Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/5

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/5 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/5

FPT: Khuyến nghị tích lũy dài hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Kết quả kinh doanh quý I/2015 được công bố tích cực với doanh thu tăng trưởng 30% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế tăng 11% so với cùng kỳ.

Như kỳ vọng của chúng tôi, khối công nghệ thông tin đang có những dấu hiệu đầu tiên của sự phục hồi. Tăng trưởng của khối viễn thông vẫn kém khả quan do FPT dừng khai thác mảng trò chơi trực tuyến và cổng thanh toán điện tử, biên lợi nhuận trước thuế tiếp tục thu hẹp do chi phí đầu tư quang hóa hạ tầng.

Năm 2015, chúng tôi kỳ vọng khối công nghệ thông tin và Phân phối – Bán lẻ sẽ là động lực tăng trưởng chính của FPT. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 dự báo đạt 1.861 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước, tương ứng EPS cơ bản là 5.418 đồng.

Các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động (ROE, ROA) của FPT đã suy giảm 3 năm liên tiếp (2012 – 2014) do tính chất chu kỳ trong hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Với dự báo về mức tăng trưởng kinh tế năm 2015 khả quan, chi tiêu đầu tư của khu vực công cũng như tư nhân kỳ vọng cao hơn sẽ là động lực giúp các mảng kinh doanh của FPT phục hồi. Các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động cũng như khả năng sinh lời của FPT kỳ vọng sẽ bắt đầu cải thiện hơn từ năm này.

Chúng tôi sử dụng phương pháp P/E để xác định giá hợp lý của cổ phiếu này. Do FPT là Tập đoàn có vị thế đầu ngành ở hầu hết các mảng kinh doanh và được khối NĐT nước ngoài ưa thích, mức PE tham chiếu sử dụng cho FPT là PE của VNIndex.

Theo đó, P/E hiện tại của VNIndex vào khoảng 12,5 lần. Cân nhắc thận trọng các yếu tố nội tại của FPT, chúng tôi chiết khấu 10% đối với phương pháp P/E, mức P/E sử dụng cho FPT là 11,3x.

Như vậy, mức giá hợp lý của FPT ở thời điểm hiện tại là 60.900 đồng/cp, cao hơn giá đóng cửa ngày 12/05 khoảng 23,9%. Do đó, chúng tôi khuyến nghị TÍCH LŨY cho mục tiêu đầu tư DÀI HẠN đối với cổ phiếu FPT.

Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài ở cổ phiếu FPT đã chạm trần trong khi FPT vẫn là một trong những cổ phiếu được NĐT tổ chức và nước ngoài ưa thích. Do đó, các thông tin xoay quanh khả năng tăng giới hạn sở hữu của NĐT nước ngoài sẽ luôn là động lực giúp giá cổ phiếu tăng nhanh và mạnh hơn kỳ vọng.

DHG: Khuyến nghị nắm giữ

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Chúng tôi thay đổi khuyến nghị từ MUA sang NẮM GIỮ dài hạn đối với cổ phiếu DHG và hạ mức giá mục tiêu 12 tháng xuống 81.000 đồng/cổ phiếu (từ mức 115.000 đồng/cổ phiếu trong báo cáo trước):

Chúng tôi cho rằng công ty đang bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định trong vài năm tới. Tốc độ tăng trưởng khá cao trong quá khứ đang gây áp lực lớn đối với sự tăng trưởng kinh doanh của DHG trong tương lai.

Tuy vậy, chúng tôi kỳ vọng lãi ròng sẽ tăng trưởng 19% trong năm 2015. Động lực chính giúp lợi nhuận ròng tăng trưởng đến từ sự ưu đãi về thuế trong 15 năm đối với hai xưởng sản xuất mới của DHG. Chúng tôi dự phóng thuế suất hiệu dụng sẽ giảm từ 26,1% năm 2014 xuống mức 14,3% năm 2015.

Trong năm 2015, ban lãnh đạo của DHG sẽ tiến hành rà xoát và tái cơ cấu lại mô hình hoạt động cũng như danh mục sản phẩm của doanh nghiệp. Mục tiêu là để giúp DHG quay trở lại mức tăng trưởng cao như những năm gần đây. Chúng tôi tin rằng điều này là hoàn toàn có thể, nhưng cần thêm bằng chứng trước khi nâng mức dự phóng hiện tại.

Bên cạnh đó, DHG dự tính sẽ xây nhà máy mới trong năm 2015. Nhà máy mới này sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn PIC/S và được dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017. Chúng tôi lo ngại là các đối thủ của công ty có thể cũng sẽ đạt được tiêu chuẩn PIC/S vào thời điểm nói trên.

