Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 19/2 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/2

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu SSI trong dài hạn nằm tại mức 49.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán SSI đang ở trong trạng thái tăng giá sau nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn về vùng giá 26. Thanh khoản cao trong phiên hôm nay 18/2 cùng với việc giá cổ phiếu đi ngang là cơ hội tốt để mua vào.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Thêm vào đó chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua cùng với đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu sẽ tiếp tục củng cố đà tăng.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của SSI nằm tại khu vực xung quanh 29-30. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu trong dài hạn nằm tại mức 49.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 29.7 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu IMP với giá mục tiêu 72.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong tháng 1/2021, doanh thu của CTCP Dược phẩm IMEXPHARM (IMP) đã tăng mạnh 75% so với cùng kỳ năm trước đạt 118 tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 90%, đạt 20 tỷ đồng.

Chúng tôi cho rằng các kết quả kinh doanh tích cực này đến từ (1) Tết Nguyên đán đến trễ trong năm 2021 (tháng 2) so với 2020 (tháng 1), khi làm giảm số ngày làm việc trong tháng 1/2020, (2) doanh thu của kênh bán nhà thuốc và bệnh viện phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19, và (3) bàn giao một số đơn hàng từ kênh bệnh viện còn tồn đọng từ cuối năm 2020.

Trong tháng 1/2021, doanh thu các sản phẩm tự sản xuất (chiếm 99% tổng doanh thu) tăng mạnh 106%, trong đó doanh thu kênh bán nhà thuốc/bệnh viện tăng mạnh 83%/206% YoY. Kênh bán nhà thuốc/bệnh viện chiếm lần lượt 76%/24% doanh thu sản phẩm tự sản xuất của IMP trong tháng 1/2021, theo ước tính của chúng tôi.

Các kết quả này củng cố cho kỳ vọng của chúng tôi về tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của IMP trong năm 2021. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho IMP với giá mục tiêu 72.200 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 30%, bao gồm lợi suất cổ tức 22,6%), dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 66.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị cho CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) từ mua còn khả quan trong khi tăng giá mục tiêu thêm 2% lên 66.200 đồng/CP chủ yếu do số dư tiền mặt cao hơn vào cuối năm 2020. Giá cổ phiếu của BMP đã tăng 7% trong 3 tháng qua.

Trong năm 2020, BMP báo cáo doanh thu đạt 4,7 nghìn tỷ đồng (tăng 8% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 523 tỷ đồng (tăng trưởng 24%). Biên lợi nhuận gộp cả năm 2020 của BMP thấp hơn nhẹ so với kỳ vọng của chúng tôi nhưng được bù đắp bởi chi phí SG&A/doanh thu thấp hơn, dẫn đến biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 14,9% phù hợp với dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 thêm 1% còn 507 tỷ đồng (giảm 3% so với năm trước) khi chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận gộp năm 2021 sẽ giảm từ mức cơ sở cao năm 2020 khi giá nhựa đã tăng từ cuối năm 2020, sẽ được bù đắp một phần bởi dự báo tăng trưởng sản lượng bán ổn định đạt 6%.

Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng các sáng kiến tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của BMP trong giai đoạn 2019-2020 sẽ dẫn đến biên lợi nhuận ổn định hơn trong dài hạn. Do đó, chúng tôi nhìn chung giữ nguyên dự báo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021-2025 cho BMP, tương ứng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 2% trong giai đoạn 2020- 2025.

Chúng tôi tiếp tục cho rằng định giá hiện tại của BMP với P/E dự phóng năm 2021 là 10,8 lần (dựa theo dự báo của chúng tôi) là hấp dẫn so với trung vị P/E trượt trung bình 6 tháng của các công ty cùng ngành trong khu vực là 14,0 lần khi BMP có bảng cân đối kế toán ổn định và khả năng sinh lời vượt trội so với các đối thủ.

Rủi ro: Biên lợi nhuận giảm mạnh hơn dự kiến do biến động chi phí nhựa đầu vào.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PPC

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) do lợi suất cổ tức hấp dẫn ở mức khoảng 10% của PPC và quan điểm của chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu chưa phản ánh đầy đủ giá trị của các khoản đầu tư của công ty tại HND và QTP.

Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 12% khi chúng tôi chuyển sang phương thức định giá tổng của từng phần thay vì áp dụng cả 3 phương thức bao gồm chiết khấu dòng tiền, P/E và EV/EBITDA như trước đây.

Thay đổi của chúng tôi trong phương thức định giá bù đắp cho mức giảm khoảng 10% trong dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2021-2022, chủ yếu do dự báo sản lượng điện thương phẩm thấp hơn. Dự báo của chúng tôi cho giai đoạn 2023-2025 phần lớn không thay đổi.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế điều chỉnh đi ngang so với cùng kỳ trong năm 2021 khi chúng tôi dự báo thu nhập cổ tức tăng 33% và chênh lệch giá tăng 14% (nhờ tỷ lệ nhiệt trị cải thiện) sẽ bù đắp hoàn toàn cho mức giảm 18% của sản lượng điện thương phẩm.

Tuy nhiên, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế báo cáo giảm 19% trong năm 2021 do không ghi nhận khoản thu nhập bất thường lớn nào trong năm 2020.

Chúng tôi giảm dự báo cổ tức/cổ phiếu năm 2021 và 2022 từ 3.000 đồng/CP trước đây còn 2.500 đồng/CP, phù hợp với mức điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận của chúng tôi.

Dự báo cổ tức/cổ phiếu có khả năng được điều chỉnh tăng khi EVNGENCO2 (công ty mẹ của PPC) gần đây đã thực hiện cổ phần hóa và nhiều khả năng sẽ yêu cầu tỷ lệ thanh toán cao hơn từ các công ty con trong tương lai, theo quan điểm của chúng tôi.

PPC hiện được giao dịch tại P/E báo cáo năm 2021 là 10,8 lần, thấp hơn 23% so với trung vị P/E 4 năm của một số công ty cùng ngành trong khu vực.

Rủi ro: lợi nhuận thấp hơn dự kiến từ sản lượng điện ngoài hợp đồng.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHC

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) khi chúng tôi cho rằng mảng phi lê cá tra của VHC sẽ bước vào chu kỳ tăng mới sau 2 năm suy yếu trong khi mảng collagen và gelatin (C&G) vốn có biên lợi nhuận cao (chiếm 38% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021) có triển vọng tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, chúng tôi giảm giá mục tiêu 22% chủ yếu do mức điều chỉnh giảm 26% trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021-2023 khi chúng tôi giảm dự phóng doanh số mảng C&G (trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nhu cầu C&G) và dự phóng biên lợi nhuận gộp mảng phi lê (trong bối cảnh Trung Quốc thắt chặt kiểm soát thực phẩm đông lạnh nhập khẩu và thiếu hụt container toàn cầu).

Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E dự phóng năm 2021 là 10,2 lần – cao hơn P/E trượt trung bình 5 năm là 7,3 lần. Chúng tôi cho rằng VHC nên được định giá lại do đóng góp lớn hiện tại của mảng C&G (so với không đóng góp trong năm 2017) và chúng tôi cho rằng mảng C&G sẽ có định giá cao hơn so với mảng xuất khẩu phi lê truyền thống của VHC.

Rủi ro: Các quy định nhập khẩu nghiêm ngặt của Trung Quốc kéo dài do lo ngại dịch COVID-19 lây lan từ sản phẩm đông lạnh nhập khẩu; thị phần và biên lợi nhuận thấp hơn dự kiến tại thị trường Mỹ do cạnh tranh từ các đối thủ mới; doanh số C&G thấp hơn dự kiến.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục