Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/2 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/2

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 125.000 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Năm 2021, CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) đạt doanh thu thuần 35.657 tỷ đồng (tăng 20% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 4.333 tỷ đồng (tăng trưởng 22%).

Kết thúc năm 2021, FPT hoàn thành lần lượt 103% và 102% kế hoạch năm về doanh thu và lợi nhuận trước thuế. Kết quả trên tương ứng với 101% và 102% dự báo về doanh thu và lợi nhuận của BVSC trong báo cáo cập nhật cuối tháng 10/2021.

Theo Gartner, chi tiêu DX toàn thế giới sẽ đạt 2,39 nghìn tỷ USD vào năm 2024 so với mức dưới 1 nghìn tỷ USD năm 2017, đồng nghĩa với mức tăng trưởng kép 13,9% năm. FPT đã hưởng lợi từ xu hướng này rất nhiều với doanh thu DX tăng trưởng lên đến 72% trong 2021, dẫn dắt bởi các mảng AI/Data Analytics, Cloud và Low Code. Công ty tiếp tục đặt mục tiêu mảng DX tăng trưởng 35% trong 2022, và thực tế lượng hợp đồng ký trong riêng tháng 1/2022 đã tăng đến 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

FPT kỳ vọng doanh thu thị trường Mỹ, Châu Âu và APAC tăng trưởng lần lượt là 33%, 35-37% và 25-27% trong 2022. Ngoài ra, doanh thu thị trường Nhật cũng kỳ vọng tăng 19% so với mức tăng khiêm tốn 5% trong 2021 – chủ yếu là do đồng JPY mất giá trong khi khối lượng công việc tại Nhật vẫn tăng hơn 10%

FPT cho biết, Cloud đã thâm nhập hơn 10% khối hành chính công trong khi có đến 70% các doanh nghiệp Việt Nam đã có kế hoạch chuyển sang hạ tầng Cloud. Nắm bắt cơ hội này, FPT phấn đấu khối IT trong nước đạt tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận bình quân 30% mỗi năm trong 3 năm tới và 50% trong riêng 2022.

Công ty cũng tăng cường sử dụng các sản phẩm in-house để cải thiện biên lợi nhuận. Thực tế trong một dự án gần đây với một công ty phát triển bất động sản lớn ở Việt Nam, FPT đã áp dụng công nghệ trong nước với tỷ trọng lên đến 80%.

FPT cho biết, doanh thu năm 2021 của Base.vn đã tăng đến 70% và dòng tiền dương hơn 1 triệu USD (năm 2020 = 0). Đây sẽ là một mắt xích quan trọng đến FPT chạm đến thị trường DX của các SMEs.

BVSC dự báo, doanh thu năm 2022 của FPT đạt 43.805 tỷ đồng (tăng 23% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 5.487 tỷ đồng (tăng trưởng 27%). EPS tương ứng 5.562 đồng/CP và PE dự phóng 2022 16,4 lần.

BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với FPT với giá mục tiêu 125.000 đồng/CP, tương ứng với PE mục tiêu 22,5 lần cho 2022 và 18,4 lần cho 2023.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

FPT kỳ vọng tăng trưởng CAGR 3 năm không thấp hơn 30%, trong đó năm 2022 lợi nhuận trước thuế kỳ vọng tăng trưởng 50% với động lực từ chuyển đổi số. FPT sẽ tập trung phát triển các sản phẩm Made-by-FPT, hướng tới tệp khách hàng doanh nghiệp tài chính ngân hàng, sản xuất, bất động sản và khối hành chính công.

Trong khi tăng trưởng mảng Broadband sẽ chậm lại khi độ phủ internet tại Việt Nam đã ở mức cao, mảng PayTV kì vọng tăng trưởng trên 20% trong các năm tới dựa trên nhu cầu truyền hình số tăng cao tại các hộ gia đình, đặc biệt từ các gia đình trẻ.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT. Giá mục tiêu là 122.000 đồng/CP, cao hơn 30.1% so với giá tại ngày 11/02/2022.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGW

CTCK Phú Hưng (PHS)

Mảng điện thoại di động kỳ vọng đóng góp doanh thu lớn nhất trong 2022. Chúng tôi ước tính mảng điện thoại di động của CTCP Thế giới số (DGW – sàn HOSE) đạt mức tăng trưởng 35% so với năm ngoái nhờ (1) Sức mua phục hồi sau giãn cách xã hội; (2) Dù mất vị thế phân phối độc quyền của Xiaomi, DGW vẫn là nhà phân phối hàng đầu mà Xiaomi ủy thác phân phối tại Việt Nam. Công ty ước tính doanh thu Xiaomi đạt khoảng 8.000 tỷ đồng trong 2022 bởi nhãn hàng đang có chiến lược tăng trưởng thị phần vượt trội tại Việt Nam; (3) Đóng góp doanh thu vượt trội từ các sản phẩm Iphone của Apple.

Mảng máy tính xách tay và máy tính bảng duy trì tăng trưởng hai chữ số dù nhu cầu sử dụng giảm sau giãn cách xã hội: Chúng tôi kỳ vọng ngành hàng này của DGW ghi nhận tăng trưởng ~25% khi giá bán laptop đã tăng hơn hai chữ số so với đầu năm 2021 do tình trạng thiếu chips kéo dài đến 2023. Ngoài ra, DGW cũng đẩy mạnh phân phối thêm các dòng sản phẩm mới để gia tăng doanh thu.

Tiên phong phân phối các sản phẩm mới tại thị trường Việt Nam: DGW là đơn vị phân phối duy nhất thực hiện Chiến lược phát triển thị trường MES (Market Expansion Services) cho các nhãn hàng mới lần đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Chiến lược dài hạn của Công ty là tìm kiếm các ngành hàng mới còn dư địa tăng trưởng lớn (như thiết bị gia dụng và dược phẩm) nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng ít nhất 25%/năm trong 3 năm tiếp theo trong bối cảnh mức tăng trưởng các sản phẩm ICT bắt đầu “hạ nhiệt”. Cuối năm 2021, Công ty đã trở thành đối tác độc quyền cho thiết bị gia dụng Whirlpool và TV của TCL với kỳ vọng đạt 8-10% thị phần trong 2-3 năm tới.

Trong 2022, chúng tôi ước tính doanh thu thuần của DGW đạt đạt 27.623 tỷ đồng (tăng trưởng 32% so với năm trước) nhờ duy trì được mức tăng trưởng (trên 20%) của các ngành hàng ICT.

Bên cạnh đó, chúng tôi điều chỉnh mức biên lãi gộp của DGW từ 6,8% lên 7% do biên lãi gộp của máy tính xách tay và máy tính bảng kỳ vọng vẫn được cải thiện do tình trạng thiếu hụt chips toàn cầu. Lợi nhuận sau thuế đạt 805 tỷ đồng (tăng trưởng 22% so với năm trước), tăng 14% so với dự phóng trước đây.

Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, chúng tôi nâng mức giá hợp lý cho cổ phiếu DGW từ 140.600 đồng/cổ phiếu lên 152.000 đồng/cổ phiếu trong 12 tháng tới, cao hơn 37% so với giá hiện tại. Từ đó, khuyến nghị tiếp tục mua cho cổ phiếu này.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,221.03 4.67 0.38% 170,273 tỷ
HNX 228.22 0.73 0.32% 1,402 tỷ
UPCOM 89.78 0.09 0.1% 617 tỷ