Khuyến nghị chốt lãi khi cổ phiếu ITA khi tiếp cận đỉnh cũ 8.75
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đã hình thành xu hướng tăng giá sau khi tích lũy quanh ngưỡng 6.7. Thanh khoản cổ phiếu nằm trên giao dịch trung bình 20 phiên đồng thuận với nhịp tăng giá cổ phiếu.
Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá cổ phiếu. Đường giá cổ phiếu đã cắt lên dải mây Ichimoku báo hiệu xu hướng tăng giá trung hạn hình thành.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh vùng giá 7.2 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận đỉnh cũ 8.75. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 6.7
Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu DRI
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu DRI của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk trong bối cảnh triển vọng khả quan của thị trường cao su trong năm 2021 khi dịch Covid-19 được kiểm soát và kinh tế toàn cầu dần hồi phục. Kết quả kinh doanh của DRI nhờ đó sẽ chứng kiến tăng trưởng nhảy vọt trong năm nay.
Trước tác động của dịch Covid-19 trong nửa đầu năm 2020, giá bán cao su bình quân giảm 8,6% n/n trong khi sản lượng tiêu thụ chứng kiến giảm mạnh 41,4%, khiến DRI ghi nhận lỗ 21,5 tỷ đồng trong giai đoạn này, giảm mạnh so với mức lãi 8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 7 tỷ đồng cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ lớn nhất trong giai đoạn 2017 – 2020.
Kể từ quý III/2020, giá cao su bắt đầu hồi phục với nguyên nhân chính là (i) năng suất mủ cao su giảm sút trước tình hình thời tiết bất lợi, bệnh rụng lá cũng như hoạt động thu hoạch mủ cao su gặp gián đoạn do dịch Covid-19, và (ii) nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc trong giai đoạn hậu Covid-19.
Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên ANRPC cho biết, tiêu thụ cao su tự nhiên thế giới đã tăng 4% trong giai đoạn tháng 4-11 năm 2020 do tâm lý lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục nhanh nhờ vaccin Covid-19.
Kết quả là, kết quả kinh doanh 2 quý cuối năm của DRI tăng mạnh trở lại. Doanh thu 2 quý cuối năm tăng nhẹ 3% với biên lợi nhuận gộp đạt 38,8%, cao hơn mức 34,9% cùng kỳ và 12,2% trong nửa đầu năm 2020. Lãi ròng trong 2H2020 đạt 48 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ mủ cao su cả năm 2020 đạt 12.663 tấn, giảm 27,5% chủ yếu do tác động của dịch trong nửa đầu năm.
Kinh tế thế giới đang chứng kiến tăng trưởng dần trở lại trong bối cảnh những lo ngại về dịch Covid-19 được đẩy lùi nhờ vaccin phòng bệnh sẽ được phổ biến rộng rãi, đặc biệt trong nửa cuối năm 2021. Chính điều này đã mang lại nhiều kỳ vọng đối với thị trường hàng hóa, trong đó có cao su. Tăng giá trên thị trường dầu thô cũng là yếu tố tác động tích cực đối với giá cao su thế giới.
Nhu cầu cao su thiên nhiên thế giới được Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) được dự báo hồi phục mạnh trong năm 2021 nhờ tăng trưởng của phân khúc xe thương mại, trong khi nhu cầu cao su tổng hợp ước tính sẽ tăng 10,2% n/n nhờ nhu cầu găng tay & các sản phẩm khác trong mùa dịch.
Ngược lại, năng suất cao su sẽ giảm đáng kể trong giai đoạn 2021-2022 do lo ngại về nguồn cung cao su thấp hơn trong điều kiện thiếu hụt lao động do đại dịch, bất ổn chính trị tại Thái Lan, và bệnh nấm lá ở cây cao su tại Indonesia, Thái Lan và Sri Lanka khiến năng suất cao su sẽ giảm đáng kể trong 2 năm 2021-2022. Thâm hụt cung – cầu giúp giá cao su tăng >3% n/n trong năm 2021, theo WB.
Chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận của DRI trong năm 2021 đạt lần lượt 511 tỷ đồng và 41 tỷ đồng, tăng tương ứng 19,5% và ~58% so với kết quả thực hiện năm 2020 căn cứ trên các giả định: (i) sản lượng mủ cao su tiêu thụ tăng 15% lên 14.562 tấn nhờ thị trường cao su thế giới hồi phục, (ii) giá bán cao su bình quân tăng 2% n/n, và (iii) sản lượng điều & chuối tăng tương ứng 10% và 15% n/n, đóng góp 6,3% tổng doanh thu toàn Công ty.