Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/3

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/3 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/3

Khuyến nghị mua cổ phiếu KSB, với giá mục tiêu 35.400 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Theo nghị quyết 29/2021/QH-2015, tổng vốn đầu tư xã hội phân bổ cho giai đoạn 2021-2025 đạt 2,3 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 55% phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông. Điều này giúp các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng hưởng lợi đáng kể.

Đặc biệt, Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã KSB - sàn HOSE) hiện đang sở hữu nhiều mỏ đá tại Bình Dương và Đồng Nai, địa phận mà các công trình trọng điểm đi qua như Cao tốc Bắc Nam phía Đông hay sân bay Long Thành. Hơn nữa, với vị trí các mỏ đá thuận lợi, KSB có nhiều lợi thế về chi phí vận chuyển trong việc đầu thấu các dự án thành phần cũng như các dự án kết nối với những công trình trọng điểm này.

Với trữ lượng các mỏ đá đang còn có thể khai thác vào khoảng 49 triệu m3 cùng với công suất sản xuất hơn 5.5 triệu m3/năm. Hiện tại, công suất khai thác của KSB gần như đã đạt 100% do đó cũng giúp KSB có được lợi thế trong việc tận dụng tối đa các mỏ đá. Vị trí gần giúp KSB giảm được chi phí từ đó gia tăng biên lợi nhuận và tính cạnh tranh với các nhà cung cấp khác.

Kể từ năm 2018, bất động sản khu công nghiệp đóng góp bình quân 39,1% trong tổng doanh thu và 56.8% lợi nhuận gộp hàng năm của KSB. Hiện tỷ lệ lấp đầy tại Khu công nghiệp Đất Cuốc là 38%, thấp hơn rất nhiều so với các Khu công nghiệp có cùng quy mô trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ lấp đầy Khu công nghiệp cao nhất cả nước với 77%, trong đó phần lớn các Khu công nghiệp lớn có tỷ lệ lấp đầy 100% như VSIP hay Sóng Thần… Do đó, chúng tôi kỳ vọng Khu công nghiệp Đất Cuốc còn rất nhiều dư địa tăng trưởng và tiếp tục đóng góp vào doanh thu của KSB trong tương lai.

Với những luận điểm đầu tư là Hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công, Vị thế hàng đầu ngành trong sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, và Khu công nghiệp Đất Cuốc đóng góp đáng kể vào doanh thu sau năm 2022, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KSB với giá mục tiêu 35.400 đồng/CP.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DBD, giá mục tiêu 53.800 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (mã DBD) ghi nhận doanh thu thuần trong năm 2022 đi ngang, đạt 1.555 tỷ đồng (giảm nhẹ 0,2% so với năm trước). Trong đó, mảng vật tư y tế ghi nhận mức sụt giảm mạnh, doanh thu mảng này chỉ bằng 7% so với doanh thu năm 2021 do nhu cầu thiết bị y tế (TBYT) trong 2022 giảm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt đồng thời Nhà nước cũng bắt đầu siết chặt việc mua sắm thiết bị y tế tại các bệnh viện.

Tuy nhiên, mảng kinh doanh cốt lõi – thuốc tự sản xuất tăng 28%, đạt 1.473 tỷ đồng, đóng góp 95% tổng doanh thu. Doanh thu kênh ETC và OTC tăng trưởng lần lượt 54% và 48%.

Biên lãi gộp đạt 49,4%, tăng 9,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái nhờ Công ty gia tăng tỷ trọng các sản phẩm tự sản xuất. Tổng chi phí SG&A tăng 33% (chủ yếu là tăng lương cơ bản nhân viên).

Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 244 tỷ đồng (tăng 29% so với năm trước). Cả năm 2022, DBD đã hoàn thành 91% chỉ tiêu doanh thu thuần và vượt 13% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh của DBD 2023 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.790 tỷ đồng (tăng 15% so với năm trước) và 252 tỷ đồng (tăng trưởng 3%). Ở mức giá hiện tại, DBD đang giao dịch tại mức P/E 2023 là 12,1x, so với mức trung bình 5 năm là 16,7x. BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM cho DBD với giá mục tiêu là 53.800 đồng/CP – với tiềm năng tăng trưởng 31,7%.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu POW, giá mục tiêu 17.300 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Doanh thu năm 2022 của CTCP Điện lực dầu khí (POW) đạt 28,2 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.323 tỷ đồng (tăng 14%). Doanh thu tăng trưởng tích cực do (1) Sản lượng tích cực của các nhà máy điện khí và thuỷ điện (2) Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng kéo theo giá bán điện cao.

El Nino có xác suất cao xuất hiện trong năm 2023 ảnh hưởng đến các nhà máy thuỷ điện. Điều này mở ra dư địa huy động cho các nhà máy nhiệt điện như Vũng Áng 1. Theo thông tin từ POW, tổ máy số 1 của nhà máy Vũng Áng 1 sẽ nghiệm thu từ giữa tháng 3/2023 và đi vào vận hành ổn định từ cuối tháng 3/2023.

Dựa trên giả định tổ máy số 1 sẽ bắt đầu vận hành ổn định từ cuối quý I/2023, chúng tôi dự phóng sản lượng của Vũng Áng 1 vào khoảng 5.112 triệu kWh (tăng 54,1% so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kỳ vọng nhà máy sẽ được nhận khoảng 300 tỷ tiền bồi thường bảo hiểm trong năm tới.

Dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3&4 dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ giai đoạn 2024-2025 và đóng góp tích cực vào triển vọng mảng điện khí của POW. Với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, dự án có tổng công suất 1.600 MW có thể phát trung bình 9 tỷ kWh/năm. Đầu vào của 2 nhà máy là khí LNG nhập khẩu với mức tiêu thụ là 1,2 triệu tấn/năm. Dự kiến Nhơn Trạch 3&4 khi vận hành sẽ giúp nâng tổng công suất phát điện của POW lên 36%, tương đương 5.705 MW.

Dựa trên định giá SOTP và EV/EBITDA, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu POW. Giá mục tiêu là 17.300 đồng/CP, cao hơn 31,6% so với giá tại ngày 13/03/2023

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,223.44 7.08 0.58% 61,325 tỷ
HNX 228.94 1.44 0.63% 551 tỷ
UPCOM 89.84 0.14 0.16% 279 tỷ