

>> Xem phân tích chi tiết cổ phiếu ANV

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục