Dù Fed dự kiến không có thay đổi nào về chính sách lãi suất, nhưng các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ bất kỳ quan điểm nào liên quan đến việc thị trường trái phiếu bị bán tháo đã đẩy lợi suất trái phiếu 10 năm tăng trên 1,60%, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 đến nay.
Bên cạnh cuộc họp của Fed, dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ sẽ là trọng tâm để có thêm các dấu hiệu về sự phục hồi của nền kinh tế sau khi mở cửa trở lại.
Ngoài ra, còn nhiều sự kiện quan trọng mà có thể ảnh hưởng tới diễn biến thị trường trong tuần này. Dưới đây là năm sự kiện mà nhà đầu tư không thể bỏ qua để bắt đầu tuần giao dịch mới.
Cuộc họp chính sách của Fed
Cục Dự trữ Liên bang dự kiến sẽ có cuộc họp kéo dài hai ngày từ thứ Tư (17/3), cuộc họp dự kiến sẽ không có sự thay đổi lãi suất và giữ nguyên lãi suất từ 0,0% -0,25%.
Mọi sự chú ý sẽ tập trung vào bài phát biểu của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell sẽ tổ chức một cuộc họp báo kéo dài 30 phút sau cuộc họp của Fed.
Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những dấu hiệu rõ ràng về quan điểm của ông Powell và các nhà hoạch định chính sách khác của Fed trước lo ngại về mức tăng đột biến hiện tại của lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm, trong đó giới đầu tư đang lo lắng lạm phát sẽ quay trở lại.
Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng sẽ đưa ra các dự báo mới về tăng trưởng kinh tế và lãi suất trong thời gian tới, đây là cơ sở để các nhà đầu tư đưa ra các kỳ vọng và thị trường trong thời gian tới.
Trong đó, có những quan điểm cho rằng Fed có thể nâng lãi suất sớm hơn vào cuối năm 2022 thay vì như kế hoạch trước đó là giữ nguyên lãi suất cho đến cuối năm 2023.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố dữ liệu về doanh số bán lẻ cho tháng 2 vào thứ Ba (16/3).
Nhiều nhà kinh tế đang cùng dự báo doanh số bán lẻ giảm 0,6% so với tháng trước, sau khi tháng 1 tăng 5,3%. Nếu loại trừ lĩnh vực ô tô, doanh số bán lẻ cốt lõi dự kiến sẽ giảm 0,1% so với tháng 1, sau khi tăng 5,9% trong tháng trước.
Được biết, doanh số bán lẻ tăng điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, trong khi doanh số bán lẻ suy giảm báo hiệu nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Trong nhiều năm qua, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ chiếm tới 70% tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Ngoài doanh số bán lẻ, trong tuần này cũng có các báo cáo mới nhất về số hồ sơ xin trợ cấp thấp nghiệp, báo cáo hoạt động sản xuất công nghiệp…
Báo cáo tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp
Mùa báo cáo tình hình kinh doanh quý IV/2020 đã đi tới giai đoạn cuối, tuy nhiên vẫn còn một số tên tuổi lớn sẽ có báo cáo trong tuần nay và được nhiều nhà đầu tư quan tâm, phần lớn sự tập trung rơi vào FedEx và Nike, cả hai đều báo cáo vào thứ Năm (18/3).
Các công ty đáng chú ý khác báo cáo trong tuần này bao gồm Dollar General, Crowdstrike, Coupa Software, PagerDuty, và Sundial Growers.
Ngân hàng Trung ương Anh sẽ đưa ra thông báo chính sách
Thống đốc Andrew Bailey và những nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ giữ chi phí đi vay ở mức 0,10% khi BoE thông báo chính sách vào thứ Năm (18/3).
Các nhà kinh tế mong đợi một cuộc bỏ phiếu ủng hộ việc giữ ổn định lãi suất.
Bên cạnh đó, nhiều nhà kinh tế cũng dự báo bất kỳ hành động nào như tăng cường mua trái phiếu của BoE có thể sẽ đến vào cuối năm - có lẽ vào tháng 5 khi có thêm nhiều dữ liệu nền kinh tế.
Cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), ngân hàng trung ương đi tiên phong trong việc kiểm soát đường cong lợi suất, được cho là sẽ giữ chính sách tiền tệ không thay đổi tại thời điểm xem xét lãi suất trong hai ngày và kết thúc vào thứ Sáu (19/3).
Tuy nhiên, BoJ có thể sẽ đưa ra hướng dẫn rõ ràng hơn trong tuyên bố của mình về mức độ dao động có thể chấp nhận được trong lãi suất dài hạn, theo các nguồn tin của Reuters.
Ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc BoJ sẽ tổ chức một cuộc họp báo sau đó để thông báo định hướng chính sách tiền tệ trong giai đoạn sắp tới.