Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/10 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/10

IMP: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Doanh thu quý III/2015 giảm so với cùng kỳ (-8.4%) do IMP áp dụng chính sách bán hàng mới trong kênh OTC, trong đó kiểm soát chặt công nợ của khách hàng và mạnh tay xử lý các trường hợp không thanh toán đúng hạn. Chính sách này đã được thông báo đến hầu hết các nhà thuốc vào giữa quý II/2015 để các nhà thuốc có thời gian thích nghi.

Doanh thu thuần của IMP trong quý III/2015 cũng giảm mạnh so với cùng kỳ (-15%) do IMP chiết khấu trực tiếp trên hóa đơn thay vì chiết khấu bằng tiền và ghi nhận vào chi phí bán hàng theo quy định của thông tư 200.

Doanh thu quý IV/2015 của IMP dự kiến sẽ đạt khoảng 343,7 tỷ đồng (theo ước tính của doanh nghiệp), giúp IMP hoàn thành khoảng 95% kế hoạch doanh thu cả năm (1.050 tỷ đồng) dù sau 9T/2015 IMP mới chỉ hoàn thành 62% kế hoạch năm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Định cho biết mùa Q4 hàng năm là mùa cao điểm của nhóm ngành dược phẩm do: 1) Thói quen kinh doanh của các nhà thuốc và khách hàng qua nhiều năm, dồn tích trữ và chạy doanh số cuối năm để hưởng các chương trình ưu đãi từ nhà sản xuất; 2) Mùa cao điểm của các kháng sinh thông thường do khí hậu bắt đầu trở lạnh và tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp tăng cao hơn so với các mùa khác trong năm.

Lợi nhuận trước thuế cả năm 2015 dự kiến vẫn sẽ đạt 130 tỷ đồng. Đây là mức kế hoạch chưa bao gồm trích 10% (~13 tỷ đồng) cho quỹ phát triển khoa học công nghệ. Theo quy định, khoản tiền này được xem là một khoản chi phí và sẽ được ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ, từ đó giúp IMP tiết kiệm được gần 2,9 tỷ đồng thuế TNDN.

Ban lãnh đạo IMP khá tự tin khi đặt mục tiêu hoàn thành 95% kế hoạch năm. Chúng tôi cũng đã theo dõi IMP được một thời gian và nhận thấy ban lãnh đạo IMP rất thận trọng trong việc xây dựng kế hoạch và phát ngôn ra công chúng/cộng đồng đầu tư, vì vậy, chúng tôi cho rằng khả năng hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu và 100% kế hoạch lợi nhuận trước thuế của IMP trong năm 2015 là khá cao.

Việc nâng cấp 2 nhà máy sản xuất kháng sinh tại Bình Dương lên chuẩn EU-GMP vẫn đang theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, dự kiến việc thẩm tra đánh giá chất lượng của đoàn chuyên gia Châu Âu sẽ dời sang đầu tháng 01/2016, nguyên nhân là do 3 tuần cuối cùng của tháng 12/2015 trùng với dịp nghỉ lễ dài ngày tại Châu Âu (Noel, tết dương lịch), đoàn chuyên gia Châu Âu nếu sang thẩm định vào tháng 12/2015 chỉ có thể làm việc được trong 1 tuần và không đủ thời gian để hoàn thành hết tất cả các công việc liên quan.

Khuyến nghị: So với vùng giá giao dịch bình bình quân 41k – 42k, thị giá hiện tại của IMP đang ở vùng khá hấp dẫn do ảnh hưởng khách quan từ biến động chung của thị trường và thanh khoản thấp. Chúng tôi vẫn giữ khuyến nghị MUA cổ phiếu IMP với giá mục tiêu 58.200 đ/cp (+41%) theo phương pháp định giá DCF cho mục tiêu trung và dài hạn.

DVP: PE thấp hơn trung bình ngành, ở mức 9 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

DVP vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2015 tốt với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 27,6% và 44,5% so với cùng kỳ, đạt 170,4 và 95,3 tỷ đồng.

Doanh thu tăng trưởng chủ yếu nhờ sản lượng hàng thông qua cảng quý III/2015 tăng khoảng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 1,7 triệu tấn. Trong đó, lượng hàng container lạnh tăng đột biến, gần 420% so với cùng kỳ.

Mảng container lạnh cũng là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận gộp cao (khoảng 50%). Tỷ trọng đóng góp doanh thu của mảng này gia tăng trong kỳ giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp của DVP, từ mức 46,2% của qúy III/2014 lên 55,6% trong quý III/2015. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu quý III/2015 chỉ tăng nhẹ, khoảng 1,4 điểm % so với cùng kỳ.

Ngoài ra, nhờ thu nhập từ lãi tiền gởi và cổ tức được chia trong kỳ cao hơn so với cùng kỳ, thu nhập tài chính ròng quý III/2015 đạt 17,8 tỷ đồng, tăng 54,7% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng cao, đến 44,5% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, DVP đạt 493 tỷ doanh thu, tăng 27% so với cùng kỳ, tương đương 89,6% kế hoạch doanh thu 2015. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2015 tăng 38,3% so với cùng kỳ, đạt 251,1 tỷ đồng, vượt 14,1% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Nhắc lại, DVP thường khá thận trọng trong việc đặt kế hoạch kinh doanh, bình quân 3 năm gần nhất, kết quả doanh thu và lợi nhuận trước thuế hàng năm đều vượt kế hoạch lần lượt khoảng 8% và 20%. Ngành hoạt động của công ty trong năm 2015 có nhiều thuận lợi do hoạt động xuất nhập khẩu sôi động hơn, đặc biệt mảng hàng container lạnh tăng trưởng đột biến nhờ các thay đổi trong chính sách tạm nhập tái xuất của Trung Quốc (thông thường rất khó để có thể dự báo được sản lượng hàng container lạnh này hàng năm).

Theo đó, chúng tôi kỳ vọng kết quả lợi nhuận trước thuế 2015 của DVP có thể cao hơn khoảng 46% so với kế hoạch đặt ra, đạt 321 tỷ đồng (+32,5% so với năm trước). EPS 2015 ước đạt khoảng 7.223 đồng/cp, tương đương với mức PE khoảng 9 lần, thấp hơn mức gần 11 lần bình quân ngành.

DVP là công ty có hoạt động kinh doanh ổn định, với doanh thu và lợi nhuận bình quân 3 năm gần nhất tăng khoảng 10% và 15%/năm, ROE duy trì trên mức 30%. Nợ vay có xu hướng giảm dần từ năm 2011, tổng số dư nợ vay tại 30/09/2015 của công ty là hơn 101 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ/VCSH khoảng 11%, so với mức 16% của 9 tháng đầu năm 2014 và 43% của năm 2011.

Tuy nhiên, về triển vọng dài hạn, DVP khá hạn chế về năng lực sản xuất để có thể kỳ vọng được mức tăng trưởng mạnh. Hai cầu tàu của DVP (có chiều dài 425m, khả năng tiếp nhận tàu từ 20-40 ngàn DWT) đã khai thác vượt mức công suất tối đa (500 ngàn TEU/năm). Mảng logistics (chủ yếu là kho bãi) có thể là một chiến lược mở rộng hợp lý khi công ty có sẵn lợi thế về thương hiệu cũng như kinh nghiệm hoạt động trong ngành. Tuy nhiên, DVP vẫn chưa thật sự đẩy mạnh chiến lược này.

C32: PE giao dịch ở mức 4,8x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Đầu tư Xây dựng 3-2 (Mã CK: C32) công bố báo cáo tài chính quý III/2015 với doanh thu đạt 132,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 20,8 tỷ đồng.

Như vậy, C32 ghi nhận tăng trưởng tốt trong quý III/2015 vừa qua với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 31,3% và 14,1% so với cùng kỳ. Tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động SXKD vật liệu xây dựng (đá xây dựng, cống bê tông) với doanh thu tăng 34,4% so với cùng kỳ, đóng góp 63% tổng doanh thu. Mảng xây dựng ghi nhận doanh thu tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ.

Về chi phí, chi phí SXKD tăng 37,6% so với cùng kỳ, chủ yếu do việc khai thác xuống sâu và xử lý cải tạo mỏ tại mỏ đá hiện đang khai thác. Do đó, tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động SXKD đạt 18,5% trong quý III/2015, so với 22,3% trong cùng kỳ năm trước; tỷ suất lợi nhuận ròng cũng giảm từ 18,1% trong quý III/2014 xuống 15,7% trong quý III/2015.

Luỹ kế 9 tháng 2015, doanh thu đạt 167,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 61,3 tỷ đồng, tăng 21% và 18,4% so với cùng kỳ. Công ty đã hoàn thành 71,3% kế hoạch doanh thu và 80,7% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm 2015.

Về tình hình tài chính, công ty quản trị tốt với dòng tiền từ hoạt động SXKD đủ để tài trợ cho các hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Do đó, trong mấy năm gần đây công ty sử dụng rất ít vốn vay ngân hàng. Đến cuối quý III/2015, công ty chỉ có dư nợ vay ngắn hạn 4,1 tỷ, và tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu rất thấp (1,4%).

Các khoản phải thu từ khách hàng (130,1 tỷ) tăng so với cùng kỳ và so với quý trước, tuy nhiên cùng không đáng lo ngại vì đa số là từ các khách hàng thuộc khối cơ quan nhà nước như BQL dự án Thành phố Thủ Dầu Một, BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương, BQL dự án huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo.

EPS bốn quý gần nhất đạt 7.262 đồng/cp. C32 giao dịch với P/E trailing (bốn quý gần nhất) 4,8x.

DVP: PE thấp hơn trung bình ngành, ở mức 7 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Kết quả kinh doanh quý III/2015 ấn tượng với doanh thu tăng 78,9% so với cùng kỳ, lên 65 tỷ đồng và lãi ròng đạt 22 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.

Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu trong kỳ tăng mạnh là nhờ: (1) Sản lượng hàng container xuất nhập khẩu thông qua cảng trong quý III/2015 tăng 38,2% so với cùng kỳ, đạt 9.956 TEU. (2) Doanh thu kho bãi quý III/2015 gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ sản lượng hàng container lạnh tăng đột biến. Như hầu hết các công ty cảng khác tại khu vực Hải Phòng, do lượng hàng tạm nhập tái xuất của Trung Quốc tăng cao trong năm, mảng container lạnh của các cảng ở khu vực này đều tăng trưởng tốt.

Như vậy, hoạt động kho bãi đã đóng góp khoảng 35% tổng doanh thu cho DXP trong quý III/2015, so với mức 14% của cùng kỳ. Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp của DXP đã tăng mạnh từ 28,5% trong quý III/2014 lên mức 47,9% trong quý III/2015, giúp lãi gộp quý III/2015 tăng đến 185,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu cũng giảm khoảng 2 điểm % so với cùng kỳ. Ngoài ra, hoạt động khác trong quý III/2015 cũng ghi nhận khoản lợi nhuận 2,6 tỷ đồng, cùng kỳ thu nhập từ hoạt động này không đáng kể. Theo đó, DXP đạt được khoảng 22 tỷ lợi nhuận sau thuế trong quý III/2015, tăng 212% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 30,6% và 62,8% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 159,4 và 46,2 tỷ đồng.

DXP đặt kế hoạch không tăng trưởng doanh thu cho năm 2015 với 160 tỷ doanh thu. Trong khi kế hoạch lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 40 tỷ, giảm hơn 20% so với năm ngoái. Với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2015, công ty gần như đã hoàn thành kế hoạch doanh thu và vượt 46% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Chúng tôi kỳ vọng lãi ròng 2015 của DXP sẽ đạt khoảng 58,9 tỷ đồng, tăng 47,6% so với cùng kỳ. Theo đó, EPS 2015 ước tính đạt 7.485 đồng/cp, tương đương với mức PE khoảng 7 lần, so với mức bình quân gần 11 lần của ngành.

DXP dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt cho 2015 là 3.500 đồng/cp, tương đương với mức tỷ suất cổ tức khoảng 6,8%. Công ty không có nợ vay nhưng các tỷ số về hiệu quả hoạt động như ROE, biên lợi nhuận ròng đều tốt hơn mức bình quân ngành.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục