Phiên chiều 12/1: Dòng bank bị chốt lời, VN-Index thiếu may mắn

(ĐTCK) Áp lực chốt lời tại nhóm ngân hàng khiến VN-Index bị rung lắc trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của một số mã lớn khác, cũng như sự phục hồi của VNM, VN-Index đã nỗ lực đảo chiều trở lại, nhưng vẫn thiếu một chút may mắn để có được sắc xanh.
Phiên chiều 12/1: Dòng bank bị chốt lời, VN-Index thiếu may mắn

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, sau chuỗi ngày tăng mạnh, các cổ phiếu lớn trên sàn cần được nghỉ ngơi. Trong phiên giao dịch sáng 12/1, dù mở cửa khá thuận lợi, chỉ số VN-Index đang từng bước leo lên ngưỡng 690 điểm, nhưng đà tăng nhanh chóng bị chặn lại trước áp lực điều chỉnh của các mã lớn, điển hình là các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng.

Thiếu cổ phiếu cầm chịch khiến thị trường biến động giằng co nhẹ, VN-Index liên tục đảo chiều trong phiên sáng. Tuy nhiên, cùng với “ông lớn” ngành bia SAB mất sắc xanh, các trụ cột như VNM, MSN và các mã ngân hàng giảm điểm khiến chỉ số chốt phiên sáng dưới mốc tham chiếu.

Bước sang phiên giao dịch chiều, tâm lý thận trọng quan sát khiến lực cầu tiếp tục suy yếu, thị trường vẫn giao dịch trong xu hướng bất lợi. Sau gần 50 phút giao dịch, chỉ số VN-Index rơi xuống mốc 685 điểm.

Dường như đây đang là ngưỡng an toàn cho thị trường, ngay sau cú tụt dốc, lực cầu bắt đáy đã gia tăng giúp VN-Index thu hẹp đà giảm điểm. Thị trường trở lại diễn biến đi ngang trong biên độ hẹp đến hết phiên giao dịch.

Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng cới 115 mã tăng và 120 mã giảm. Chỉ số VN-Index giảm 0,2 điểm (-0,03%), đứng tại mức 686,96 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 112,44 triệu đơn vị, giá trị 2.070,67 tỷ đồng, giảm đáng kể so với các phiên trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 9,83 triệu đơn vị, giá trị 248,89 tỷ đồng, trong đó riêng HBC thỏa thuận hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 92,63 tỷ đồng.

Nhóm bluechip tiếp tục tạo gánh nặng lên thị trường, chỉ số VN30-Index giảm 1,14 điểm (-0,18%) xuống 642,25 điểm với 13 mã tăng, 13 mã giảm và 4 mã đứng giá.

Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng như VBC, BID, CTG và các mã MSN, CII, HSG, HPG, FPT, tiếp tục tác động tiêu cực lên thị trường.

Nếu phiên giao dịch sáng, MWG cũng đóng vai trò là một trong những má phanh tốt thì sang phiên chiều, cổ phiếu này đã không còn giữ phong độ và quay lại mốc tham chiếu 160.000 đồng/CP. Bộ đôi lớn VNM và VIC cũng đều đóng cửa ở mốc giá tham chiếu.

Ở chiều ngược lại, trong khi các mã GAS, PVD, GMD, SSI… đều có mức tăng nhẹ thì BVH tiếp tục tỏa sáng. Sau khi đảo chiều thành công ở phiên sáng, BVH đã nới rộng đà tăng trong phiên chiều và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 62.500 đồng/CP, tăng 2,6% với khối lượng khớp lệnh thành công đạt 424.200 đơn vị.

Điểm sáng trên sàn HOSE là HAG. Dù đã khẳng định sẽ không vay thêm nợ và tập trung vào tái cơ cấu các khoản nợ cũ, nhưng những ngày cuối cùng của năm 2016, HAG đã bất ngờ thông báo hoàn tất phát hành thành công 930 trái phiếu riêng lẻ có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu.

Đối tác chi 930 tỷ đồng để mua trái phiếu của HAG được công bố là một tổ chức tín dụng nhưng kế hoạch của việc sử dụng số tiền này chưa có. Có thể là một kế hoạch sản xuất kinh doanh mới sắp được thực hiện hay để giảm bớt áp lực nợ ngắn hạn?

Việc phát hành thành công lượng trái phiếu trên đã không hỗ trợ giúp giá cổ phiếu HAG khởi sắc, cổ phiếu này đã giảm trong 5 phiên liên tiếp.

Những tưởng HAG sẽ tiếp tục ghi nhận phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp nhưng cổ phiếu này đã thoát hiểm ở những phút cuối cùng. Lực cầu gia tăng mạnh đã giúp HAG hồi phục, với mức tăng nhẹ 0,6%, HAG đóng cửa tại mức giá 5.210 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh thành công đạt 14,42 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Trên sàn HNX, dù thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp nhưng đà tăng mạnh ở một số mã lớn LAS, VCS, NTP, HUT, đã giúp thị trường đóng cửa trong sắc xanh nhạt.

Với 60 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,02%) và đóng cửa tại mức 83,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,96 triệu đơn vị, giá trị 215,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,5 triệu đơn vị, giá trị 21,43 tỷ đồng.

Phiên chiều 12/1: Dòng bank bị chốt lời, VN-Index thiếu may mắn ảnh 2

Biểu đồ HNX-Index 

Sau 3 phiên giảm và đứng giá tham chiếu ở 3 phiên tiếp theo đó, LAS đã có cú bứt phá mạnh trong phiên 12/1 và nhanh chóng chạm trần. Đóng cửa, LAS tăng 9,4% lên mức giá trần 13.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 311.400 đơn vị và dư mua trần 71.300 đơn vị.

Trái lại, sau phiên tăng trần hôm qua, áp lực chốt lời khiến KDM quay đầu giảm điểm ngay đầu phiên. Tuy nhiên, đóng cửa, KDM vẫn giữ nguyên thành quả khi tăng 9,7% lên mức giá trần 16.900 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 1,67 triệu đơn vị.

Bộ đôi cổ phiếu ngân hàng ACB và SHB vẫn giao dịch khá mạnh. Trong đó, SHB chuyển nhượng thành công 2,23 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX; còn ACB khớp 1,16 triệu đơn vị, đứng ở vị trí thứ 4.

Tại sàn UPCoM

Phiên giao dịch chiều không nhiều biến động, chỉ số UPCoM-Index chỉ biến động nhẹ quanh mốc 55 điểm. Đóng cửa, UPCoM-Index goảm 0,32 điểm (-0,58%) xuống 54,99 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 2,77 triệu đơn vị, giá trị 73,22 tỷ đồng.

Tâm điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay là MCH. Qua 6 phiên giao dịch kể từ ngày chào sàn, phiên 12/1 là phiên đầu tiên MCH có được sắc xanh. Với mức tăng khá tốt 4.600 đồng (+5,8%), MCH đóng cửa tại mức giá 83.900 đồng/CP và khớp lệnh thành công 15.987 đơn vị.

Cũng chào sàn trong năm 2017, sau 5 phiên giảm mạnh liên tiếp, HEM cũng đã hồi phục nhẹ với mức tăng 400 đồng (+2,6%) lên mức giá 15.500 đồng/CP và khớp 9.700 đơn vị.

Trái lại, thành viên mới nhất VIB tiếp tục giảm sâu với mức giảm 1.600 đồng (-8,7%), đóng cửa tại mức giá 16.800 đồng/CP.

ACV tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với khối lượng khớp lệnh chỉ đạt hơn nửa triệu đơn vị và đóng cửa vẫn duy trì đà tăng ổn định, tại mức giá 49.600 đồng/CP.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục