Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/9

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/9 của các công ty chứng khoán.

FPT nhiều dư địa tăng trưởng trong 3-5 năm

CTCK BIDV (BSC)

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế 8 tháng năm 2018 của CTCP FPT (mã FPT) lần lượt đạt 14.061 tỷ (tăng trưởng 19 so với cùng kỳ năm trước) và 2.340 tỷ (tăng trưởng 32%).

Mảng xuất khẩu phần mềm tăng trưởng tốt với việc ghi nhận doanh thu 5.044 tỷ (tăng trưởng 33%), lợi nhuận trước thuế 773 tỷ (tăng 30%). Từ đầu năm, công ty ký được 2 hợp đồng lớn: hợp đồng 100 triệu USD với đối tác EU lĩnh vực Dầu khí, hợp đồng 35 triệu USD với đối tác Nhật lĩnh vực In ấn, Thực phẩm. 

Mảng giải pháp phần mềm, tích hợp hệ thống và dịch vụ công nghệ thông tin chững lại do suy giảm hợp đồng từ khối chính phủ. Trong 6 tháng năm 2018, tổng giá trị hợp đồng ký kết đạt 1.657 tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ), đã có sự cải thiện so với thời điểm quý I/2018 (giảm 52% so với cùng kỳ).

Mảng dịch vụ viễn thông tiếp tục tăng trưởng đến từ tăng trưởng số lượng thuê bao với doanh thu 5.362 tỷ (tăng trưởng 17%) và lợi nhuận trước thuế 806 tỷ (tăng trưởng 21%). Doanh thu cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng đạt 3.461 tỷ (tăng 13%) do số lượng thuê bao tăng (18% so với cùng kỳ) nhưng giá thuê bao giảm do mở rộng nhóm khách hàng tại các thành phố cấp 2, 3. 

Khối Giáo dục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhờ kết quả tuyển sinh tăng trưởng ấn tượng (tăng 55% so với 8 tháng đầu năm 2017). Trong tháng 8, FPT đã tổ chức Lễ khánh thành giai đoạn 1 Khu Tổ hợp Đại học và Công viên Phần mềm FPT tại Cần Thơ.

Bên cạnh đó, FPT còn có những điểm lợi như tăng trưởng từ Nhật Bản khi các đối thủ Trung Quốc tập trung thị trường nội địa ; sức mạnh cộng hưởng từ việc mua lại công ty Intellinet của Mỹ ; tỷ lệ thâm nhập Internet tại Việt Nam ở mức ~50%, nhiều dư địa tăng trưởng trong 3 - 5 năm tới.

Ngày 13/9/2018, cổ phiếu FPT được giao dịch với giá 43.400 VND/cp, tương đương P/E trailing là 8.63 và P.B là 2.29. 

Cổ phiếu TCM sẽ tiếp tục tăng

CTCK BIDV (BSC)

Xu hướng hiện tại của cổ phiếu TCM của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công là tăng mạnh.

Chỉ báo xu hướng MACD phân kỳ dtrên đường trung tâm. Chỉ báo RSI vượt kênh Bollinger trên. Đà tăng 3 đường MA tăng mạnh. Đường MA 20 nằm dưới 2 đường MA50 và MA 200.

Nhận định: Cổ phiếu TCM đang vận động trong kênh giá 24.34-26.9. Chỉ số RSI đã vượt đỉnh kênh Bollinger trên, báo hiệu vùng quá mua. Hiện tại, mức giá tăng và thanh khoản đang tăng mạnh báo hiệu cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Khuyến nghị mua cổ phiếu POW

CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong 8 tháng 2018, sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) đã tăng 3,3% so với cùng kỳ, đạt 14,8 tỷ kWh, chủ yếu được dẫn dắt bởi tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ 17,8% trong 8 tháng 2018 của nhà máy Vũng Áng do không còn vấn đề về kỹ thuật hoặc tắc nghẽn đường truyền.

Chúng tôi cho rằng sản lượng điện bán thấp của Vũng Áng trong tháng 8 (giảm 37% so với cùng kỳ) là do ảnh hưởng từ quá trình trung tu. Do đó, chúng tôi nhiều khả năng sẽ giữ khuyến nghị MUA với thay đổi dự báo không đáng kể trong báo cáo cập nhật sắp tới.

Trong tháng 8/2018, POW đã làm việc với ING, Ansaldo Energia (công ty kỹ thuật điện) và ngân hàng Standard Chartered để chuẩn bị cho dự án Nhơn Trạch 3 và 4 sắp tới, hứa hẹn triển vọng tăng trưởng trong dài hạn cho công ty.

Chúng tôi hiện đang khuyến nghị giá mục tiêu 19.600 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 34,5% (bao gồm lợi suất cổ tức 2,0%), trong khi cổ phiếu hiện đang giao dịch với P/E 14,4 lần và EV/EBITDA 7,2 lần trong năm 2018.

Khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu PVD

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) cho biết ngày 10/09/2018 đã thu về 200 tỷ trong tổng số 800 tỷ khoản phải thu từ Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Với khoản tiền được thu trên, chúng tôi ước tính công ty có thể hoàn nhập dự phòng nợ xấu khoảng 110 tỷ trong quý III/2018, cho thấy khả năng lời trong quý III.

Đây là một bước tiến tích cực vì (1) sẽ giúp giảm áp lực đối với dòng tiền của PVD và (2) với cam kết trả nợ xấu của PVEP từ đây đến cuối năm, chúng tôi có thể sẽ điều chỉnh lỗ thuần cả năm từ 500 tỷ xuống 320 tỷ trong báo cáo cập nhật tới. Lỗ từ hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn sẽ khoảng 500 tỷ do giá thuê giàn hồi phục chậm so với giá dầu.

Chúng tôi sẽ điều chỉnh tăng giá mục tiêu vì sự kiện trên và khả năng giá dầu sẽ cao hơn so với kịch bản cơ sở, nhưng có thể sẽ giữ khuyến nghị phù hợp thị trường. Hiện PVD đang giao dịch tại mức P/B 0,5 lần.

Giá mục tiêu cho cổ phiếu FRT là 94.700 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Theo nghị quyết HĐQT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), vốn điều lệ ban đầu của FPT Pharma là 100 tỷ đồng, trong đó FRT sẽ đóng góp 75% cổ phần.

Cơ cấu sở hữu này là khá tương đồng với sở hữu của CTCP FPT (mã FPT) tại chính FRT trước đây, khi FPT để phần sở hữu còn lại cho đội ngũ lãnh đạo nhằm tạo ra động lực kinh doanh.

Chúng tôi trước đây giả định tỷ lệ sở hữu 100% của FRT tại Long Châu, do đó, mức tỷ lệ sở hữu 75% sẽ làm giảm giá mục tiêu của chúng tôi cho FRT khoảng 2%.

Long Châu hiện đang sở hữu 16 cửa hàng tại TP. HCM và đang có tiến triển tốt. Trong 6 tháng 2018, Long Châu đạt doanh thu 154 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4,2 tỷ đồng.

Trong trung hạn, chúng tôi dự phóng Long Châu sẽ đóng góp 8% cho lợi nhuận sau thuế của FRT vào năm 2020 nhờ tốc độc tăng trưởng doanh số từ cửa hàng (SSSG) ở mức 2 chữ số, 30 cửa hàng mới trong năm 2019 và 50 cửa hàng mới vào năm 2020, đưa tổng số cửa hàng lên 98 vào cuối năm 2020.

Các thông tin chi tiết về kế hoạch triển khi và vận hành của FRT được trình bày kỹ hơn trong báo cáo cập nhật gần đây nhất của chúng tôi.

Chúng tôi hiện đang khuyến nghị giá mục tiêu 94.700 đồng/CP cho FRT, tương ứng với tổng mức sinh lời 29% bao gồm lợi suất cổ tức 2,7%.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục