Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu AGG với giá mục tiêu là 62.100 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Điểm nhấn đầu tư đối với cổ phiếu AGG của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia: Quy mô vốn ở mức thấp tuy nhiên sỡ hữu danh mục dự án hấp dẫn, quy mô dự án giai đoạn 2021-2026 gấp 8 lần so với giai đoạn trước đó.

Bên cạnh đó, điểm nghẽn “pháp lý” thành phố Hồ Chí Minh được giải phóng và xu hướng chuyển dịch quỹ đất sang các thành phố vệ tinh sẽ là bệ đỡ cho tăng trưởng định giá của AGG.

Ngoài ra, năm 2021 – 2022 là điểm rơi lợi nhuận nhờ vào việc bàn giao hàng loạt các dự án; và hiệu quả sinh lời của AGG nằm trong top các doanh nghiệp đầu ngành bất động sản

Năm 2021, BSC ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ước đạt lần lượt 3.813 tỷ đồng (tăng 117% so với năm ngoái) và 519 tỷ đồng (tăng trưởng 25%), nhờ vào bàn giao các dự án (1) The Sóng, (2) River Panaroma, (3) Sky89. EPS 2021 FW =5,974 đồng/cp. PE 2021 FW = 7.9 lần.

BSC đưa ra khuyến nghị muacổ phiếu AGGvới giá mục tiêu là 62.100 đồng/CP (tăng 32%so với mức giá đóng cửa ngày 17/05/2021 dựa trên phương pháp RNAV: Đưa vào thêm dự án BD27 và BD45 vào danh mục định giá dự án dựa trên tính khả thi của việc triển khai dự án; Thị trường bất động sản phục hồi và tiến độ xử lý pháp lý tại thành Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu khơi thông từ năm 2022; Đưa ra mức chiết khấu WACC dự án ở mức 11%.

Chốt lãi khi cổ phiếu DRC tiếp cận ngưỡng 32.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu DRC của CTCP Cao su Đà Nẵng có đang nằm trong nhịp tích lũy ngắn hạn quanh ngưỡng 26.0. Thanh khoản cổ phiếu đang nằm dưới ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đang cho thấy dấu hiệu chuyển dần sang xu hướng tăng giá ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu đang tiếp cận dải mây Ichimoku báo hiệu nhịp tăng giá trung hạn sắp hình thành.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 26.75 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 32.5. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 25.6.

Khuyến nghị mua FPT với giá mục tiêu 100.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP FPT (FPT) công bố kết quả kinh doanh 4 tháng năm 2021 với doanh thu đạt 10,4 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 20%), chủ yếu được thúc đẩy bởi 3 mảng kinh doanh cốt lõi của công ty: Xuất khẩu phần mềm, Dịch vụ viễn thông và Giáo dục. Nhìn chung, kết quả kinh doanh 4 tháng năm 2021 phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Ngày chốt danh sách cho đợt chia cổ tức tiền mặt và phát hành cổ phiếu thưởng là ngày 02/06 trong khi ngày thanh toán cổ tức là ngày 16/06.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua và giá mục tiêu 100.200 đồng/CP cho CTCP FPT (FPT), tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 17,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,3%, dựa theo giá đóng cửa phiên hôm nay.

Khuyến nghị mua MSN với giá mục tiêu 121.600 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Tập đoàn Masan (MSN) và nhóm nhà đầu tư được dẫn đầu bởi Tập Đoàn Alibaba (“Alibaba”) và Baring Private Equity Asia (BPEA) công bố ký kết thỏa thuận trong đó nhóm nhà đầu tư trên sẽ đầu tư 400 triệu USD để sở hữu 5,5% của The CrownX (TCX – công ty đang sở hữu Masan Consumer Holdings và VinCommerce). Sau giao dịch này thì tỷ lệ sở hữu thực tế của MSN tại TCX sẽ giảm từ gần 85% còn 80,2%.

Theo quan điểm của chúng tôi, giao dịch này là một động thái tích cực cho MSN về nhiều mặt: (1) giao dịch này củng cố giá trị của TCX khi định giá TCX ở mức 6,9 tỷ USD trước đầu tư và 7,3 tỷ USD sau đầu tư, và (2) nhà đầu tư chiến lược Alibaba sẽ hỗ trợ TCX trong chiến lược phát triển một hệ thống bán lẻ toàn diện đi từ offline đến online.

MSN đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa từ kênh online của TCX sẽ đóng góp ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng của công ty trong tương lai. Ngoài ra, giao dịch này cũng giúp MSN giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính chung của toàn tập đoàn.

Là một phần của giao dịch này, VCM sẽ thiết lập một Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược với Lazada – nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) của Alibaba tại Đông Nam Á. Cụ thể: (1) VCM sẽ trở thành nhà bán lẻ hàng nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng của Lazada tại Việt Nam, (2) hợp tác này sẽ phát triển tính năng cung ứng hàng hóa tại các cửa hàng của VCM để phục vụ các đơn hàng online và (3) VCM và Lazada sẽ chia sẻ và hỗ trợ nhau phát triển năng lực về phân tích dữ liệu và logistics để tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, theo MSN, công ty đang tiếp tục thảo luận với các nhà đầu tư khác về một khoản đầu tư chiến lược tiếp theo vào TCX, có trị giá 300-400 triệu USD. MSN kỳ vọng giao dịch này sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Các diễn biến trên củng cố quan điểm tích cực của chúng tôi về MSN, chủ yếu xoay quanh nền tảng kinh doanh tiêu dùng vững mạnh của công ty hiện đang bao gồm TCX và Masan Meat Life. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua với giá mục tiêu 121.600 đồng dành cho MSN.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VTP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị từ phù hợp thị trường lên mua vì chúng tôi tin rằng Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP) sẽ được hưởng lợi từ ngành thương mại điện tử (e-commerce) đang bùng nổ của Việt Nam trong dài hạn nhờ mạng lưới bưu cục rộng khắp, đầu tư vào công nghệ và các kế hoạch kinh doanh mới.

Việc nâng khuyến nghị của chúng tôi cũng được thúc đẩy bởi (1) những cải thiện cao hơn dự kiến của VTP về hiệu quả chi phí, (2) cuộc điều tra đang diễn ra của Chính phủ về hành vi cạnh tranh giá không lành mạnh và (3) giá cổ phiếu giảm 13% trong 3 tháng qua.

Chúng tôi nâng giá mục tiêu lên 28% do (1) tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số hợp giai đoạn 2021- 2023 tăng 23% do mức độ tiết kiệm chi phí của VTP cao hơn kỳ vọng của chúng tôi, (2) cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2022 và (3) giảm 50 điểm cơ bản trong chi phí vốn chủ sở hữu của chúng tôi xuống 12,5%.

Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng với P/E trung bình 2021-2022 của VTP là 23,8 lần so với trung vị 3 năm trượt của của các công ty cùng ngành là 27 lần.

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EPS là 23% trong giai đoạn 2020- 2023 nhờ (1) cải thiện hiệu quả chi phí của VTP, (2) tăng trưởng e-commerce tăng tốc khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên sau khi các gián đoạn do dịch COVID-19 giảm dần và (3) tăng đóng góp từ các hoạt động ngoài chuyển phát.

Rủi ro giảm: Cuộc chiến giá kéo dài và ngày càng gay gắt trong ngành chuyển phát nhanh; chi tiêu tiêu dùng thấp hơn dự kiến; đầu tư không hiệu quả vào các mảng kinh doanh mới

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục