Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/9

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/9 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/9

Khuyến nghị mua cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Giá cước tàu dầu thô và sản phẩm lọc dầu đã tăng mạnh 18-25% từ đầu quý 3 trên nhiều tuyến vận tải, đặc biệt cước tàu dầu thô cỡ VLCC đã tăng mạnh đến 50%. Trung bình từ đầu năm, chỉ số cước tàu dầu thô Baltic (BIDY) tăng 104% và chỉ số cước tàu dầu sản phẩm (BITY) tăng 128% so với cùng kỳ 2021.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT – sàn HOSE) cơ bản ổn định với doanh thu tăng 19%, lợi nhuận trước thuế tăng 1% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận tăng chậm do giá vốn hàng bán và chi phí tài chính tăng nhanh, bên cạnh đó cùng kỳ có khoản lợi nhuận khác 43 tỷ đồng.

Điểm nhấn đầu tư: Chiến lược đầu tư tăng quy mô và trẻ hóa đội tàu với kế hoạch đầu tư thêm 14 tàu tải trọng 300-400 nghìn DWT với giá trị đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng: Trong 8 tháng đầu năm, Công ty đã đầu tư thêm 03 tàu mới với tải trọng gần 55.000 DWT.

Theo kế hoạch, Tổng công ty sẽ thực hiện đầu tư khoảng 14 tàu các loại giai đoạn 2021-2025, nhắm tới các tàu vận tải dầu thô lớn cỡ VLCC, Aframax, tàu khí hóa lỏng VLGC và các tàu sản phẩm cỡ trung 15,000-20,000 DWT.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải dầu khí phục hồi từ đầu năm 2022 và tăng mạnh từ đầu quý III: Giá cước tăng nhờ quy mô vận tải dầu khí (tấn-kilomet) tăng lên (tăng 5%) khi nhu cầu dầu tăng (tăng 2,5%) và các tuyến vận tải phải đi vòng xa hơn do các lệnh trừng phạt cấm nhập dầu Nga từ Châu âu và Bắc Mỹ.

Ngoài ra, phát triển mở rộng sang lĩnh vực vận tải khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầy tiềm năng: Theo dự thảo Quy hoạch điện 8, nhu cầu sử dụng LNG khoảng 2,8 triệu tấn/năm 2025 và tăng lên 12 triệu tấn/năm vào 2030. Đây là thị trường vận tải mới đầy tiềm năng đối với công ty trong chiến lược phát triển dài hạn.

Trong 6 tháng cuối năm, cùng với việc mua thêm các tàu mới và giá cước thuê tàu tăng thêm, Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế 6 tháng cuối năm lần lượt đạt 4,640 tỷ đồng và 640 tỷ, đưa doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 8.912 tỷ và 1.198 tỷ đồng, tăng 19% và 15% so với 2021.

Chúng tôi xác định giá mục tiêu của PVT vào khoảng 26.800 đồng/CP dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF và so sánh PE, PB. Giá mục tiêu tương ứng với P/E forward là 11,3 lần, mức rất hấp dẫn.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 26.800 đồng trên cơ sở Giá thuê tàu dầu thô và dầu sản phẩm tăng mạnh 104-128% từ đầu năm 2022; Đội tàu được đầu tư tăng quy mô và trẻ hóa sẽ làm tăng hiệu quả kinh doanh của công ty trong những năm tới; Tiềm năng phát triển to lớn của lĩnh vực vận tải khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong dài hạn.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết thúc 7 tháng đầu năm 2022, CTCP Thế giới di động (MWG – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 81.870 tỷ đồng (tăng 13,7% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.881 tỷ đồng (tăng 3,5%).

Kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ do tăng trưởng mảng gia dụng không tốt như dự kiến và hoạt động đóng cửa hơn 400 cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Đóng góp trong lợi nhuận sau thuế chủ yếu vẫn đến từ mảng ICT & CE (tăng 38%) thể hiện sự vượt trội của MWG so với thị trường, tuy nhiên chuỗi Bách hóa xanh lỗ nhiều hơn dự kiến khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2022 chỉ tăng 1% so với cùng kỳ.

Chúng tôi cho rằng MWG sẽ khó có khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022, tuy nhiên tích cực về triển vọng 2023 khi những gì xấu nhất về Bách hóa xanh đã được phản ánh hết.

VCBS dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của MWG đạt 138.817 (tăng 13% so với năm trước) và 5.394 (tăng 10%) tỷ đồng cho cả năm 2022, năm 2023 đạt lần lượt 170.854 và 7.506 tỷ đồng, tăng trưởng 23% và 39% trên nền thấp của năm trước.

Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền và định giá từng phần, VCBS ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu MWG là 96.100 đồng/CP, tương ứng với P/E fwd 18 lần. Chúng tôi xin đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG, tiềm năng tăng giá 33%.

TNG có thể vượt kế hoạch kinh doanh năm 2022

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Ngày 19/09 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG – sàn HNX) đã công bố báo cáo tài chính tháng 8 với kết quả kinh doanh khá tích cực. Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 697 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 37.6 tỷ đồng (tăng 31%) nhờ số lượng đơn hàng gia tăng từ các thị trường chủ chốt như Hoa Kỳ và EU.

Trong 8 tháng đầu năm, TNG ghi nhận doanh thu lũy kế đạt 4.705 tỷ đồng (tăng 33%) và lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt 204 tỷ đồng (tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái), tương ứng hoàn thành 78% và 73% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2022.

Về cơ cấu doanh thu, xuất khẩu chiếm tỷ trọng vượt trội với 99% trên tổng doanh thu của TNG trong tháng 8 khi mang về 687 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu từ thị trường nội địa chỉ chiếm 1% trên tổng doanh thu và đạt 10 tỷ đồng.

Hoa Kỳ tiếp tục củng cố vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Công ty khi chiếm đến 40% tổng doanh thu. Theo sau là thị trường Pháp và Nga với lần lượt là 29% và 7%.

Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sẽ chậm lại trong các tháng cuối năm do bị ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình lạm phát leo thang tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt, làm cho người tiêu dùng thắt chặt hầu bao cho các sản phẩm không thiết yếu.

Tuy nhiên, với số lượng đơn hàng đã nhận gần đủ cho quý IV năm nay và vị thế hàng đầu trong ngành may mặc, chúng tôi tin rằng TNG sẽ giữ vững đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong thời gian cuối năm để đạt được và thậm chí vượt kế hoạch đã đề ra cho năm 2022.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục