SWC: Khuyến nghị mua vào với tầm nhìn 1 năm
CTCK MB (MBS)
Tổng CTCP Đường sông miền Nam (SWC – sàn UPCoM) hiện đang là một trong những công ty hàng đầu trong ngành vận tải thủy, xếp dỡ hàng hóa, cơ khí đóng tàu, tư vấn thiết kế và thi công công trình, công ty có quan hệ mật thiết với các hãng tàu uy tín, các dịch vụ của công ty luôn đảm bảo đúng lịch trình với giá cước phù hợp, đáp ứng yêu cầu riêng của từng khách hàng.
Thời gian qua SCIC đã thoái vốn khỏi SWC, Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Sotrans đã mua vào phần vốn của SWC và tiếp tục mua vào mạnh các cổ phần của các nhà đầu tư cá nhân tổ chức khác bán ra và hiện tại đã nắm hơn 51% phần vốn.
Kết quả kinh doanh quý 1/2016 của công ty tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ với lợi nhuận sau thuế đạt 22 tỷ đồng tăng trưởng 407%, doanh thu của công ty đạt 49 tỷ đồng tăng trưởng 103%. Đóng góp phần lớn vào doanh thu với mức tăng thu 660% do nhận lãi từ công ty liên kết Keppel Land. Đại hội cổ đông năm 2016 cũng đã thống nhất chia cổ tức năm 2015 với 5% tiền mặt và thoái vốn khỏi tòa nhà Saigon Centre dự kiến theo giá thị trường khoảng 40 triệu USD.
Theo kế hoạch từ HNX trong thời gian tới cổ phiếu trên sàn Upcom sẽ được cho vay ký quỹ với một số cổ phiếu có tình hình tài chính tốt và HNX cũng sẽ xây dựng bổ bảng cổ phiếu Upcom Premium, chúng tôi nhận định SWC sẽ được lựa chọn vào bảng Upcom Premium và được giao dịch ký quỹ vay margin khi tình hình tài chính của công ty tốt với 4 năm liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng. ROE năm 2015 đạt 6.85%, lợi nhuận sau thuế đạt 66 tỷ với yêu cầu vào bảng Upcom Premium là ROE từ 5% trở lên, lợi nhuận năm gần nhất trên 30 tỷ.
Ngày 27/5 là ngày chốt quyền cổ tức bằng tiền mặt 2015 với tỷ lệ 5%. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư mua vào cổ phiếu SWC với tầm nhìn 1 năm với định giá cổ phiếu 20.000 đồng tăng trưởng 33% chưa tính cổ tức 5%.
HAG: Thời gian tới sẽ được cứu
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với sự tham dự của nhiều cục, vụ chức năng đã họp bàn và xem xét thông qua đề xuất của các ngân hàng về phương án tái cơ cấu nợ cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG).
Tính đến cuối năm 2015, nợ phải trả của HAGL lên đến 32.900 tỷ đồng, trong đó có sự góp mặt của gần chục ngân hàng thông qua vay nợ trực tiếp hoặc “ôm” các khoản vay từ phát hành trái phiếu của chính doanh nghiệp này. Ba chủ nợ lớn nhất của HAGL gồm: BIDV với hơn 10.000 tỷ đồng, Eximbank với gần 4.000 tỷ đồng và VP Bank với 2.800 tỷ đồng.
Trước đó, các ngân hàng chủ nợ của HAGL đã “nhóm họp” tại Hà Nội với sự chủ trì của BIDV và thống nhất trình NHNN xin tái cơ cấu một số khoản nợ. Các ngân hàng thương mại đã xin cho HAGL được giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi một số khoản nợ (điều này một số ngân hàng đã chủ động làm trước đó). Xét thấy khó khăn của HAGL do nhiều yếu tố biến động của thị trường, tài sản đảm bảo vẫn còn nên các ngân hàng đã đồng thuận kéo dài thời gian trả lãi và gốc cho phù hợp hơn với công ty. Điều đó cũng đồng nghĩa, thời gian tới HAGL sẽ được cứu.