Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/9

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/9 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/9

NTP: PE thấp hơn trung bình ngành, ở mức 9 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2015 của NTP đạt 1.639 tỷ, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Do giá bán ống nhựa không tăng, do đó mức tăng doanh thu là nhờ sản lượng bán ra tăng. Trong bối cảnh giá nhựa nguyên liệu (chiếm 70% giá thành sản xuất) giảm, biên lợi nhuận gộp tăng 2 điểm phần trăm (ppt), đạt mức 34%. Theo đó, lợi nhuận gộp đạt 563 tỷ, tăng 28% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, lỗ ròng từ tài chính là 22 tỷ, tăng 53,5% so với cùng kỳ do lãi vay tăng. Tại thời điểm cuối tháng 6/2015, tỷ lệ nợ vay/VCSH của NTP tăng lên mức 0,52 từ mức 0,45 cùng kỳ do Công ty cần thêm vốn triển khai giai đoạn 2 của nhà máy NTP Miền Trung. Do NTP tăng mạnh chiết khấu cho đại lý để cải thiện doanh số nên tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 3 ppt. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015 tăng thấp hơn doanh thu và đạt 175 tỷ. Như vậy kết thúc 6 tháng đầu năm, NTP ước hoàn thành được khoảng 51% kế hoạch doanh thu và 52% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

NTP cũng vừa công bố thông tin về việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn. Theo đó, NTP Miền Nam, hiện là công ty liên kết của NTP và NTP đang nắm giữ 37,78% cổ phần, đã đăng ký mua 1,2 triệu cổ phiếu NTP. Giao dịch dự kiến được thỏa thuận và khớp lệnh từ 18/9 đến 16/10/2015. Nếu thành công, số lượng cổ phiếu của NTP Miền Nam tại NTP sẽ tăng từ mức 2,13% lên 4,1%. Cơ cấu cổ đông của NTP khá cô đặc, khoảng 70% cổ phần được nắm giữ bởi các cổ đông lớn như SICI, Nawaplastic, Windstar Resources và PXP Fund. Việc NTP Miền Nam tăng sở hữu của NTP sẽ làm cho thanh khoản của NTP thấp đi, qua đó giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu.

Mặc dù không đột biến trong 6 tháng đầu năm 2015 cũng như trong kế hoạch cả năm 2015 do NTP duy trì chính sách chiết khấu cao hơn đối thủ để đạt mục tiêu tăng trưởng thị phần, nhưng chúng tôi vẫn đánh giá cao NTP nhờ vị thế dẫn đầu cả nước về sản lượng (năng lực sản xuất hàng năm khoảng 85.000 tấn) và thị phần (70% miền Bắc và 30% cả nước). Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 của NTP lần lượt đạt 3.286 tỷ và 369 tỷ, tăng 10% và 14% so với cùng kỳ. Theo đó, EPS 2015 dự phóng đạt 5.194 đồng/cp tương đương PE 2015 ở mức 9 lần, thấp hơn mức 10 lần trung bình ngành.

OPC: PE kỳ vọng gần 9 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Sát với dự đoán của chúng tôi, ngày 30/09/2015 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành mới, tỷ lệ 4:1, giá 10.000 đồng/cp. Với mức giá hiện tại của cp OPC là 32.900 đồng/cp, dự kiến giá điều chỉnh sau phát hành là 28.320 đồng/cp. Thời gian chuyển nhượng quyền mua là từ 12/10 đến 02/11/2015. Từ 12/10 đến 09/11 sẽ là thời gian đăng ký và nộp tiền mua cổ phần. Với tổng số lượng phát hành thêm là 5.062.339 cổ phần, dự kiến OPC sẽ thu về khoảng hơn 50,6 tỷ đồng. Trước đó, OPC đã phát hành ESOP tỷ lệ 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, tương đương hơn 964 ngàn cổ phiếu với mức giá 12.000 đồng/cp trong tháng 8/2015 vừa qua. Cùng với đợt chào bán này, thì vốn điều lệ của OPC vào cuối 2015 ước tăng hơn 31% n/n, lên 253,1 tỷ đồng.

EPS ước tính cho 2015 sẽ giảm khoảng 8% sau 2 đợt phát hành trên, còn 3.281 đồng/cp. Ngoài ra, mức cổ tức tiền mặt dự kiến chi trả cho 2015 sẽ điều chỉnh giảm từ 2.000 đồng/cp xuống 1.500 đồng/cp, tương đương tỷ suất cổ tức khoảng 5,3%. Ngày 21/09/2015 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức tạm ứng đợt 1/2015 tỷ lệ 1.000 đồng/cp. Ngày thanh toán dự kiến là 12/10/2015.

OPC dự kiến đầu tư 28 tỷ đồng để mua đất và xây dựng chi nhánh Hà Nội. Ngoài kế hoạch bổ sung khoảng 9,2 tỷ đồng cho vốn lưu động của công ty, số tiền hơn 13,4 tỷ đồng còn lại được đầu tư cho xưởng chế biến và mở rộng mạng lưới phân phối thuốc phiến. Mặc dù tiềm năng của mảng dược liệu khá lớn nhưng áp lực cạnh tranh cũng khá cao, đặc biệt là các sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc. Do vậy, chúng tôi không đánh giá cao triển vọng của sản phẩm thuốc phiến mới này. Ước doanh thu thuốc phiến đóng góp khoảng 1% tổng doanh thu 2015 của OPC. Đồng thời, với sản phẩm này, công ty cũng đặt mục tiêu gia tăng doanh thu hơn là lợi nhuận. (Thuốc phiến là những thuốc được chế biến từ các dược liệu thảo mộc, động vật hay khoáng chất bằng cách bào hay thái lát thành từng miếng mỏng, có khi để sống hoặc đã chế biến bằng các cách chế khác nhau như: nung, nướng, chưng, thuỷ phi... Đây là dạng trung gian dùng để bốc thuốc thang và để chế các dạng thuốc khác như: bột, viên, rượu, cao....).

Dù tình hình cạnh tranh trong phân khúc đông dược đang khá gay gắt, doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của OPC vẫn tăng 6,6% so với cùng kỳ, đạt 258,1 tỷ đồng, hoàn thành 58,2% kế hoạch 2015. Do e ngại về vấn đề cạnh trạnh, OPC đặt kế hoạch gần như không tăng trưởng trong năm 2015. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh hơn doanh thu, đến 11,9% so với cùng kỳ, đạt 40,1 tỷ đồng, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ mức 46,6% trong 6 tháng đầu năm 2014 lên mức 48% trong 6 tháng đầu năm 2015. Với mức lợi nhuận này, OPC cũng đã đạt được 59,3% kế hoạch cả năm 2015.

OPC dự kiến doanh thu tăng 5% so với cùng kỳ, lên 646 tỷ đồng. Công ty sẽ duy trì biên lợi nhuận ròng ở mức 11% và ROE ở mức 14%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 2016 ước đạt 72 tỷ, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Cổ tức tiền mặt duy trì 1.500 đồng/cp.

OPC đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng gần 9 lần, so với mức 11 lần bình quân ngành.

GMD: Dự phóng lợi nhuận đạt 370 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

CTCP Gemadept (GMD – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 tương đối khả quan. Doanh thu đạt mức 1726, tăng hơn 27% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt mức 204 tỷ VNĐ, giảm 59.2% so với cùng kỳ.  

Nguyên nhân, lợi nhuận ròng giảm manh so với cùng kỳ là do trong năm 2014, GMD ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến từ việc bán 85% tòa nhà Gemadept Tower. Trên thực tế, hoạt động kinh doanh cốt lõi của GMD bao gồm mảng khai thác cảng và logistics vẫn tăng trưởng khả quan.  

Mảng khai thác cảng biển của GMD cho thấy sự tăng trưởng mạnh (doanh thu tăng 84%) khi cảng Nam Hải – Đình Vũ đi vào khai thác hiệu quả. Hiện tại, Cảng Nam Hải Đình Vũ đang vẫn hành với gần 100% công suất đóng vai trò chính trong sự tăng trưởng của mảng khai thác cảng. Mảng kinh doanh logistics vẫn thể hiện sự ổn định với mức tăng trưởng doanh thu là 4.7% so với cùng kỳ.  

Chúng tôi nhận thấy, GMD đang có xu hướng chuyển hướng chiến lược kinh doanh với việc tập trung nhiều hơn vào mảng kinh doanh cốt lõi và logistics. Đối với hai mảng kinh doanh khác là trồng cao su và bất động sản, Công ty không có thêm dự án mới nào trong thời gian gần đây.  

Chúng tôi dự phóng GMD nhiều khả năng sẽ đạt 370 tỷ VNĐ, tương đương EPS đạt mức 3200 VNĐ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.98 3.4 0.27% 9,681 tỷ
HNX 232.86 0.57 0.24% 168 tỷ
UPCOM 91.12 0.5 0.54% 137 tỷ