Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 19/4 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/4

SJS: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Trong bối cảnh Nhà nước đang xem xét các chính sách nhằm quản lý chặt dòng vốn vào thị trường bất động sản, CTCP Đầu tư Phát triển Khu độ thị và Khu công nghiệp Sông Đà (mã SJS) sẽ gặp một số thách thức khi công ty tăng cường bán lẻ đến các khách hàng cá nhân và giảm kinh doanh thứ phát.

Tuy nhiên, BVSC dự báo SJS vẫn có thể hoàn thành kế hoạch 2016 dựa trên các yếu tố: (1) giá bán dự án Nam An Khánh vẫn ở mức hấp dẫn so với các dự án lân cận; (2) cơ sở hạ tầng đang được tích cực hoàn thiện góp phần nâng cao giá trị sản phẩm; (3) sự hỗ trợ từ các đối tác kinh doanh thứ phát của SJS như Techcomdeveloper, MB...

Tổng mức chi trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu của SJS sắp tới là gần 20% tương ứng tỷ suất cổ tức 10%, đây là mức tỷ suất khá hấp dẫn với một doanh nghiệp bất động sản. Trong trường hợp SJS hoàn thành kế hoạch, EPS 2016 dự kiến đạt 2.600 đồng/cp tương đương PE fw2016 khoảng 8 lần. Đây là mức định giá khá tốt với một doanh nghiệp bất động sản. BVSC khuyến nghị NẮM GIỮ với cổ phiếu SJS.

PNJ: Giá mục tiêu là 63.000 đồng/CP

Trong quý I/2016, CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) đã đạt doanh thu 2.356 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu trang sức tăng 20% lên 1.820 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao 17.6%.

So với kế hoạch năm 2016, mục tiêu doanh thu là 8.781 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 361 tỷ đồng, kết quả quý I của PNJ đã hoàn thành 27% về doanh thu và 33% về lợi nhuận sau thuế.

Theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng cho sản xuất trang sức của Việt Nam tăng 25,6% trong năm 2015 và dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2016. PNJ với các thế mạnh sẵn có sẽ là Công ty được hưởng lợi tốt nhất trong xu hướng tăng của thị trường vàng trang sức cộng với khả năng lấy thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ. Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng công ty vẫn có thể duy trì tăng trưởng cao trong 2 năm tới. Cơ cấu sản phẩm tập trung vào nhóm hàng trang sức cao cấp cũng sẽ giúp tăng về biên lợi nhuận.

Trong năm 2016, BVSC ước tính doanh thu đạt 8.797 tỷ đồng. Với biên lợi nhuận gộp trong năm ước tính 16.9% cùng với mức trích lập dự phòng tài chính như kế hoạch của Công ty là 115 tỷ đồng và một khoản lợi nhuận đột biến từ bán tài sản 40 tỷ (bán bất động sản trước đây được sử dụng là cửa hàng tại quận 1), chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế là 520 tỷ đồng tương ứng với EPS 5.239 đồng/cp. So với kế hoạch của PNJ, ước tính của chúng tôi cao hơn khoảng 44% về lợi nhuận.

Chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh PE của PNJ với các doanh nghiệp bán lẻ phụ kiện thời trang trong khu vực Châu Á có quy mô vốn hóa gần tương đương với PNJ. Dựa trên PE bình quân khoảng 12 lần, chúng tôi đưa ra mức giá kỳ vọng cho PNJ là 63.000 đồng/cp.

OPC: Khuyến nghị thận trọng khi đầu tư

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Doanh thu thuần năm 2015 đạt 663,9 tỷ đồng, tăng khoảng 8,3% so với năm 2014 và vượt chỉ tiêu 8% so với kế hoạch đã đề ra. Dòng sản phẩm mang lại doanh thu chủ lực cho OPC vẫn là các dòng sản phẩm đông dược chủ chốt của OPC từ lâu có thể kể đến như Kim tiền thảo, Cao ích mẫu, Dầu khuynh Diệp...

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự kiến của năm 2016 là 680 tỷ đồng & 95 tỷ đồng, chỉ tăng một cách khiêm tốn 2.5-3% so với cùng kỳ năm 2015. Trước kế hoạch tăng trưởng khiêm tốn, cổ đông lớn SSIAM đề xuất ban điều hành của OPC phải đặt chỉ tiêu kinh doanh năm 2016 mạnh mẽ hơn, tuy nhiên ban lãnh đạo đã đưa ra lý do thị trường dược bão hòa nên tăng trưởng 2016 chỉ đạt mức này.

Chúng tôi nhận định thận trọng với việc đầu tư vào cổ phiếu OPC với các lý do như (1) rào cản sản xuất thấp, cạnh tranh mảng đông dược ngày càng gay gắt; (2) OPC chưa có những chiến lược cho tăng trưởng dài hạn tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường đông dược; (3) Thanh khoản cổ phiếu OPC thấp, (4) P/E forward OPC đạt 12.3x tương đương với mức trung bình ngành dược hiện tại.

VCB: Khuyến nghị mua

CTCK BIDV (BSC)

Năm 2016, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) đặt muc tiêu dư nợ cho vay tăng 17%, đạt 453.000 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng tăng 15% đạt 578.000 tỷ đồng, tương đương LDR là 78%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp hơn 2,5%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khoảng 5.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 10%.

ĐHCĐ thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức là 10% tiền mặt và 35% cổ phiếu thưởng. Ngân hàng dự kiến phát hành riêng lẻ 10% vốn trong năm 2016, nâng vốn điều lệ của VCB lên gần 40 nghìn tỷ đồng (tăng 13 nghìn tỷ so với cuối năm 2015). Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu về vốn theo Basel II, có thể ngân hàng sẽ phát hành trái phiếu, tăng vốn cấp 2.

Quý I/2016, huy động vốn VCB tăng 2,7%, tín dụng tăng 6,5%. Tỷ lệ nợ xấu đạt 1,76%. Chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu là 1.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 2.300 tỷ đồng, tăng 62% cùng kỳ.

VCB hiện đang nắm giữ vốn tại 5 tổ chức tín dụng là MBB (7,16%), EIB (8,19%), Ngân hàng Phương Đông (5,07%), Ngân hàng Sài Gòn (4,3%) và Công ty tài chính Xi măng (10,91%). Ngân hàng dự kiến giữ lại phần vốn tại 2 tổ chức tín dụng, trong đó, phương án giữ lại vốn tại MBB đã được NHNN chấp thuận.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu VCB với giá mục tiêu là 45.500 đồng/cp (tham khảo báo cáo cập nhật VCB).

VCB: Duy trì đánh giá khả quan

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Kết quả kinh doanh quý I/2016 khả quan cho thấy kế hoạch tăng trưởng tín dụng 17% và tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 10% là hoàn toàn khả thi. Chúng tôi cho rằng VCB nhiều khả năng sẽ hoàn thành vượt mức này nhờ các yếu tố cơ bản tốt như chất lượng tài sản được cải thiện, chi phí dự phòng giảm, khả năng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tăng NIM. Do đó chúng tôi tiếp tục duy trì đánh giá khả quan đối với cổ phiếu VCB.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục