Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/2 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/2

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ACB

CTCK Agribank (AGR)

Tăng trưởng tín dụng cả năm Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – sàn HOSE) đạt 18% cao hơn nhiều so với bình quân ngành (13,7%) - là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của ACB và biên lãi ròng (NIM) năm 2023 đạt 3,9%.

ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý IV và năm 2023 lần lượt là 5.043 tỷ đồng (tăng trưởng 40% so với cùng kỳ) và 20.068 tỷ đồng (tăng 17%) chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% với tỷ trọng đóng góp 24% thu nhập.

Đáng chú ý là lãi thuần từ hoạt động mua bán CKĐT tăng ấn tượng, đạt 2.647 tỷ đồng nhờ đẩy mạnh đầu tư TPCP với lợi suất cao, trong khi đó thu nhập lãi thuần đạt 24.960 tỷ đồng (tăng 6%) ảnh hưởng bởi chi phí lãi tăng cao trong 2 quý đầu năm nay.

Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 1,2% sau khi TT 02/2023 hết hiệu lực vào cuối quý II/2023, nhưng vẫn thuộc top thấp nhất ngành, điều này khiến ACB tăng trích lập dự phòng trong năm lên tới 1.804 tỷ đồng so với mức 71 tỷ đồng năm 2022.

Kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2024 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai chữ số với các động lực chính như sau: (1) Với lợi thế chi phí huy động thấp và tệp khách hàng cá nhân lớn, chúng tôi dự kiến quy mô tín dụng của ACB tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì thấp và triển vọng kinh tế 2024 tích cực hơn;

(2) Tỷ lệ NIM sẽ tăng thêm khoảng 0,2-0,3 điểm phần trăm nhờ chiến lược tập trung cho vay bán lẻ với hiệu quả sinh lời cao và chi phí vốn thấp phản ánh rõ nét hơn sau đà giảm lãi suất huy động trong năm 2023;

(3) Bộ đệm dự phòng dày, duy trì trên mức 170-200% (giai đoạn 2019-2022), là cơ sở để ngân hàng tiếp tục giảm trích lập chi phí dự phòng tăng cao trong năm 2024 đồng thời tỷ lệ nợ xấu đã đạt đỉnh năm 2023 và dự kiến sẽ giảm về mức dưới 1% trong năm nay, do đó tạo cơ hội cho lợi nhuận năm 2024 tăng trưởng.

Định giá ở vùng hấp dẫn: Hiện nay, cổ phiếu ACB giao dịch tại mức định giá P/B khoảng 1,4x tương đối thấp so với trung bình ngành (1,5x) và trung bình 5 năm quá khứ (1,6x), trong khi hiệu suất sinh lời thuộc top đầu ngành với tỷ lệ ROE năm 2023 là 25,3%.

Ngân hàng Á Châu được biết đến là ngân hàng có chiến lược đầu tư an toàn, nền tảng tài chính vững chắc và không có rủi ro đầu tư TPDN. Agriseco Research kỳ vọng KQKD của ACB sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2024 nhờ đóng góp tích cực từ: quy mô tín dụng tiếp tục tăng trưởng cao, tỷ lệ NIM cải thiện rõ rệt nhờ tận dụng lợi thế chi phí vốn thấp và chiến lược tập trung cho vay bán lẻ (có tỷ suất sinh lời cao).

Ngoài ra, ACB hiện tại có mức định giá P/B (1,4x lần) tương đối thấp so với trung bình 5 năm quá khứ với hiệu suất sinh lời thuộc top đầu ngành. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu ACB với giá mục tiêu 33.000 đồng/cp (upside 27%).

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VIB

CTCK Agribank (AGR)

Kết quả kinh doanh năm 2023 đi ngang nhờ biên lãi ròng (NIM) duy trì tích cực so với ngành. Tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14,2% – hoàn thành hạn mức tín dụng được giao bởi NHNN. Lợi nhuận trước thuế quý 4 của VIB tăng trưởng âm 14% do chi phí trích lập dự phòng tăng cao, gấp 5 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên cả năm 2023 ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 10.703 tỷ đồng, đi ngang so với năm ngoái, nhờ thu nhập lãi thuần và ngoài lãi tăng trưởng tốt với tổng thu nhập hoạt động tăng 23% bù đắp chi phí trích lập dự phòng tăng cao.

Điểm sáng của VIB là một trong số ít ngân hàng duy trì được tỷ lệ NIM cao (4,7%), không bị ảnh hưởng nhiều trong năm 2023 nhờ tận dụng lợi thế chi phí vốn thấp (nguồn vốn huy động từ các TCTD nước ngoài) và tỷ suất sinh lời trên tài sản cao (9,6%). Ngoài ra, VIB đã tăng cường xử lý nợ xấu nhằm cải thiện chất lượng tài sản và ghi nhận giá trị xử lý nợ xấu đáng kể trong Quý 4 hơn 1.100 tỷ đồng khiến tỷ lệ nợ xấu giảm từ 3,7% cuối Q3/2023 xuống còn 3,1% cuối Q4/2023 (nợ nhóm 3 và 4 ghi nhận giảm).

Dự báo kết quả kinh doanh năm 2024 tích cực hơn với tỷ lệ NIM cao và chất lượng tiếp tục cải thiện. Chúng tôi ước tính tỷ lệ NIM năm 2024 của VIB sẽ tăng tới mức trên 5% được hỗ trợ bởi: (1) phân khúc cho vay bán lẻ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2024 với triển vọng nền kinh tế tích cực hơn (chiếm gần 90% dư nợ cho vay); (2) lãi suất huy động vốn thấp đang dần được phản ánh rõ nét hơn vào chi phí vốn khi các khoản tiền gửi với lãi suất cao đáo hạn.

Kỳ vọng chất lượng tài sản được cải thiện nhờ tài sản thế chấp có thanh khoản và chất lượng cao (do tập trung cho vay mua nhà) sẽ hỗ trợ VIB xử lý nợ xấu dễ dàng và hiệu quả hơn, đồng thời lãi suất thấp giúp cải thiện khả năng thanh toán của người vay, từ đó mức độ hình thành nợ quá hạn không tăng cao đột biến trong năm.

Định giá hấp dẫn: Hiện tại, cổ phiếu VIB đang giao dịch tại mức định giá P/B khoảng 1,4x lần, thấp hơn nhiều so với trung bình 5 năm quá khứ (1,8x lần) và tiệm cận vùng định giá thấp nhất lịch sử, trong khi đó hiệu suất sinh lời thuộc top đầu ngành với tỷ lệ ROE năm 2023 là 24%. Chúng tôi ước tính tỷ lệ ROE năm 2024F của VIB sẽ tăng về mức 26-27% với triển vọng lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng.

Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2024 của VIB tăng trưởng tích cực hơn với 3 luận điểm sau: (1) tỷ lệ NIM tiếp tục tăng trên mức 5% nhờ mở rộng chênh lệch lợi suất sinh lời trên tài sản và chi phí vốn (nhu cầu cho vay bán lẻ được đẩy mạnh trong năm 2024), (2) chất lượng tài sản được cải thiện giúp VIB giảm áp lực trích lập chi phí dự phòng và (3) VIB có mức định giá hấp dẫn với hiệu quả sinh lời cao. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu VIB với giá mục tiêu 25.000 đồng/cp (upside 20%).

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu NLG

CTCK Agribank (AGR)

Quý IV/2023, CTCP Đầu tư Nam Long (NLG – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu đi ngang khi đạt 1.636 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 18% chủ yếu do doanh thu tài chính giảm khi không còn ghi nhận lãi từ thoái vốn 25% tại Paragon Đại Phước như quý IV/2022. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2023 lần lượt đạt 3.181 tỷ đồng và 484 tỷ đồng, hoàn thành 66% và 83% kế hoạch cả năm. Doanh thu bán BĐS chiếm khoảng 91% tổng doanh thu khi đạt 2.905 tỷ đồng từ các dự án Izumi, Southgate. Trong kỳ NLG có ghi nhận khoản lãi từ công ty liên doanh Mizuki do mở bán dự án Mizuki Park và thu nhập tài chính từ Q4 bán đất tại một dự án ở TP.HCM giúp đóng góp vào lợi nhuận cả năm.

Tình hình kinh doanh BĐS khả quan: Tiến độ triển khai bán hàng tại các dự án bất động sản ghi nhận tích cực khi người mua trả tiền trước cuối 2023 đạt 3.814 tỷ đồng (tăng 16% so với cuối năm 2022) nhờ bán dự án Izumi, Mizuki Park, Southgate, Akari City. Hầu hết các dự án đều thuộc phân khúc căn hộ bình dân, nhà ở xã hội với giá bán hợp lý. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới khi NLG mở bán thêm sản phẩm mới phù hợp nhu cầu ở thực.

Triển vọng kết quả kinh doanh năm 2024: Doanh thu và lợi nhuận của NLG dự kiến sẽ được đóng góp nhờ các dự án mở bán gồm: South Gate, Mizuki Park 2&3, Akari City, Ehomes Cần Thơ. Lợi nhuận sau thuế 2024 dự kiến tăng so với 2023 một phần nhờ lãi tài chính doanh thu bán dự án Mizuki và bàn giao 25% dự án Paragon cho đối tác Nhật.

Tiềm năng dài hạn từ các dự án mở bán mới: Agriseco Research kỳ vọng NLG sẽ tiếp tục duy trì tiềm năng trong trung và dài hạn nhờ (1) Quỹ đất sạch lớn đang triển khai bán với tiến độ và tỷ lệ hấp thụ tích cực; (2) Các dự án nhà ở xã hội, bình dân sẽ là động lực thúc đẩy kinh doanh trong bối cảnh nhu cầu ở thực tiếp tục tăng, nguồn cung khan hiếm tại các tỉnh thành phía Nam.

Nam Long sẽ tiếp tục phát triển thêm khoảng 5 dự án nhà ở xã hội trong tương lai đồng thời phát triển các khu đô thị tích hợp các tiện ích xung quanh. Đây sẽ là các động lực giúp NLG tăng trưởng bền vững. Nam Long có quỹ đất dân cư sạch gần 700ha tại khu vực phía Nam. Tiến độ triển khai bán các dự án có nhiều tín hiệu tích cực, kỳ vọng sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh trong thời gian tới.

Agriseco Research dự báo lợi nhuận trong 2024 sẽ tăng trưởng nhờ ghi nhận doanh số bán các dự án KĐT Akari, Southgate, Ehome đồng thời ghi nhận lợi nhuận từ thoái vốn Paragon Đại Phước và lãi từ dự án Mizuki. Về trung và dài hạn, NLG kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ tập trung triển khai các dự án nhà ở bình dân, phù hợp nhu cầu ở thực trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, giá cổ phiếu đang phản ánh triển vọng tích cực năm 2024, do đó, chúng tôi khuyến nghị tiếp tục nắm giữ cổ phiếu NLG với giá mục tiêu là 43.000đ/cp (upside 10% so với giá hiện tại).

Khuyến nghị giảm tỷ trọng cổ phiếu ngành hàng không

CTCK SSI (SSI)

Về định giá, chúng tôi cho rằng mức định giá của các doanh nghiệp hàng không đang khá cao so với khả năng sinh lời thấp, trong khi đó các doanh nghiệp vận hành sân bay và dịch vụ sân bay (như ACV, AST) được coi là hợp lý hơn, vì mức đóng góp kém tích cực của du lịch Trung Quốc khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đang ở mức thấp.

ACV đang giao dịch ở mức EV/EBITDA 2024 là 10,5x, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử là 14x và tương đương với các doanh nghiệp cùng ngành ở châu Âu (khu vực có triển vọng tăng trưởng hành khách thấp hơn nhiều).

Tuy nhiên, hạn chế của các cổ phiếu này là tính thanh khoản thấp, nên ít hấp dẫn với nhà đầu tư, do đó, chúng tôi vẫn giữ quan điểm giảm tỷ trọng đối với ngành.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 154,884 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.1 0.11% 447 tỷ