Khuyến nghị mua vào cổ phiếu CTI
CTCK BIDV (BSC)
CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico (mã CTI) hiện đang sở hữu và vận hành 3 tuyến đường thu phí BOT với lưu lượng lưu thông lớn là tỉnh lộ 16, Quốc lộ 1A và Quốc lộ 91.
Tổng doanh thu phí ước đạt 412 tỷ đồng trong năm 2016 (tăng trưởng 73%) nhờ (1) lưu lượng lưu thông tăng khoảng 10% đối với quốc lộ 1A, (2) phí sử dụng quốc lộ 1A tăng 70% kế từ ngày 1/1/2016; (3) Đưa vào thu phí quốc lộ 91B từ tháng 4/2016 với doanh thu ước đạt 65 tỷ đồng trong năm 2016.
Như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo phân tích CTI, thu phí BOT là hoạt động ổn định với lợi nhuận cao (biên lợi nhuận gộp mảng thu phí của CTI đạt từ 63-86% trong 9 tháng đầu năm 2016), thời gian thu phí kéo dài và thương được đảm bảo lợi nhuận bởi chi phí bảo tồn vốn (khoảng từ 10%-15%), rủi ro nợ xấu thấp.
Từ tháng 1/2017, CTI bắt đầu triển khai thu phí quốc lộ 91A, một trong những tuyến quốc lộ có thu phí quan trọng nhất của CTI. Doanh thu phí quốc lộ 91 được kỳ vọng đạt 176 tỷ đồng vào năm 2017, lợi nhuận thuộc về CTI ước đạt 15 tỷ đồng.
Công ty cũng dự kiến đưa vào thu phí BOT đường chuyên chở vật liệu xây dựng trong quý II/2017 với doanh thu ước đạt 20 tỷ đồng/năm. Việc thu phí BOT nút giao 319 được dự kiến thực hiện vào giữa năm 2018.
Năm 2016, Bộ giao thông vận tải chỉ đạo giảm phí đường bộ từ 10- 15% đối với xe dưới 7 chỗ ngồi, 15-20% đối với xe Container, áp dụng đối với các dự án BOT thu phí sau năm 2014. Đại diện CTI cho biết, theo chỉ đạo này, công ty đã giảm 20.000 đồng/xe đối với xe từ 10 tấn trở lên lưu thông qua quốc lộ 1A (hiện đang thu ở mức 140.000 đ/xe đối với xe từ 10-18 tấn và 200.000 đ/xe đối với xe trên 18 tấn). Điều này làm giảm khoảng 5% doanh thu hàng năm (ước tính khoảng 15 tỷ đồng, và khoảng 1% lợi nhuận trước thuế của dự án (0,35 tỷ đồng).
Mức phí đối với tỉnh lộ 16 và quốc lộ 91 được giữ nguyên. Chúng tôi đánh giá, việc giảm phí đường bộ này không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và định giá của CTI do hoạt động thu phí BOT của công ty được đảm bảo IRR trong suốt vòng đời của dự án, thời gian thu phí cũng được điều chỉnh tương ứng với thời gian thu hồi vốn của dự án.
Sử dụng phương pháp FCFF như đã đề cập trong báo cáo phân tích CTI, giá trị hợp lý của các hoạt động hiện tại của CTI là 15.324 đồng/cp. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua cổ phiếu CTI với giá mục tiêu 31.800 đồng/cp.
ACV sắp có cổ đông chiến lược nước ngoài
CTCK Phú Hưng (PHS)
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đang đàm phán với Tập đoàn Aeróports de Paris (Pháp) về việc mua cổ phần chiến lược tại Tổng công ty Cảng hàng không - CTCP (ACV), dự kiến sẽ ký kết các hợp đồng, hoàn tất giao dịch trong tháng 3/2017.
Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành thoái vốn tại 22 công ty cổ phần. Trong đó, đã thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 4 công ty mẹ -tổng công ty (Cienco 6, Vinamotor, TEDI, Vận tải thủy) và thoái giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại 1 công ty mẹ - tổng công ty (Cienco5), thu về 2.039,7 tỷ đồng, bằng 133,8% giá trị mệnh giá, giá trị thu về đạt 2.301,7 tỷ đồng.
Các công ty mẹ - tổng công ty thuộc Bộ đã thoái vốn tại 17 doanh nghiệp, thu về 262 tỷ đồng, bằng 214,7% giá trị mệnh giá.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai thực hiện cổ phần hóa đối với 4 công ty mẹ, gồm các tổng công ty: Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, Hàng hải Việt Nam, Công nghiệp Tàu thủy; 8 công ty con thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy.
Đồng thời, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện thoái vốn nhà nước tại 7 công ty cổ phần đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gồm: 3 công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ; 2 công ty cổ phần quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1, số 10; 1 công ty thuộc Trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM và 1 công ty thuộc Trường đại học Hàng hải Việt Nam.