Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/12

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/12 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua TCL với giá mục tiêu 37.900 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Trong 9 tháng năm 2020, CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải xếp dỡ Tân Cảng (TCL) ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng mạnh mảng doanh thu từ hoạt đồng khai thác Depot (tăng trưởng 30,4%).

Chúng tôi ước tính hết năm 2020, doanh thu của TCL đạt 1.091 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 14,7% do sự gia tăng của sản lượng container qua cảng Cát Lái từ sự khởi sắc của hoạt động xuất nhập khẩu vào quý III - IV/2020.

Mở rộng diện tích ICD Nhơn Trạch và các Depots quanh khu vực cảng Cát Lái là động lực tăng trưởng chính trong tương lai của TCL. TCL tập trung phát triển mảng kinh doanh khai thác depot với dự án đầu tư mới Kho Depot trong 5 năm tới với tổng vốn đầu tư dự kiến 523 tỷ đồng.

Năm 2021, TCL sẽ đầu tư giai đoạn 2 của ICD Nhơn Trạch, nâng công suất hiện tại từ 0,22 triệu TEU lên 0,36 triệu TEU / năm. Với xu hướng gia tăng các nhà máy sản xuất ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, chúng tôi ước tính hoạt động xếp dỡ container Depot sẽ tăng từ 0,21 triệu TEU năm 2018 lên 0,32 triệu TEU vào năm 2023.

TCL có mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao với tỷ lệ chi trả cổ tức 18 - 20% mệnh giá trong 10 năm qua và dự kiến sẽ duy trì chính sách chi trả với tỷ lệ này trong vòng 5 năm tới. Sức khỏe tài chính lành mạnh với tỷ trọng nợ vay thấp trong khi hiệu quả sinh lời duy trì ở mức cao.

Chúng tôi xác định giá mục tiêu của cổ phiếu TCL vào khoảng 37.900 đồng/CP dựa trên kết hợp 2 phương pháp chiết khấu dòng tiền và phương pháp so sánh. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 12,0 lần (theo EPS 2021F khoảng VND 3.153). Đồng thời khuyến nghị mua cổ phiếu TCL.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu ELC

CTCK BIDV (BSC)

9 tháng đầu năm 2020, CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn (ELC) thông đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 400 tỷ đồng (tăng 66,5% so với cùng kỳ năm ngoái) và 19 tỷ đồng (tăng trưởng 181,9%) nhờ việc cắt giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (từ biên chi phí 24% về 16,5%)

BSC cho rằng, mảng Giao thông thông minh tiếp tục là nguồn tăng trưởng chính trong quý IV/2020 khi công ty dự kiến ký kết hai dự án trị giá 250 tỷ.Trong khi đó, An ninh Quốc phòng tiếp tục ổn định; Viễn thông và Nông nghiệp bão hòa và suy giảm.

Triển vọng kinh doanh năm 2021 đến từ Nhu cầu Đầu tư Công của Chính phủ:(i) Triển khai làm việc với VETC để hoàn thành Dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 (ii) Tham gia đấu thầu các gói đầu tư công nghệ cho dự án cao tốc Bắc – Nam, tập trung vào dịch vụ như Giao thông thông minh (Hưởng lợi một phần nếu trúng thầu

Năm 2020, ELC đặt kế hoạch kinh doanh lần lượt là 722 tỷ doanh thu (giảm 17,4% so với năm trước) và 25 tỷ lợi nhuận sau thuế (giảm 18,6%).

Trong giai đoạn 2020 - 2023, ELC đặt kế hoạch doanh thu trên 1.000 tỷ đồng với mức tăng trưởng lợi nhuận trên 10%/năm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/11/2020, cổ phiếu ELC đóng cửa ở mức giá 6.970 đồng/CP; tương đương với mức P/E là 7.0, vùng định giá thấp nhất trong 5 năm gần nhất. Đồng thời, chúng tôi khuyến nghị theo dõi cổ phiếu ELC.

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu FRT nằm tại mức 26.75

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu FRT của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT vẫn đang ở trong trạng thái tích lũy trung hạn tại khu vực 20-26 từ tháng 6 đến nay. Thanh khoản tăng cao trong hai phiên gần đây đã giúp cổ phiếu có vận động tăng ngắn hạn khá tích cực.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Hôm nay 1/12, đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 đồng thời chỉ báo RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong thời gian tới.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của FRT nằm tại khu vực xung quanh giá 24. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 26.75, cắt lỗ nếu ngưỡng 23.25 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị khả quan cho ACV với giá mục tiêu 81.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi tăng giá mục tiêu theo mô hình định giá chiết khấu dòng tiền (DCF) thêm 34% đạt 81.500 đồng/CP nhưng duy trì khuyến nghị khả quan khi giá cổ phiếu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tăng mạnh 30% trong vòng 3 tháng qua.

Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ mức tăng 24% trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2026-2035 khi chúng tôi ghi nhận dự phóng doanh thu phí cất cánh và hạ cánh tại sân bay quốc tế Long Thành (LTA) trong dự báo của chúng tôi.

Tác động tích cực kể trên một phần bù đắp cho mức giảm 9,8% trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2025 của chúng tôi. Cụ thể, chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021/2022/2023 thêm 41%/2,9%/3,7%, chủ yếu do lượng hành khách quốc tế dự kiến phục hồi chậm hơn khi dịch COVID-19 diễn biến không đồng đều trên toàn cầu.

Chúng tôi nhìn chung duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 đạt 1,7 nghìn tỷ đồng (giảm 80% so với năm trước) dù giảm dự báo doanh thu năm 2020 thêm 7,5% còn 7,1 nghìn tỷ đồng (giảm 61%) khi chúng tôi giảm dự báo lượng hành khách quốc tế còn 7,5 triệu (giảm 82%), một phần được bù đắp bởi việc kiểm soát chi phí hiệu quả của ACV, được phản ánh thông qua biên lợi nhuận gộp dự phóng cao hơn, đạt 18,3% so với 14,5% trước đây.

Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi từ mức thấp trong năm 2021 với doanh thu đạt 10 nghìn tỷ đồng (tăng 41% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 3,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 91%).

Chúng tôi dự báo lượng hành khách quốc tế đạt 11,6 triệu trong năm 2021 – tương ứng khoảng 28% lượng hành khách quốc tế năm 2019 – khi chúng tôi kỳ vọng lượng hành khách quốc tế sẽ duy trì ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2021 và phục hồi nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021.

Dù lợi nhuận giảm mạnh, chúng tôi cho rằng ACV có vị thế tốt để duy trì tình hình tài chính ổn định – dù dịch COVID-19 kéo dài hơn kỳ vọng. ACV có số dư tiền mặt ròng đạt 19 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý 3/2020 trong khi chi phí phi tiền mặt chiếm khoảng 38% tổng chi phí năm 2019.

Rủi ro: vốn xây dựng cơ bản cao hơn dự kiến; trì hoãn mở rộng công suất sân bay, từ đó hạn chế tăng trưởng lưu lượng hành khách; các lệnh cấm di chuyển kéo dài; lỗ tỷ giá từ khoản nợ vay ngoại tệ.

Khuyến nghị khả quan cho DRC với giá mục tiêu 22.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) dù tăng giá mục tiêu thêm 17% đạt 22.500 đồng/CP khi mã cổ phiếu này đã tăng 24% trong vòng 3 tháng qua.

Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ (1) mức tăng 29%/25%/28% trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021/2022/2023, (2) cập nhật giá mục tiêu theo mô hình định giá chiết khấu dòng tiền đến cuối năm 2021 và (3) chúng tôi giảm tỷ lệ WACC từ 13,0% còn 12,0%.

Trong năm 2020, chúng tôi tăng dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số lên đạt lần lượt 3,5 nghìn tỷ đồng và 190 tỷ đồng, cao hơn lần lượt 17% và 22% so với dự báo trước đây.

Dự báo cao hơn của chúng tôi phản ánh quan điểm của chúng tôi cho rằng đà phục hồi mạnh mẽ trong sản lượng bán của DRC trong quý 3/2020 sẽ tiếp diễn – đặc biệt trong mảng lốp radial. Chúng tôi dự báo biên lợi nhuận gộp giảm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2020 khi giá mủ cao su (nguyên liệu đầu vào chính) đã tăng từ cuối quý 3/2020.