APS: Kế hoạch kinh doanh năm nay khá thận trọng

CTCK BIDV (BSC)

Ngày 8/5/2014, ĐHCĐ của CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (mã APS) đã không được tiến hành do số cổ đông tham dự không đạt tỉ lệ tối thiểu cần thiết. Tuy nhiên, qua buổi trao đổi với ban lãnh đạo của Công ty, chúng tôi đưa ra những nhận định sau:

Kết quả kinh doanh năm 2014 khả quan với chir tiêu tổng doanh thu đạt 45.5 tỉ đồng (+82% so với năm trước), trong đó nổi bật với doanh thu môi giới là 17 tỉ (+89% so với năm trước), doanh thu tự doanh 7 tỉ (+250% so với năm trước), doanh thu tư vấn 4.2 tỉ (tăng 20 lần so với năm 2013). Lợi nhuận sau thuế đạt 18 tỉ (+55% so với năm trước), EPS 464 đồng/cp (+55% so với năm trước).

Nền kinh tế hồi phục, dòng tiền của nhà đầu tư quay trở lại giúp thị trường khởi sắc là nguyên nhân chính giúp APS đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng so với năm 2013.

Kế hoạch kinh doanh năm 2015 thận trọng với chỉ tiêu tổng doanh thu là 45,1 tỷ, giảm nhẹ so với năm 2014. Trong đó đáng chú ý, doanh thu môi giới dự kiến đạt 20,7 tỷ (+22% so với năm trước), tự doanh 5,4 tỷ (-23% so với năm trước), doanh thu tư vấn 1,95 tỷ (-54% so với năm trước). Hiệu quả kinh doanh dự kiến khoảng 21,6 tỷ.

Chúng tôi đánh giá đây là chỉ tiêu thận trọng của Ban Giám đốc khi tình hình thị trường chứng khoán các tháng đầu năm chưa thực sự khởi sắc, còn nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Thương vụ sát nhập APS với CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS) chưa hoàn tất thủ tục: Hai bên đã thống nhất phương án sát nhập với tỉ lệ chuyển đổi là 1:1. APS sẽ phát hành 13.5 triệu cổ phiếu mới để chuyển đổi với cổ phiếu GLS. Tuy nhiên, do vướng mắc về quy chế và thủ tục, hơn nữa đây là trường hợp sát nhập của hai công ty chứng khoán đầu tiên trên thị trường nên quá trình sát nhập bị kéo dài, dự kiến sớm nhất cuối quý II/2015 sẽ hoàn tất.

Kết quả kinh doanh quý I/2015 không tốt với tổng doanh thu đạt 7.6 tỷ đồng (-36% so với cùng kỳ). Trong đó, doanh thu môi giới 2,6 tỷ, sụt giảm mạnh 47% so với cùng kỳ năm 2014; doanh thu tự doanh chỉ đạt 195 triệu, giảm 15 lần so với quý I/2014. Thị trường chứng khoán quý I/2015 chịu nhiều tác động xấu gây ảnh hưởng đến hoạt động môi giới. Thêm vào đó, APS chủ động cắt giảm các khoản đầu tư của hoạt động tự doanh từ các năm trước, khiến Công ty phải chịu một khoản lỗ không nhỏ.

Giá đóng cửa của APS ngày 11/05/2015 là 3,700 đồng/cp. EPS 2014 là 464 đồng/cp. Nếu hoàn thành kết quả kinh doanh năm 2015, FW EPS 2015 dự kiến đạt 492 đồng/cp.

TCR: Kết quả kinh doanh đáng thất vọng

CTCK MB (MBS)

TCR công bố kết quả kinh doanh quý I/2015. Theo đó, doanh thu đạt mức 461 tỷ VND, tăng 15% so với cùng kỳ. Công ty chịu lỗ hơn 21 tỷ đồng, so với mức lãi 725 triệu VNĐ, trong quý 1 năm 2014.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến giá vốn hàng bán của TCR tăng 20% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng doanh thu khiến biên lợi nhuận gộp giảm. Thêm vào đó, chí phí bán hàng và quản lý tăng đáng kể cùng kỳ. Cụ thể, chi phí bán hàng đạt mức 46 tỷ VNĐ, tăng 30% so với cùng kỳ; chi phí quản lý đạt mức 24,6 tỷ VNĐ, tăng 12% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu khiến các chi phí trung gian của Công ty tăng là do chi phí vận chuyển tăng khi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra tải trọng vận chuyển.

Chúng tôi đánh giá, kết quả hoạt động kinh doanh của TCR là đáng thất vọng trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất gạch men, gạch, ngói đang phục hồi mạnh mẽ nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản và nhiều công ty cùng ngành đang thể hiện kết quả kinh doanh khả quan như CVT, VHL và VIT.

Do lợi nhuận năm 2014 khá thấp, chưa đủ bù đắp lỗ lũy kế. Công ty quyết định không chi trả cổ tức năm 2014. Trong năm, 2015, Công ty lên kế hoạch sản xuất 14.5 triệu m2 gạch men song không đưa ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cụ thể.

IDI: Kế hoạch kinh doanh khá thử thách

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Doanh thu thuần 2014 đạt 2.126 tỷ, tăng 17% so với năm trước. Mức tăng đến từ (i) hoạt động xuất khẩu cá tra (chiếm 90% tổng doanh thu) tăng 11% so với năm trước nhờ phát triển thị trường mới tốt, đặc biệt là thị trường Trung Quốc; (ii) hoạt động sản xuất và kinh doanh dầu cá cao cấp Ranee (chiếm 4% tổng doanh thu) tăng 2,2 lần do bắt đầu bán rộng rãi từ quý III/2014 và (iii) lĩnh vực bất động sản (chiếm 6% tổng doanh thu) tăng 7,5 lần do chuyển nhượng dự án Lấp Vò.

Năm ngoái, IDI đã thực hiện cơ cấu lại ngành nghề, chuyển nhượng dự án bất động sản cho công ty Mẹ - Tập Đoàn Sao Mai (ASM) và chỉ tập trung vào chuỗi sản xuất thủy sản khép kín. Nhờ tăng diện tích vùng nuôi liên kết và tự nuôi, IDI kiểm soát được giá cá nguyên liệu ở mức thấp so với cùng kỳ.

Theo đó, biên lợi nhuận gộp của mảng cá tra tăng 1 điểm phần trăm (ppt) lên mức 12%. Bên cạnh đó, mảng dầu ăn bắt đầu có lợi nhuận với biên lợi nhuận gộp là 2%. Tổng biên lợi nhuận gộp tăng 2 ppt lên mức 12%. Với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tương đương cùng kỳ, lợi nhuận từ HĐKD tăng 68% so với năm trước. Cùng với lỗ ròng từ tài chính và lỗ từ lợi nhuận khác giảm, lợi nhuận sau thuế 2014 đạt 90,5 tỷ, tăng 2 lần so với năm trước.

Với kỳ vọng vào việc cải thiện giá cá xuất khẩu trong khi công ty đã chuẩn bị một nguồn cá nguyên liệu ổn định (15% từ vùng nuôi riêng, 65% từ vùng nuôi lien kết và 20% thu mua từ bên ngoài), doanh thu và lợi nhuận từ xuất khẩu cá tra được công ty đặt tăng trưởng mạnh so với 2014. Cùng với đó, mảng dầu ăn cũng dự kiến sẽ cho doanh thu và lợi nhuận vượt trội. Vì vậy, kế hoạch kinh doanh 2015 của IDI đặt ra tăng mạnh so với thực hiện 2014.

Phát hành 111,2 triệu cổ phiếu và 800 tỷ trái phiếu không chuyển đổi. Trong quý II/2015, IDI dự tính sẽ chi trả cổ tức 2014 bằng cổ phiếu (12,8 triệu cổ) tỷ lệ 20:3 và phát hành 98,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (tỷ lệ 1:1). Đồng thời cũng sẽ phát hành riêng lẻ 800 tỷ trái phiếu không chuyển đổi, mệnh giá 1 tỷ đồng/TP thời hạn 3-7 năm.

Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để:  Đầu tư mở rộng vùng nuôi, trại giống; Xây dựng nhà máy thức ăn cho cá; Xây dựng nhà máy sản xuất bao bì thủy sản; Bổ sung vốn trung dài hạn cho nhà máy dầu ăn; Nghiên cứu mua bán và chế biến gạo

Với tham vọng mở rộng hoạt động và xây dựng 1 chuỗi quy trình sản xuất khép kín từ khâu nuôi trồng đến sản xuất cá tra, IDI cần một nguồn vốn lớn để thực hiện.

Chúng tôi cho rằng IDI đạt kế hoạch khá thử thách. Tình hình cá tra của toàn ngành trong quý I/2015 giảm 18% so với cùng kỳ. Mặc dù có sự tăng trưởng tốt từ các thị trường như Trung Quốc, HongKong, Mexico và Canada nhưng cũng khó bù đắp được sự sụt giảm đáng kể từ các thị trường chính như Mỹ (do thuế chống bán phá giá POR10 cao) và châu Âu.

Trong 2014, thị trường Mỹ đóng góp 54% trong cơ cấu xuất khẩu của IDI, giảm mạnh so với mức 76% của 2013. Hơn nữa, giá cá tra đang giảm nhẹ do gần đây nhu cầu tiêu thụ cá tra fillet trên thị trường xuất khẩu thấp. Sản phẩm dầu ăn: Hiện Ranee còn rất mới với người tiêu dùng, chúng tôi cho rằng IDI cần thời gian tiếp cận thị trường, theo đó, mục tiêu doanh thu tăng trưởng 6 lần trong 2015 là khó hoàn thành.

Hơn nữa, công ty cần thực hiện các chiến lược kinh doanh, marketing cho sản phẩm dầu ăn nên chi phí cho hoạt động sẽ tăng đáng kể. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 10 tỷ tương đương biên lợi nhuận ròng là 10% cho hoạt động này là rất thử thách.

Lợi nhuận sau thuế quý I/2015 tăng đáng kể do giá cá nguyên liệu tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp nên biên lợi nhuận gộp trong quý I/2015 ở mức 12%, tương đương mức trung bình cả năm 2014 và cao hơn mức 7,8% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế quý I/2015 đạt 21 tỷ, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ nhưng chỉ mới hoàn thành 12% kế hoạch năm. Giả định đợt phát hành 98,3 triệu CP thành công 100%, thì EPS sẽ pha loãng 29%.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục