VSH sẽ tăng giá nhờ hợp đồng giá điện với EVN
(CTCK Bảo Việt – BVSC)
Lưu lượng nước về các hồ của VSH trong quý IV/2013 khá dồi dào, giúp sản lượng điện tăng mạnh, có thể đạt 239,5 triệu kwh, tăng 80% so với quý III/2013.
Hiện tại giá bán điện của VSH vẫn chưa được thông qua tuy nhiên từnay đến khi ra kết quả kinh doanh năm, chúng tôi kỳ vọng VSH có thể hoàn tất hợp đồng giá điện và tạm ước tính giá điện của VSH có thể được hạch toán tương tự như giá năm 2009 (563 VNĐ/kwh).
Trên cơ sở đó, chúng tôi ước tính VSH có thể đạt 420 tỷ đồng doanh thu và 336 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2013. Ngoài ra, khi được chấp nhận hạch toán giá điện bằng giá năm 2009, VSH sẽ được hồi tố khoản doanh thu và lợi nhuận do hạch toán giá điện các năm trước ở mức thấp, vào khoảng 253 tỷ đồng.
Năm 2013 là năm khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinhdoanh điện của VSH khi điều kiện thời tiết hạn hán nghiêm khiến sản lượng của VSH đạt mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây và chỉ hoàn thành 90% kế hoạch năm.
Năm 2014, chúng tôi kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty khả quan hơn với sản lượng tiêu thụ tăng và giá bán điện đã hoàn tất đàm phán. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 có thể đạt 477 tỷ doanh thu và 347 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Khuyến nghị đầu tư: Trong ngắn hạn, thông tin từ việc hoàn tất hợp đồng giá điện với EVN sẽ giúp cho cổ phiếu VSH có thể tăng giá. Kịch bản lạc quan của bản hợp đồng này chúng tôi cho rằng EVN giữ nguyên giá mua điện của VSH như mức giá của năm 2009. Khi đó, VSH sẽ được hồi tố khoản doanh thu và lợi nhuận khoảng 253 tỷ đồng.
Về dài hạn, nếu phương án tính giá điện mới của EVN được áp dụng sẽ không được cao bằng so với mức giá của năm 2009, qua đo ảnh hưởng tới lợi nhuận của VSH. Do vậy chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu VSH, mức giá hợp lý của VSH khi chưa xét tới dự án Thượng KonTum chúng tôi xác định vào khoảng 16.300 VNĐ/cổ phần, cao hơn khoảng 5% so với mức hiện tại.
>> Tải toàn bộ báo cáo phân tích VSH
PPC tăng nhờ sản lượng tiêu thụ điện tăng và tỷ giá đồng Yên giảm
(CTCK Bảo Việt – BVSC)
Qúy IV/2013 tiếp tục là quý thuận lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của PPC khi sản lượng điện tiêu thụ tăng và tỷ giá đồng Yên giảm mạnh. Chúng tôi ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PPC trong cả năm 2013 đạt tương ứng 6.743 tỷ và 1.828 tỷ đồng, tăng 63% về doanh thu và 256% về lợi nhuận so với 2012.
Sản lượng của PPC tăng mạnh trong Qúy IV/2013, có thể đạt khoảng 1,37 tỷ kwh, tăng 75% so với quý III/2013. Giá bán điện của PPC trung bình trong Q4/2013 có thể đạt khoảng 1.377 VNĐ/kwh.
Chúng tôi ước tính chi phí nhiên liệu trong qúy IV/2013 của PPC khoảng 1.129 tỷ đồng, tăng 83% so với qúy III/2013 do sản lượng sản xuất và giá than đầu vào tăng. Chi phí sửa chữa lớn có thể được hạch toán khoảng 95 tỷ trong qúy IV/2013. Chi phí nhân công được giả định sẽ tăng 30% so với qúy III/2013 do chi phí lương thưởng cuối năm.
Tỷ giá mua chuyển khoản VNĐ/JPY của Vietcombank (tỷ giá tham chiếu của PPC) ngày 31/12 là 199,64; đã giảm 14,69 điểm so với thời điểm cuối qúy III/2013 (214,33). Chúng tôi ước tính PPC sẽ được ghi nhận lãi từ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại khoản vay có nguồn gốc ngoại tệ khoảng 395 tỷ VNĐ trong qúy IV/2013.
Năm 2014, tỷ giá VNĐ/JPY có thể tiếp tục diễn biến có lợi cho PPC tuy nhiên đồng JPY có thể sẽ chỉ giảm giá nhẹ so với VNĐ, do đó lợi nhuận chính của PPC chủ yếu được đóng góp từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và doanh thu từ tiền gửi nhàn rỗi.
Chúng tôi dự báo năm 2014, PPC có thể đạt 7.499 tỷ đồng doanh thu và 929 tỷ lợi nhuận sau thuế, mặc dù tăng về doanh thu nhưng lợi nhuận giảm do lãi từ chênh lệch tỷ giá hối đoái giảm mạnh.
Khuyến nghị đầu tư: Trong ngắn hạn, sản lượng tiêu thụ điện tăng và tỷ giá đồng Yên giảm giúp kết quả kinh doanh của PPC trong qúy IV/2013 rất thuận lợi. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu PPC đã tăng tương đối mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, với triển vọng lợi nhuận 2014 dự báo sẽ giảm mạnh so với 2013, chúng tôi đánh giá NEUTRAL đối với cổ phiếu PPC.
>> Tải toàn bộ báo cáo phân tích PPC
C32: Xem xét mua vào ở giá hiện tại 26.600 đồng/CP
(CTCK Maybank KimEng – MBKE)
C32 sau giai đoạn tích lũy ngắn hạn (từ đầu tháng 12/2013) đã bắt đầu ghi nhận thường xuyên hơn các phiên tăng. Cho đến phiên hôm nay đường giá chính thức bứt phá thành công kháng cự tại 25.500 đồng và thiết lập đỉnh liền sau cao hơn, xác nhận xu hướng tăng đã quay trở lại.
Relative Strength cho thấy C32 liên tiếp duy trì mức hoạt động mạnh hơn bình diện chung của thị trường. Điều này đang được tiếp diễn trong hiện tại.
Khối lượng giao dịch của C32 có sự phát triển mạnh hơn trong ba tuần gần đây, thanh khoản liên tục đứng cao hơn mức trung bình 50 ngày cho thấy dòng tiền đang mở rộng đối với C32
Khuyến nghị: Các NĐT còn tỷ trọng tiền mặt ở mức cao có thể xem xét mua vào C32 ở giá hiện tại 26.600 đồng. Mục tiêu đầu tiên kỳ vọng tại 31.000 đồng (+ 16,5%), mức dừng lỗ tại 24.300 đồng (-8,6%).
VIS không được đánh giá cao
(CTCK Maybank KimEng – MBKE)
CTCP Thép Việt Ý (VIS) vừa công bố kết quả kinh doanh 2013 kém thuận lợi. Theo đó, doanh thu của VIS trong năm 2013 giảm 11,8% cùng kỳ đạt 3.416 tỷ đồng. Trong đó, chúng tôi ước tính sản lượng thép xây dựng tiêu thụ giảm khoảng hơn 4% đạt khoảng 250.000 tấn và giá bán bình quân của VIS giảm khoảng 7,3% cùng kỳ.
Lợi nhuận gộp biên của VIS cải thiện nhẹ lên 6,6% trong năm 2013 so với 6,5% so với năm 2012. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp biên của VIS vẫn ở mức quá thấp để có thể bù đắp chi phí tài chính và chi phí quản lý bán hàng của công ty. Vì vậy, VIS tiếp tục lỗ 27,7 tỷ trong năm 2013 so với mức lỗ khoảng 16,5 tỷ đồng trong năm 2012.
Trong năm 2014 chúng tôi cũng không lạc quan lắm với triển vọng tăng trưởng của VIS.
Về nội tại công ty thì chúng tôi cho rằng lợi nhuận gộp biên của VIS vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp do công suất vận hành nhà máy luyện phôi chỉ ở mức khoảng 60% công suất. Nhà máy luyện phôi của VIS có công suất 400.000 tấn/năm trong khi nhà máy cán thép chỉ có công suất 250.000 tấn/năm.
Trong năm 2012 và cả năm 2013 thì sản lượng tiêu thụ của VIS cũng chỉ đạt khoảng 250.000 tấn/năm, bằng 62% công suất nhà máy luyện phôi.
Vì vậy, giá thành sản xuất của VIS sẽ khó cạnh tranh so với các nhà máy khác có công suất vận hành nhà máy cao hơn như HPG.
Hơn nữa, HPG lại mới đưa vào vận hành nhà máy mới với công suất lớn hơn, công nghệ và giá thành sản xuất vượt trội hơn so với sản phẩm của VIS.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng VIS sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ HPG trong năm 2014.
Mặc dù vậy, chúng tôi cũng không quá lo ngại về sự sụt giảm mạnh của VIS vì phần lớn sản phẩm đầu ra của công ty đều được bán cho các công ty liên quan của Tập đoàn Sông Đà (cũng là công ty mẹ của VIS).
Về cơ bản thì chúng tôi cũng không đánh giá cao VIS. Hệ số nợ ròng/vốn chủ sở hữu của công ty lên đến 2,5 lần vào cuối năm 2013, một trong những công ty có hệ số nợ cao nhất ngành. Do đó, gánh nặng chi phí lãi vay sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận hoạt động của VIS trong năm 2014.
Ngoài ra, rủi ro bị hủy niêm yết của VIS cũng sẽ rất lớn nếu như tiếp tục chịu lỗ trong năm 2014. Một trong những quy định về hủy bỏ niêm yết bắt buộc là “kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể xem xét giảm tỷ trọng cp VIS trong danh mục để giảm rủi ro.