Trong giai đoạn 2021-2023, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lần lượt là 0,7% và 0,9%, chủ yếu do tăng trưởng hạn chế trong mảng lốp radial khi chúng tôi dự báo hiệu suất hoạt động của nhà máy radial đạt 92%/96%/100% trong năm 2021/2022/2023.

Chúng tôi hiện có quan điểm tích cực thận trọng cho DRC khi chúng tôi nhận thấy tăng trưởng tại các thị trường xuất khẩu của công ty cũng như biên lợi nhuận gộp gia tăng. Tuy nhiên, DRC sẽ đối mặt với cạnh tranh từ các sản phẩm từ Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.

Các nhà sản xuất lốp Trung Quốc đã chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam. Khi các nhà máy đặt ngoài Trung Quốc được hoàn thành, chúng tôi cho rằng giá sản phẩm của DRC tại các thị trường xuất khẩu của công ty sẽ chịu nhiều áp lực hơn.

Rủi ro: giá cao su tự nhiên tiếp tục tăng; bảo hộ thương mại tại các thị trường xuất khẩu của DRC; các nhà sản xuất lốp Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á nhanh chóng mở rộng.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KDH với giá mục tiêu 31.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) và tăng giá mục tiêu thêm 6% lên mức 31.500 đồng/CP, chủ yếu đến từ việc cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2021 và tỷ lệ WACC thấp hơn do giả định chi phí vốn thấp hơn.

Trong khi đó, chúng tôi nhìn chung vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận và doanh số bán hàng của công ty khi kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2020 phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 đạt 1,14 nghìn tỷ đồng (tăng 24% so với năm trước – đi ngang so với dự báo trước đây là 1,12 nghìn tỷ đồng) khi chúng tôi tiếp tục kỳ vọng công ty sẽ bàn giao toàn bộ các căn hộ đã bán tại dự án Safira trong năm nay.

Chúng tôi duy trì kỳ vọng cho rằng tiến độ bán hàng tiếp tục khả quan (Verosa Park & Lovera Vista) với tiến độ thi công tích cực và triển vọng doanh số bán hàng mạnh mẽ của các dự án thấp tầng mới (Armena & Clarita) sẽ hỗ trợ dự báo của chúng tôi cho lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số sẽ tăng trưởng 19%/14% YoY trong năm 2021/2022.

Yếu tố hỗ trợ: dự án mở rộng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (110 ha tại huyện Bình Chánh, TP. HCM). Dự phóng lợi nhuận của chúng tôi hiện chưa bao gồm dự án này do thông tin chi tiết về kế hoạch phát triển vẫn còn khá hạn chế.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: triển khai chậm hơn dự kiến tại các dự án quy mô lớn như dự án Tân Tạo (330 ha tại quận Bình Tân, TP. HCM).

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SAB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua khi chúng tôi kỳ vọng Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số sau năm 2020 nhờ kết quả kinh doanh phục hồi sau các gián đoạn do dịch COVID-19 và các quy định của Việt Nam về phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông bên cạnh các giải pháp cải thiện tăng trưởng và biên lợi nhuận khác.

Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 14% khi cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2021 và tăng nhẹ dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 22021-2023 thêm 4% khi doanh thu mảng bia 9 tháng năm 2020 vượt kỳ vọng của chúng tôi.

Chúng tôi dự báo doanh thu mảng bia phục hồi 15% trong năm 2021 từ mức cơ sở thấp, sau đó đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 11% trong giai đoạn 2021-2023. Bên cạnh sự phục hồi của toàn ngành, chúng tôi kỳ vọng các sản phẩm mới của SAB – đặc biệt là ‘Saigon Chill’ (phân khúc cao cấp phổ thông) – sẽ hỗ trợ tăng trưởng doanh thu của công ty.

Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E dự phóng năm 2021 của SAB là 28 lần, phù hợp với trung vị P/E trượt trung bình 3 năm của các công ty cùng ngành là 27 lần.

Rủi ro: thực thi chặt Nghị định 100 về phòng chống tác tại của rượu bia khi tham gia giao thông; doanh thu và khả năng sinh lời thấp hơn dự kiến do cạnh tranh gay gắt; thách thức trong việc cao cấp hóa danh mục sản phẩm nhằm tận dụng xu hướng cao cấp hóa hiện tại của khách hàng.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục