Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/7

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/7

Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu CTD

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tại cuộc họp với nhà đầu tư của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) vừa được tổ chức tại trụ sở công ty, đại diện công ty đã cho biết kết quả 6 tháng đầu năm 2017.

Cụ thể, doanh thu đạt 10,5 nghìn tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số đạt 713 tỷ đồng (+20%), chủ yếu đến từ giá trị backlog (các hợp đồng đã ký và chưa thực hiện) lớn của CTD. Kết quả này phù hợp với dự báo trước đó của chúng tôi cho mức tăng trưởng cho năm 2017.  

Công ty cũng chia sẻ rằng giá trị các hợp đồng mới ký trong 6 tháng 2017 đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, theo đó backlog tại thời điểm cuối tháng 6 ở mức 26,2 nghìn tỷ đồng (tăng 17% so với cuối năm 2016). Đáng chú ý, con số này chưa bao gồm các dự án mà khách hàng của CTD không muốn công bố giá trị hợp đồng đã ký, ví dụ như hợp đồng thiết kế và thi công (D&B) cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

Các hợp đồng lớn ký kết trong nửa đầu năm 2017 bao gồm Hồ Tràm Strip giai đoạn 2 (1,8 nghìn tỷ đồng), Diamond Island giai đoạn 2 (1,6 nghìn tỷ đồng), Vinhomes Metropolis (1,5 nghìn tỷ đồng), và Vinhomes Greenbay (1 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, CTD cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ và thỏa thuận nguyên tắc cho các dự án lớn sắp tới với tổng giá trị xây dựng khoảng 10 nghìn tỷ đồng (chưa ghi nhận trong số liệu backlog hiện tại).

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị khả quan cho CTD với giá mục tiêu 224.800 đồng/CP (tổng mức sinh lời 10,2% bao gồm lợi suất cổ tức 2,4%).

Giá mục tiêu của cổ phiếu PNJ là 116.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã công bố báo cáo tài chính công ty mẹ, trong đó lợi nhuận sau thuế thường xuyên tăng mạnh 35% trong 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ mảng bán lẻ trang sức, vốn có biên lợi nhuận cao.

Doanh thu mảng bán lẻ tăng mạnh 46% nhờ tăng trưởng doanh thu các cửa hàng hiện hữu đạt 28%, mở thêm 19 cửa hàng trang sức vàng, và các cửa hàng mở năm 2016 đóng góp trong toàn bộ 6 tháng đầu năm nay. Với kết quả này, PNJ đang trên đà đạt và có khả năng vượt mục tiêu mở 40 cửa hàng mới trong năm nay vì thường thì 6 tháng cuối năm mới là giai đoạn công ty đẩy mạnh hoạt động mở cửa hàng.

Lợi nhuận sau thuế theo báo cáo tăng nhanh hơn ở mức 54% trong 6 tháng đầu năm 2017, vì lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2016 bị ảnh hưởng do chi phí tài chính bất thường, cụ thể là chi phí dự phòng cho Ngân hàng Đông Á (phần nào được bù đắp nhờ khoản lợi nhuận từ việc chuyển nhượng bất động sản tại trung tâm TP. HCM).

Kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 nhìn chung phù hợp với dự báo. Tuy nhiên, trao đổi với công ty, chúng tôi nhận thấy dự báo lợi nhuận có thể tăng vì 2 lý do là chi phí quản lý và bán hàng tăng chậm hơn so với dự báo và tốc độ mở cửa hàng mới nhanh hơn so với dự kiến. Chúng tôi sẽ xem xét lại dự báo lợi nhuận và giá mục tiêu dành cho PNJ một khi báo cáo tài chính hợp nhất được công bố.

Chúng tôi hiện đưa ra giá mục tiêu 116.000VND/cổ phiếu dành cho PNJ, tổng mức sinh lời 21,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,9%. Chúng tôi có thể sẽ điều chỉnh tăng giá mục tiêu trong báo cáo cập nhật tới. 

Biên lợi nhuận quý III của CSM sẽ không có nhiều cải thiện

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Công ty Cổ phần Cao su Miền Nam (CSM:HSX) đã công bố lợi nhuận qúy II thấp ngoài dự kiến cua nhiều người: 18 tỷ đồng. Doanh thu quý 2 đạt 946,3 tỷ đồng vẫn tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng Lợi nhuận gộp lại giảm mạnh.

Nhà đầu tư cần lưu ý đối với ngành săm lốp một số điểm như cạnh tranh quá lớn với hàng Nhập khẩu, mà ở đây là hàng Trung Quốc khiến CSM phải tăng chiết khấu lên rất cao. Điều này làm cho lợi nhuận gộp lại giảm mạnh.

Kể từ năm 2015, Chính phủ Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu đối với lốp xe đến từ Trung Quốc lên 45% đẩy giá bán tại Mỹ lên rất cao. Thị phần lốp xe của Trung Quốc tại Mỹ là 35%, rất lớn nên khi chính sách trên áp dụng, một sản lượng lớn đã không thể vào Mỹ. Trung Quốc là Quốc gia có sản lượng lốp lớn nhất thế giới, chiếm 40-50% Tổng nguồn cung trên thế giới.

Bên cạnh đó, áp lực lớn ngay cả với những doanh nghiệp lốp FDI như : KUMHO, Bridgestone, Micheline ...

Lốp Radial, dự án mới và kỳ vọng mới đang gặp nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh. Ngay như DRC đã phải thông báo tạm dừng giai đoạn 2 Nhà máy này là điểm cần lưu ý.

Thêm vào đó, Chi phí lãi vay cao do đầu tư vào nhà máy lốp Radial mới; doanh số bán ra xe tải, xe khách của những nhà máy như Thaco đang sụt giảm; giá nguyên liệu (cao su tự nhiên) trong quý II tăng vọt đẩy giá thành lên cao; chí phí nhân công tăng cao.

Mặc dù giá cao su tự nhiên đang hạ, giá dầu cũng vậy nhưng đấy không phải là khó khăn duy nhất mà các Công ty săm lốp đang gặp phải. Vì thế, chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận của quý III cũng sẽ không có nhiều cải thiện.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục