Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 12/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/8

PHP: Mức giá hợp lý 14.582 đồng/Cp

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS)

Giá trị hợp lí của cổ phiếu của CTCP Cảng Hải Phòng (PHP – sàn HNX) được tổng hợp từ 2 phương pháp so sánh tương đối và chiết khấu dòng tiền tự do với phân bố tỷ trọng không bằng nhau. Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do sử dụng nhiều giả định về tăng trưởng của sản lượng hàng hóa qua cảng, hiệu quả hoạt động, mức độ đầu tư tài sản và vay vốn trong vòng 5 năm tới. Đồng thời những thay đổi nhỏ của tốc độ tăng trưởng sau năm 2020 có thể tạo ra thay đổi rất lớn đến giá trị của cổ phiếu PHP. Do đó, chúng tôi phân bổ tỷ trọng cho 2 phương pháp so sánh tương đối và chiết khấu dòng tiền tự do lần lượt là 60% và 40%.

PHP là doanh nghiệp cảng biển có quy mô, năng lực hoạt động và thị phần đứng đầu tại Hải Phòng. Hiệu quả hoạt động của công ty giai đoạn trước CPH không cao và chưa xứng với tiềm năng khi sản lượng hàng hóa không tăng trưởng và thị phần liên tục sụt giảm. Tuy nhiên trong thời gian gần đây hoạt động của PHP đã có nhiều chuyển biến tích cực khi sản lượng hàng hóa đã bắt kịp với đà tăng trung bình tại Hải Phòng, đồng thời công ty có nhiều biện pháp cắt giảm chi phí để cải thiện hoạt động.

Trong tương lai gần, PHP sẽ tập trung đầu tư nâng cao năng lực khu vực cảng Tân Vũ và sau đó mở rộng ra Lạch Huyện để duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm. Tổng hợp 2 phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền và so sánh tương đối, giá trị hợp lý của PHP ở mức 14.582 đồng/CP.

PVT: Cổ phiếu đáng quan tâm trong dài hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Tình hình hoạt động kinh doanh cốt lõi (vận tải) trong nửa đầu năm của Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT- HSX) khá ổn định. Đồng thời tận dụng diễn biến giá dầu thô thấp, sản lượng nhập khẩu các mặt hàng (dầu thô, xăng dầu và LPG) tăng cao giúp hiệu suất khai thác của đội tàu cải thiện. Trong 6 tháng 2015, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nhập khẩu 3,4 triệu tấn dầu thô, tương đương 63% tổng sản lượng của năm 2014.

Ngoài hoạt động hiệu quả của đội tàu, hai thay đổi trong hoạt động kinh doanh chúng tôi cho rằng là tích cực gồm: (1) hoạt động vận chuyển than bắt đầu từ quý IV/2014 cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng có thể mang về khoảng 500 tỷ đồng doanh thu trong năm 2015; (2) từ tháng 05/2015, PVT bắt đầu đưa vào khai thác FSO Đại Hùng và ký hợp đồng O&M chính thức cho FPSO Mỏ Chim Sáo, do hoạt động FSO ổn định với biên lợi nhuận cao nên đã đóng góp tích cực vào KQKD từ quý II/2015.

Tổng kết 6 tháng đầu năm, doanh thu hoàn thành 1/2 kế hoạch năm song PVT đã hoàn thành được ~89% kế hoạch lợi nhuận. Trong nửa cuối năm, công ty dự kiến kết quả kinh doanh có thể tương đương năm 2014. Chuyên viên ngành đánh giá việc giữ được mức lợi nhuận tương đương năm trước là điểm tích cực bởi năm 2015, PVT không ghi nhận lợi nhuận (~100 tỷ đồng) từ bán tài sản như cùng kỳ.

Bên cạnh tình hình hiện tại, điểm chuyên viên ngành đánh giá lạc quan hơn cả sau buổi trao đổi với doanh nghiệp chính là triển vọng trong trung và dài hạn của Công ty dựa trên một số cơ sở sau:

(1) Quyết định TTCP về việc giữ tỉ lệ sở hữu 51% của PVN tại PVT là cam kết quan trọng đặc biệt cho sự phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và cơ hội tham gia các dự án lớn sau này của PVN (5 Nhà máy nhiệt điện than có vốn đầu tư của PVN).

(2) Năng lực lọc hóa dầu Việt Nam mở rộng (Nghi Sơn (2017), Dung Quất mở rộng (2018)…) đồng nghĩa với nhu cầu nhập khẩu và vận tải dầu thô tăng. Do đó, PVT, với vị thế của mình, sẽ đảm trách việc vận chuyển sản lượng dầu thô tương ứng với phần vốn góp của PVN tại các dự án lọc hóa dầu.

3) Lĩnh vực FSO và FPSO tuy chỉ mới tham gia nhưng PVT có lợi thế về đội tàu dầu thô lớn nên hoàn toàn có thể hoán cải sang dùng làm kho nổi FSO.

(4) PVT đang gói gọn/thoái vốn ngoài ngành nhằm phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi, điều này gián tiếp hỗ trợ KQKD của công ty thông qua cơ hội hoàn nhập các khoản dự phòng tại các công ty con.

Hiện tại, PVT đang giao dịch tại vùng giá ổn định với P/E trailing khoảng 9x. Với triển vọng mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng PVT đáng được quan tâm trong dài hạn.

HBC: Khuyến nghị theo dõi trong ngắn hạn và thêm trong dài hạn

CTCK FPT (FPTS)

Theo một số thông tin, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II của HBC có thể ngang với kết quả kinh doanh công ty mẹ và chưa tiến hành trích lập 120 tỷ từ dự án 15 Lê Thánh Tôn của CT group nên kết quả kinh doanh quý II của HBC vẫn tăng mạnh so với năm trước.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến nghị nên thận trọng với khoản trích lập này do theo một số nguồn tin thì HBC có thể đã phải trích lập khoản nợ xấu này trong Q2 (DA tạm ngưng thi công do chưa hiệu quả), nhưng do tuổi nợ vẫn chưa đến nên có khả năng đến Q3- Q4 sẽ trích lập cho khoản này.

Hiện tại, đang có thông tin xấu cho HBC như vụ sập dàn giáo và trích lập có thể xảy ra trong quý III- quý IV, nên chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI ngắn hạn 2-3 tháng.

Về dài hạn, triển vọng của ngành Xây dựng đang đi lên, nên biên lợi nhuận gộp của ngành có khả năng được cải thiện trong năm 2015, cùng với lãi suất ngân hàng cũng có xu hướng giảm. Do vậy, triển vọng trong dài hạn của HBC là Khả quan. Khuyến Nghị THÊM trong dài hạn.

NT2: Khuyến nghị thêm vào

CTCK FPT (FPTS)

Nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, bình quân 12% so với năm 2014, trong đó Miền Nam vẫn là khu vực trọng điểm, tiêu thụ đến 50% điện năng tiêu thụ cả nước, trong khi nguồn điện bổ sung ở khu vực này trong năm là không cao;  

Nguồn cung điện tại khu vực Miền Nam gặp khó bởi (1) Sự kiện mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh làm nguồn điện phía Bắc ảnh hưởng nghiêm trọng, khó có thể cung cấp bổ sung cho miền Nam;

(2) các nhà máy nhiệt điện than lớn ở miền Nam là Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 (chiếm 18% tổng công suất điện miền nam) đối mặt với nguy cơ không có than để phát điện;

(3) Hệ thống khí PM3 sẽ cắt để bảo dưỡng từ 10/8 đến 24/8, do đó 2 nhà máy tuabin khí lớn là Cà Mau 1&2 (chiếm 12% tổng công suất điện miền nam) sẽ rất hạn chế phát điện trong giai đoạn này (Một trong những phương án của EVN đề ra trong giai đoạn này lại là vận hành tối đa NĐ Duyên Hải 1).

EVN không còn lựa chọn nào khác phải huy động tối đa nguồn điện từ các nhà máy Tuabin khí còn lại và thủy điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho khu vực miền Nam, đặc biệt là Tây Nam Bộ. NT2 vừa hoàn thành tiểu tu 2 tổ máy, công suất tăng lên 4 – 6MW mỗi tổ, và đã sẵn sàng phát điện tối đa cho giai đoạn căng thẳng này.

Theo ước tính thận trọng của chúng tôi, NT2 sẽ tiếp tục vận hành ở công suất cao, tương đương với nửa cuối năm 2014. Theo đó, sản lượng điện phát năm 2015 ước đạt 5,173 tỷ kWh (+8,5% so với năm ngoái), tương đương doanh thu thuần đạt 6.945 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2014;

Tính đến báo cáo tài chính kiểm toàn quý II/2015, NT2 vẫn chưa áp dụng thông tư 200. Từ ngày 30/06 đến nay, tỷ giá VND/EUR đã giảm 1,09%. Chúng tôi giả định tỷ giá VND/EUR sẽ chỉ giảm 1% xuống còn 24.018 VND/EUR và tỷ giá VND/USD không thay đổi trong nửa cuối năm 2015, NT2 sẽ ghi nhận thêm khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện do đánh giá lại khoản vay có gốc ngoại tệ là 30 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2015 ước đạt 1.069 tỷ đồng, tăng +14,6% so với năm 2014. Trong đó bao gồm lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh là 935,5 tỷ đồng và 133,9 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện.

NT2 sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ phát hành 7% (Ngày giao dịch không hưởng quyền 12/08/2015). Tổng số lượng cổ phiếu lưu hành dự kiến sau khi chia sẽ là 273.920.000 cổ phiếu. Sau khi pha loãng, EPS (2015F) ước đạt 3.904 đồng/cp; Core EPS (2015F) đạt 3.415 đồng/cp.

NT2 đang giao dịch ở mức giá 27.000 đồng/cp, tương đương mức giá và P/E điều chỉnh lần lượt là 25.200 đồng/cp và 7,4x. Mức P/E bình quân của các doanh nghiệp ngành điện là 8,5x và đối với các doanh nghiệp đầu ngành như PPC, VSH là 10x. Chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị THÊM với cổ phiếu NT2 và nâng mức giá mục tiêu 2015 sau điều chỉnh là 29.000 đồng/cp.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục